Tôi là người luôn tìm kiếm, ủng hộ và cổ xúy cho tự do. Bởi tôi chưa bao giờ nhìn thấy tự do trên đất nước tôi. Bởi tự do trên đất nước tôi là tự do vứt rác ra đường mà không sợ ai hỏi, tự do đứng đái vỉa hè mà không sợ ai phán xét hay hỏi han, tự do văng tục khắp mọi nơi mà không sợ mình bị đánh giá thấp… Đó là những thứ tự do có được của một người Việt. Nhưng liệu có phải tự do là những thứ đó? Và gần đây, ca sĩ Mai Khôi bày tỏ quyền tự do phát biểu của cô bằng một tấm bảng giơ ra đón Tổng thống Donald Trump với nội dung “Trump, tôi đái vào mặt ông” viết bằng tiếng Anh. Hành động của cô gây bão dư luận, có người ủng hộ, có người phản bác. Điều này khiến tôi đặt lại vấn đề về khái niệm Tự Do và hỏi liệu hành động tự do bày tỏ của Mai Khôi đúng hay sai, có hợp lý?
Ở khía cạnh thứ nhất, tự do là gì? Có thể nói rằng tự do là một khái niệm rất rộng và rất hẹp. Rộng bởi nội hàm của nó hàm chứa cả yếu tính của con người và vạn vật. Một người tôn trọng tự do thì không thể xiềng xích con vật nuôi của mình theo ý muốn nó luôn bên cạnh mình hoặc nhốt chim trời vào lồng để nó làm đẹp cho khuôn viên gia đình. Sâu xa hơn, một người tôn trọng tự do thì không thể áp đặt người khác phải tự do theo cách mà mình xem rằng đó là tự do. Và tự do cũng là một khái niệm hẹp, nó bị khuôn giới bởi chính trị, văn hóa, đạo đức xã hội, tôn giáo. Ở một quốc gia này, ăn thịt lợn là điều tốt, ăn thịt chó là sai với tôn giáo thì ở một quốc gia khác, ăn thịt chó là điều tốt và ngược lại. Anh không thể tự do ăn thịt lợn trong quốc gia xem lợn là vật thiêng và cũng không thể mở quán thịt chó trước cổng chùa.
Đương nhiên những ví dụ này có phần khập khiễng và không thuyết phục. Nhưng tôi nói vậy để nhấn mạnh rằng một khi có chính trị, có tôn giáo, có đạo đức xã hội và đặc biệt là có pháp luật thì khái niệm Tự Do của con người được định nghĩa và thực hành trong các giới trong phạm vi những thứ vừa nói. Đó là tính hẹp của tự do, con người thì ước mơ thiên hình vạn trạng, thậm chí muốn nhấc cả trái đất lên. Nhưng giới hạn sức mạnh và giới hạn qui ước đồng loại không cho phép anh làm những điều đó.
Cũng giống như anh ước mơ đất nước có tự do, có độc lập, có đa nguyên đa đảng, anh đấu tranh cho điều đó và chấp nhận mọi sự nguy hiểm của bản thân. Điều đó hoàn toàn cao quí và hợp lý. Nhưng nếu anh nói với ai đó rằng “Tại sao tôi đấu tranh mà anh không đấu tranh? Anh là kẻ hèn, kẻ dốt, kẻ thỏa hiệp, kẻ không có não… Anh phải đấu tranh cho tự do giống như tôi…” thì ngay lập tức, tự do của bản thân anh và của người tiếp nhận những câu hỏi của anh đã bị xúc phạm.
Tự do của bản thân anh bị xúc phạm bởi anh không hiểu gì về quyền tự do, không có sức mạnh thực thụ của quyền tự do nên mới cần đến người cộng hưởng, cần đến đám đông cùng làm việc giống như anh. Một người thực sự có sức mạnh tự do, họ có thể đón nhận những tư tưởng cùng chiều, bắt tay người đồng cảm, nhưng chắc chắc họ không vịn vào đám đông hay vịn tay người đồng hành. Một khi anh cần vịn vào ai đó để mà đi, điều này chỉ chứng tỏ anh chưa có đủ sức mạnh của tự do. Và điều này càng đáng sợ hơn khi anh xúc phạm ai đó vì họ không “tự do” giống anh!
Nói như vậy để đặt lại vấn đề về hành vi của Mai Khôi khi đón Tổng thống Donald Trump. Vì sao Mai Khôi đã phản ứng như đã thấy? Theo một hướng dư luận, bởi Tổng thống Trump từng hứa lúc tranh cử rằng khi làm Tổng thống, ông sẽ dẹp ngay độc tài; Bởi ông không ngó ngàng gì đến những bất công, những vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền Việt Nam đang hành xử với giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam; Bởi gia đình ông đã bỏ lơ những nhà đấu tranh như Mẹ Nấm, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga… Chính vì vậy, Mai Khôi bày tỏ chính kiến bằng hành động “đe dọa” đái vào mặt Donald Trump.
Cũng có hướng dư luận coi thường Mai Khôi và thậm chí mắng nhiếc cô ca sĩ này bởi cô hành động “vô văn hóa”, “ăn mắm cái làm chính trị”, “khoe chỗ đái”… Thiết nghĩ, luồng dư luận này đã trực tiếp động chạm đến quyền tự do bày tỏ của Mai Khôi nên không cần bàn luận gì thêm. Vấn đề là hành động của Mai Khôi có hợp lý, đúng lúc hay không? Và Mai Khôi đã đúng hay sai khi đưa ra quyết định bày tỏ chính kiến khi Hà Nội đón ông Trump?
Về khía cạnh đấu tranh cho tự do, nhân quyền và độc lập dân tộc, đa nguyên đa đảng, có vẻ như Mai Khôi đã sai khi quyết định đón ông Trump bằng cách vừa nêu. Bởi lẽ, Trump hứa sẽ đập bỏ độc tài nhưng mà độc tài ở đâu? Vì hiện tại, ngay trong các nước tư bản tiến bộ vẫn sót lại những ông chủ tập đoàn hành xử hết sức độc tài với người lao động, Mỹ cũng không ngoại lệ. Vậy lời hứa của ông Trump có nhắm vào Việt Nam? Và dẹp bỏ độc tài Cộng sản của Việt Nam hoặc đứng về phía các nhà đấu tranh để bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam có phải là trách nhiệm của Tổng thống Trump?
Ông Trump làm Tổng thống Mỹ, ông có trách nhiệm bảo vệ tự do cho nhà đấu tranh chống độc tài? Ông có trách nhiệm kêu gọi nhà nước độc tài phải thả các tù nhân lương tâm? Ông có trách nhiệm phải dẹp bỏ các nhà nước độc tài trên thế giới, trong đó có Việt Nam? Tôi nghĩ là không, chúng ta đã hiểu nhầm bản chất của nước Mỹ và Tổng thống Mỹ. Trách nhiệm của Tổng thống Mỹ là mang lại đời sống ấm no, phát triển, tự do và độc lập cho Mỹ quốc. Những quốc gia nào muốn quan hệ giao thương kinh tế, chính trị, văn hóa với Mỹ phải đảm bảo một số điều kiện về tự do, dân chủ, nhân quyền theo tiêu chí của Mỹ. Và một Tổng thống thông minh phải nhìn thấy sự thay đổi trục thế giới để điều chỉnh kịp thời để có những sách lược phù hợp mà phát triển đất nước, xa hơn thì phát triển khu vực và phát triển thế giới.
Có thể Trump đã sai khi không can thiệp, kêu gọi thả các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam của ông. Nhưng cũng không có bất cứ cam kết hay trách nhiệm bắt buộc nào rằng đã là Tổng thống Mỹ thì phải lên tiếng kêu gọi thả các nhà đấu tranh chống độc tài tại Việt Nam khi sang Việt Nam. Bởi quyền tự do của mỗi người phải do chính những người ấy mang lại cho họ. Chúng ta có quyền và trách nhiệm đấu tranh cho tự do của bản thân và dân tộc. Nhưng không thể gắn cái quyền và trách nhiệm ấy lên người khác. Vả lại ông Trump đâu phải là “cha già dân tộc” để mang lại tự do, độc lập cho Việt Nam?!
Muốn có tự do, độc lập và chủ quyền cho quốc gia, không ai ngoài chính những người dân của quốc gia ấy phải tự đấu tranh, tự tìm lấy điều đó. Mai Khôi phản ứng thô thiển như vậy với Trump, nhìn bên ngoài thì có vẻ như đây là điều tốt, một cô gái Việt dám đứng lên bày tỏ chính kiến bởi ông Trump không bảo vệ những người đồng chí hướng của cô ấy. Nhưng kì thực, cô đã phạm phải ba sai lầm căn bản: Cô cho thế giới nhìn thấy một hình ảnh không đẹp của người Việt; Cô cho thế giới nhìn thấy sự bất lực, cầu cạnh vào bên ngoài và thiếu độc lập nội tại của giới đấu tranh; Cô cho thế giới nhìn thấy sự non nớt về chính trị của bản thân một người đấu tranh như cô.
Hình ảnh cô dọa đái vào mặt Tổng thống Trump khi ông sang thăm Việt Nam, dù đứng trên góc độ nào cũng cho thấy nó vô văn hóa. Hơn nữa, cô trưng tấm bản đó khi cô mặc bộ áo dài Việt Nam, hình ảnh biểu trưng của người phụ nữ Việt. Thật đáng sợ cho ông Trum khi thăm Việt Nam bị một phụ nữ Việt dọa đái vào mặt! Và có một điều mà cô không nhìn thấy, ông Trump thực hiện kết nối rất nhiều hợp đồng kinh tế Mỹ - Việt. Điều này hứa hẹn tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Một quốc gia mà GDP bình quân đầu người mỗi năm còn dưới mức 5000USD thì khó mà chạm đến dân chủ, tự do, bởi người ta mãi loay hoay trong chuyện ăn, mặc, ở, thì làm sao mà nghĩ cho xa được.
Bằng chứng là mọi cuộc đấu tranh, xuống đường trong vài năm gần đây bị dập tắt ngay lập tức khi đường tiếp viện bị cắt và nhà cầm quyền đe dọa đụng chạm đến kinh tế, nhân mạng của người đấu tranh. Mọi cuộc thay đổi chuyển sang dân chủ của các quốc gia thiếu sức mạnh kinh tế chỉ làm cho chính họ thêm nghèo khổ, nội loạn và tốn kém của Mỹ một lượng tư bản không nhỏ nhưng sự việc chẳng đến đâu!
Đương nhiên, đấu tranh cho tự do, độc lập thì không thể viện vào giàu nghèo. Nhưng để tránh tình trạng hôm nay người ta chống Cộng sản, ngày mai Cộng sản ném cho một cục tiền thì quay sang bênh vực Cộng sản, hôm nay chống Tàu, mai Tàu nó sang cưới con gái, chị gái/em gái, cho tiền xây nhà, đi nhà hàng, sắm veston thì lại quay ra chửi “bọn phản động” và khen Tàu… thì mỗi người dân phải có đủ khả năng tài lực. Bởi Lý luôn đi đôi với Tài, đấu tranh là một cuộc Lý Tài. Cứ có Lý mà thiếu Tài thì đừng mơ gì xa!
Sự non nớt của cô nằm ở chỗ cô là người kêu gọi tự do, hành động tự do. Nhưng cô xúc phạm ông Trump khi chưa nhìn thấy bất kì tín hiệu gì trong nước cờ của ông. Không chừng, cô lại làm cho ông Trump có ấn tượng xấu về giới đấu tranh Việt Nam và ông gác lại mọi dự tính cho giới dân chủ Việt Nam. Nói chung, hành vi của Mai Khôi, đứng trên góc độ nào vẫn nhìn thấy cô tự làm mình nổi tiếng bằng hành vi trẻ trâu nhiều hơn là hành vi của một trí thức dân chủ!
No comments:
Post a Comment