HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Lãnh đạo chủ chốt” của tỉnh Vĩnh Phúc hai nhiệm kỳ, phó tư lệnh Quân Khu 1 và phó bí thư Tỉnh Ủy Gia Lai vướng nhiều tội gồm cả tham nhũng nhưng chỉ bị “kiểm điểm” hay “cảnh cáo.”
Thông Tấn Xã Việt Nam đăng tải thông báo tóm tắt của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN sau phiên họp ngày 14 Tháng Mười Một cho biết đã “kỷ luật” một số đảng viên cấp cao gồm một ông thiếu tướng, một số ông bà Tỉnh Ủy, phó bí thư Tỉnh Ủy và chủ tịch ủy ban, gây mất uy tín cho đảng nhưng không có ai bị đuổi ra khỏi đảng.
Bản thông cáo của ủy ban này tương tự như Thanh Tra Chính Phủ cho biết: “Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 có các vi phạm, khuyết điểm sau: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của đảng, nhà nước và quy chế làm việc của Tỉnh Ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm.”
Không thấy nêu ra chi tiết của vụ việc nào, người ta chỉ thấy các ông bà lãnh đạo bộ phận đảng và nhà nước ở tỉnh Vĩnh Phúc bị cáo buộc “Xem xét, giải quyết một số nội dung vượt thẩm quyền,” “Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường,” “Thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cơ quan, tổ chức có số lượng phòng, số lượng lãnh đạo cấp phó sở, ngành và sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định…”
Bị hài tội như thế, ông Phạm Văn Vọng, cựu ủy viên Trung Ương Đảng, bí thư Tỉnh Ủy nhiệm kỳ 2010-2015, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016; ông Phùng Quang Hùng, phó bí thư Tỉnh Ủy nhiệm kỳ 2010-2015, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 bị “kỷ luật” nhưng không thấy nói cái kỷ luật gì.
Còn hai người đương quyền của tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 là bà Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Tỉnh Ủy, và ông Nguyễn Văn Trì, chủ tịch tỉnh “chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” mà chỉ bị đòi “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.”
Hay ông Phạm Thế Dũng, cựu phó bí thư Tỉnh Ủy, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016, bị cáo buộc “nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.” Dù vậy, ông này cũng chỉ bị “kỷ luật cảnh cáo” khi đã không còn ngồi ở cái ghế chủ tịch nữa.
Trước đây, báo chí trong nước có một số bài viết về sự lộng hành của các quan chức tỉnh Vĩnh Phúc, Gia Lai không ngoài mục đích vơ vét, tham nhũng.
Ngày 28 Tháng Mười, 2016, ông Phan Văn Sáu, khi đó là tổng Thanh Tra Chính Phủ, gửi bản báo cáo cho Quốc Hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, viết rằng “có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập” nhưng “chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực.”
Đến Tháng Chín năm nay thì một ông phó tổng thanh tra nói có tới ba người không khai trung thực.
Chẳng bao lâu sau báo cáo của ông Sáu, thì báo chí trong nước ồn ào về chuyện ông giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý xây dựng “biệt phủ” mênh mông trị giá hàng chục tỷ đồng. Tài sản dứng tên vợ ông mà ông nói nhờ buôn “chổi đót” và một vài công việc cực nhọc khác thời trước mà tích lũy được tiền bạc. Sau thì ông nói lại là một phần lớn tài sản đó do ông vay mượn ngân hàng và bạn bè nhưng không mấy ai tin.
Bảng chỉ số thung những của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2016 xếp Việt Nam 112/168 nước được khảo sát về tham nhũng. (TN)
No comments:
Post a Comment