Friday, November 24, 2017

Học tiến sĩ


Đi học tiến sĩ

Minh Lú chuẩn bị lên đường đi học tiến sĩ. 

Đối với học sinh vừa tốt ngiệp phổ thông, thông thường các em chỉ nói mình sẽ vào trường học nghề, học đại học, đi du học... Ai lại nói mình đi học tiến sĩ. Lỡ không thành “tiến sĩ” mà thành "cùi sĩ" thì thật khốn nạn. Giấc mơ, kiệu anh phom phom đi trước, võng nàng lệt bệt theo sau cũng tan tành theo mây khói. Thực ra trong "đạo đức xã hội chủ nghĩa", từ lãnh đạo cấp cao xuống cấp thấp, có khuynh hướng người ta thích nói to, nói lớn, nói viễn vông, nói chuyện hoang tưởng, nói láo... còn sau đó làm được hay không? Không thành vấn đề, ai cũng quen tai cả rồi, chả thắc mắc làm gì?

Với bố Minh Lú, bác cả Nghễng, khoe con mình “đi học tiến sĩ” có ngay hiệu quả. Bao nhiêu gia đình trong làng có con được lên học đại học, nay phải im thin thít. Họ nhìn bác cả đi qua, chỉ dám đưa mắt nhìn nhau, rụt rè: "Bác ấy có con sắp sửa thành tiến sĩ cơ đấy!". Với Minh Lú thì khỏi phải nói. Các cô gái xinh đẹp luôn nở nụ cười tươi như hoa với cậu ta, hoặc suýt soa nói với nhau: "Ai cứ bảo anh ấy là "Lú"., "Tiến sĩ tương lai" của làng ta đấy!". 

Việc mong ước cho con học tiến sĩ của gia đình bác cả Nghễng đã có từ khi “Minh Lú” ra đời. Bác gái đã kể câu chuyện từ đầu xóm đến cuối làng. Khi hạ sinh "Minh Lú", bác quả quyết bác nghe một tiếng nổ rung chuyển trời đất kèm theo vùng hào quang bẩy màu sáng chói rực cả bầu trời. Không biết lúc ấy có chiến trận, bom nổ ở gần bên? Không nghe bác nói đến và trong làng không ai thắc mắc chi tiết vụn vặt làm gì. Chỉ cần biết câu chuyện kể hấp dẫn như chuyện một nhân vật phi thường, một superman vừa rơi xuống làng. Làng nào không trọng vọng tiến sĩ. Con là nhân vật khác thường mà không có bằng cấp cao để nở mày nở mặt với hàng xóm, làng giềng thì chán bỏ xừ, vợ chồng bác Nghễng đặt ngay tên con trai là Tiến Minh. Bác trai rất tâm đắc với tên con trai mình bên mâm rượu: "Chủ Tịch nước là Chí Minh. Hà hà... con mình là Tiến Minh... Mình cảm hứng đọc thơ cho các bác nghe nhé... Tên con khéo chọn làm sao? Đã không phạm húy, lại cùng tên “Minh”... Hà... Hà... Nào xin mời các bác cạn chén”. 

Ngoài việc chọn tên “Minh”, hai bác cả Nghễng cũng rất tự hào vì trong làng có một ông thầy bói “mù”. Không ai biết ông thầy bói có mù thực hay không, vì mắt ông không chịu nhắm tịt lại mà lúc nào cũng mở to. Như để chứng tỏ mình “mù” ông luôn cầm cây gậy dò đường. Cây gậy tốt chắc để đập bộp bộp trên đường, đồng thời cũng dùng để phang vào chân, vào đít những kẻ không biết lễ độ nhường đường. Tuy có gậy dò nhưng ông lại hay đi lộn sang nhà khác. Có điều đặc biệt là ông chỉ bước nhầm vào nhà giàu để sau đó được chủ nhân vui vẽ dẫn ông ra đường chỉ hướng về đúng nhà. Có thể do khiếm thị nên ông được đền bù có khứu giác tốt, phân biệt rành rọt, nơi nào thơm, nơi nào thối. Cũng có thể ông chỉ bị “quáng gà” chứ chưa mù hẳn, dân làng cứ gọi ông “thầy bói mù” cho vừa nhanh, vừa gọn, vừa phù hợp nghề nghiệp. Ở đời người ta luôn tin thầy bói mù hơn thầy bói sáng mắt, vì người mù sẽ “thấy” những điều mà người sáng mắt không bao giờ “thấy” được, phải không nào? Ông thầy bói mù quả quyết con trai bác cả Nghễng sẽ là nhân tài xuất chúng của cả nước: “Ồ tiến sĩ à... Nó có muốn cả chục bằng tiến sĩ cũng có. Trông nó kìa... vầng trán cao như trán của Bác, tai vểnh đón gió ở mọi hướng, mồm rộng thế kia như muốn nuốt cả kiến thức thiên hạ vào bụng...”. Ông thầy bói mù nổi tiếng trong làng không phải vì tài bói đâu trúng đó mà nhờ tài nói. Ông nói nhiều, nói thao thao bất tuyệt... Cái loa phường, loa làng chả sao bì được với cái mồm của ông. Khi ông phán lời nào, dân làng đều im lặng để lắng nghe. Không chỉ gia đình bác cả Nghễnh mà cả dân làng đều tin chuyện "chục bằng tiến sĩ" của Minh Lú là chuyện chắc chắn, không còn gì để bàn cãi. Đương nhiên, ông thầy bói mù luôn được gia đình bác cả Nghễng kính trọng. Ông luôn được xếp đặt ngồi mâm cỗ chính khi có tiệc tùng. 

Trong làng không phải ai cũng có ý kiến giống nhau, nhất là những gia đình có dịp gặp, tiếp xúc nhiều lần với con trai nhà cả Nghễng: "Đã bảo nó ngừng đừng chơi trò chơi dại dột ấy, như quăng diêm quẹt đang cháy vào các đứa con gái, xé rách sách vở để xếp máy bay giấy... Thế nó cứ đứng ngớ ra nghe, lẩm bẩm vài tiếng ngây ngô, đại để: "Diêm quẹt, giấy của Ta không tốt bằng của Tàu...”. Sau đó nó tiếp tục trò chơi, làm như không hiểu gì cả...”. Có ai đem chuyện than van với bác cả Nghễng. Có dịp bác cả vờ chép miệng, nói rất tự nhiên: "Ấy cháu nó tuy còn bé nhưng cứ thích nghiên cứu. Ngày nào nó cũng ra cửa hàng bán trà của nhà để nghiên cứu trà Ta, trà Tàu. Nó bới tung, quăng bừa mọi xuống đất. Mình là bố là mẹ phải luôn tạo môi trường tốt cho cháu học tập nghiên cứu Phải biết hy sinh cho thế hệ tương lai chứ!". Tiếng than phiền tiếp tục đến một ngày: "Nói chuyện với nó như nói với con bò. Minh gì minh, lú thì có...". Dần dà dân làng đã gọi con trai bác cả Nghễng là "Minh Lú". 

Con trai mình bị gọi là Minh Lú, bác cả Nghễng lúc đầu bực mình lắm. Nhưng nghe mãi cũng quen tai, và qua lý luận bác thấy không sao cả. Có là "Minh" hay "Lú" có gì khác biệt ở nước CHXHCN. Khối người là lú nhưng vẫn được ở chức vụ cao, là xếp, là boss? Hơn nữa, bằng tiến sĩ thật, tiến sĩ giả đầy ra kia, chưa kể đến tiến sĩ khoa học hay tiến sĩ "tư tưởng", tiến sĩ luật hay tiến sĩ "luật rừng", tiến sĩ "công an"... cả hệ thống "rừng tiến sĩ". "Minh" học được bằng tiến sĩ loại này thì “Lú” cũng có thể học bằng tiến sĩ loại khác. Đều là tiến sĩ, có ai thắc mắc tiến sĩ loại nào, ngành nào bao giờ. 

Tiễn con lên đường học tiến sĩ, bác cả Nghễng làm bữa tiệc thật to, mời cả làng. Minh Lú chưa là tiến sĩ, nhưng cũng đã có “tiếng” ở làng rồi. Có “tiếng” đến có “miếng” ở Việt Nam gần nhau lắm, lại còn hợp với thời đại mới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta vừa đưa ra đề án mới toanh, chi 12. 000 tỷ đồng đào tạo thêm 9. 000 tiến sĩ cho Việt Nam. 

Danh tiến sĩ và nhân tài thực sự. 

Đảng cộng sản Việt Nam rất thích danh. Ai ca ngợi đảng lên tận cùng mây xanh, dù lời có giả dối, màu mè, đảng cũng rất vui. Ai chê bai đảng, đương nhiên là phản động. Thời kỳ còn chiến tranh, đảng lo chuyện đánh đấm nên không để ý chuyện học hành. Sau 30/4/1975, đảng viên một chữ bẻ làm đôi cũng không biết, thế lại làm lãnh đạo đảng, tỉnh, cơ sở... Đảng cho đào tạo cấp tốc, một năm học luôn hai ba lớp cho nhanh. Nông dân thành cử nhân, y tá chích dạo thành kỹ sư... chỉ trong vài năm vừa làm lãnh đạo, vừa học tại chức. Hay quá là hay, một kỉ lục của thế giới. Cứ thế và thêm yếu tố là sự dối trá căn bản của đạo đức XHCN, người ta chưa chịu hài lòng với cử nhân, tiếp tục "học lên" có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Từ nhu cầu cấp bách đó đẻ ra đủ mọi loại bằng tiến sĩ và tiến sĩ giả. . . 

Theo báo lề phải chỉ trong ba năm Học viện Khoa học Xã hội (KHXH) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã đào tạo đươc 1100 tiến sĩ, trung bình trong một ngày hơn một tiến sĩ mới ra lò. Thật là một kỉ lục nên được ghi vào kỷ lục thế giới Guiness. Có báo đặt câu hỏi, không biết trong số khoảng 26000 tiến sĩ ở Việt Nam, có bao nhiêu là tiến sĩ thực? Một số lớn tiến sĩ làm việc trong các cơ quan công quyền, nên có 19000 tiến sĩ vừa thực vừa giả là công nhân viên nhà nước là chuyện bình thường, không có gì lạ. Các cơ sở kinh tế tư nhân ít có tiến sĩ vì làm ăn phải biết tính toán lời lỗ. Kết quả cơ sở kinh tế nhà nườc thường lỗ chổng gọng so với kinh doanh tư nhân. 

Học viện nghiên cứu sự phát triển về quản lý IMD, Institute for Management Development, Lausan, Thụy Sĩ đã phân tích các kết quả của các quốc gia trên thế giới để xếp hạng chỉ số về môi trường tốt nhất cho nhân tài trên thế giới. Đây là phân tích rất phức tạp, gộp chung cả chỉ số phát triển của con người của Liên hiệp quốc HDI như tuổi thọ, giáo dục, lợi tức...; môi trường làm việc như máy móc, dụng cụ... để nghiên cứu; cũng như chế độ đãi ngộ như tiền lương, hưu trí, nhu cầu việc làm, sự công bằng nơi làm việc... Chỉ số quốc gia cao chứng to quốc gia đó hấp dẫn cho nhân tài thế giới tụ hội về. Trong niên giám IMD World Cpmpetitiveness yearbook đã đưa ra 60 quốc gia có chỉ số cao nhất: Hongkong, Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore... Đây là những quốc gia người tài giỏi thích chọn để làm việc. Không ngạc nhiên rất nhiều du học sinh Việt Nam sau khi học thành tài không muốn trở về nước nhà. Trong 60 nước trong danh sách IMD, Tàu lục địa đứng hạng 25, Thái lan 28, Philippines 42, Indo 48, Mông cổ 60. Việt Nam không có tên trong danh sách có thể Việt Nam không cần “nhân tài”, chỉ cần nhiều “tiến sĩ” để khoe, để nổ độp độp. Trong khi IMD không quan tâm nhiều đến bằng cấp, xem nhân tài là người làm việc giỏi trong chuyên môn của mình. 

Ai cũng hiểu, tiến sĩ là học vị cao đi kèm theo nghiên cứu, khám phá mới về khoa học. Một quốc gia muốn có nhiều nhân tài nói chung, tiến sĩ thực sự nói riêng, phải có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc tốt. Về chế độ đãi ngộ, chính quyền CSVN cần hồng hơn chuyên, dùng kẻ hồng về chính trị điều khiển người có chuyên môn thực sự. Về môi trường làm việc, ngân sách nhà nước CSVN chi tiêu rất nhiều cho quốc phòng và công an, còn lại ít chi vào giáo dục, y tế, giao thông... Còn tiền đâu chi cho phòng thí nghiệm, hệ thống máy tính khổng lồ, trung tâm nghiên cứu, lò gia tốc hạt nhân... Trong giáo dục, cơ sở vật chất các trường học nghèo nàn, chỉ mong các nước tư bản giàu có, thấy tội nghiệp viện trợ cho. Dạy cho sinh viên chỉ là dạy chay, lý thuyết suông, chú trọng khoa học nhân văn vì không cần cơ sở vật chất, bắt sinh viên tốt ngiệp phải học lý thuyết lỗi thời Mác Lê. Tất cả chỉ nhằm tạo ra các tiến sĩ có danh, không có thực tài để xây dựng đất nước. 

Cẩm nang học tiến sĩ ở Việt Nam: 

Bức xúc với việc đào tạo thêm nhiều tiến sĩ ở Việt Nam của bộ Giáo dục và Đào tạo, xin được đưa ra cẩm nang cho các người trẻ khi muốn chọn một lãnh vực, rất đặc trưng cho nước CHXHCNVN, để đạt được danh tiến sĩ. 

1/ Tiến sĩ "Tư Tưởng": 

Chuyên nghiên cứu, làm các luận án về tư tưởng HCM, tư tưởng Tập Cận Bình. Đối tượng được ghi danh: phải là đảng viên cộng sản, Ta hay Tàu. Dự đoán nhu cầu trong nước sẽ rất cần để thay thế “tiến sĩ Mác Lê” già nua, out of date, và các thành viên của BCT và TW đảng CSVN. Môi trường để nghiên cứu: Việt Nam đứng đầu, theo sau là Tàu, cuối cùng là Bắc Hàn. Nhu cầu xuất khẩu: có thể Tàu nhận một số tiến sĩ loại này để giúp đỡ các binh sĩ Tàu đang trú ẩn ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, các đảo vừa được bồi đắp. 

2/ Tiến sĩ "Ngáo Ộp": 

Đề tài chuyên nghiên cứu về các con ngáo ộp ở Việt Nam. Đây là sinh vật đặc biệt. Khi con ngáo ộp được năm, mười tuổi đảng trở lên, mọc được lông cánh sẽ tác yêu, tác quái để có quyền hành và tiền bạc... Khi ngáo ộp bị rụng bớt lông, bớt cánh, nếu có tội làm thất thoát hay tẩu tán tài sản, nhà nước thường ưu ái "xử lý nội bộ, chuyển công tác"... Trường hợp tội hình sự như ấu dâm, ăn cắp... và bị rụng hết lông, nếu có ra toà, ngáo ộp chỉ cần phùng mang, chu mỏ là cả nhóm xử án phải chui xuống gầm bàn để trốn. 

Đối tượng được ghi tên học loại tiến sĩ ngáo ộp bắt buộc phải lả đảng viên đảng CSVN. Môi trường để nghiên cứu, Việt Nam ta vẫn đứng đầu. Nhu cầu trong nước, rất cần, đang có cả triệu ngáo ộp nay có thêm triệu tiến sĩ ngáo ộp cũng không sao. 

3/ Tiến sĩ Tham Nhũng: 

Nghiên cứu làm thế nào lấy của công làm của tư, biến tài nguyên, đất đai của chung thành của “quốc phòng làm kinh tế”, ”của “nhóm lợi ích”... để từ đó biến thành của cải chạy vào túi của mình. Có thể nghiên cứu thêm cơ thể con người có thể tiêu thụ được đất, cát, xi măng, xăng dầu, phân bón... để xây nên biệt phủ, con đi học nước ngoài... Điều kiện ghi tên: chỉ nhận người của đảng, ưu tiên người đã có bằng tiến sĩ Ngáo ộp. Môi trường nghiên cứu, tuy Việt Nam vẫn đứng đầu nhưng có thể qua Tàu. Bắc Hàn làm nghiên cứu sinh. Nhu cầu ở Việt Nam: không cần bàn, bao nhiêu đảng viên nghe tên bằng tiến sĩ này đã thấy rõ rãi. 

4/ Tiến sĩ Công an: 

Chuyên nghiên cứu đề tài làm thế nào một người yêu đời khi vào đồn công an làm việc, trở nên chán đời đến nỗi phải tự tử, tự cắt cổ... Điều kiện ghi tên, phải là đảng viên đang phục vụ trong ngành công an, dư luận viên có nhiều thành tích trong xã hội đen có thể được cứu xét đặc biệt. Môi trường nghiên cứu: Việt Nam ta vẫn đứng đầu thế giới, đồn công an, trại giam nhiều vô số kể, tha hồ đi vào để nghiên cứu. Nhu cầu trong nước tối quan trọng vì liên quan vận mệnh của đảng, của BCT. 

5/ Tiến sĩ” Khẩu hiệu”: 

Chuyên nghiên cứu về việc hô khẩu hiệu do đảng đưa ra. Điều kiện ghi tên: đối tượng đảng, dư luận viên... Môi trường để nghiên cứu: đứng đầu là Bắc Hàn, kế là Tàu, Việt Nam xin tạm đứng thứ ba (đứng đầu mãi cũng chán thực!). Nhu cầu: lúc nào cũng cần, càng nhiều tiến sĩ Khẩu hiệu, càng tốt. 

***

Những tiến sĩ được liệt kê như trên, không phải là tiến sĩ "vừa hồng vừa chuyên" mà phải nói là tiến sĩ đỏ rực, đỏ như cờ nước, đỏ như máu. Người muốn ghi tên học, không cần liên lạc với trường đại học. Xin gọi BCT đảng CSVN vì các bằng tiến sĩ đặc sản của Việt Nam này chỉ phổ biến nội bộ, không phổ biến rộng rãi. 

Những người học thành tài ở nước ngoài, một số lớn xin được việc làm được ở lại. Một số vì lý do cá nhân, gia đình... trở về Việt Nam. Họ cũng ấp ủ giấc mơ góp phần để xây dựng đất nước. Nhưng giấc mơ đôi khi trở thành ác mộng khi đối diện thực tế. Người cộng sản chỉ cần người theo đảng chứ không cần kiến thức của họ. Để sống còn trong xã hội đầy bất công, thiếu dân chủ tự do, thằng dốt điều khiển thằng có học,... họ cũng phải hồng hồng một tí. Biết điều, được yên thân, đừng đụng đến các vấn đề nhạy cảm mà đảng không thích nói đến. Chắc ăn nên ghi tên học thêm, như bằng tiến sĩ Khẩu hiệu chẳng hạn. 

24/11/2017

No comments:

Post a Comment