Wednesday, October 4, 2017

Đảng Cộng Sản và Đảng Lao Động

Trần Gia Phụng (Danlambao) - ...Ồn ào rùm beng, nhưng cuối cùng đúng như câu thành ngữ quen thuộc là “Đi vô đi ra cũng thằng cha hồi nãy”.

“Thằng cha hồi nãy” là ai, thì ai cũng biết cả rồi. Khỏi cần minh danh và cũng chẳng cần cải danh. Cộng sản hay Lao Động, hay tên gì đi nữa, mà còn theo chủ nghĩa cộng sản thì cũng thế mà thôi. Nghị quyết 1481 của Quốc hội Âu Châu họp tại Strasbourg (Pháp) ngày 25-1-2006 đã kết án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại và các chế độ cộng sản toàn trị đã vi phạm nhân quyền tập thể. Rõ ràng như vậy thì còn gì mà bám víu? Có cải danh cũng chẳng lừa phỉnh được ai thêm một lần nữa...

*

Hiện nay, đang có dư luận bàn tán về danh xưng đảng Cộng Sản và đảng Lao Động. Dưới đây xin sơ lược về hai danh xưng này.

1.- Đảng Cộng Sản Đông Dương

Tài liệu của cộng sản Việt Nam cho rằng Đệ tam Quốc tế Cộng sản cử Nguyễn Ái Quốc (NAQ), về sau có tên là Hồ Chí Minh (HCM), từ Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đến Hồng Kông, tổ chức cuộc họp ngày 6-1-1930, thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Theo báo cáo chính trị HCM viết ngày 11-2-1951, đảng CS thành lập ngày 6-1-1930. (Hồ Chí Minh toàn tập [tập] 6, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 154.) Về sau tại Đại hội III đảng Lao Động từ 5 đến 10-9-1960, bộ chính trị trung ương đảng yêu cầu đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là 3-2-1930 theo lệnh của Liên Xô.

Tuy nhiên, một tài liệu khác cho biết rằng trong khi NAQ hoạt động ở Xiêm La, thì Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) cử Trần Phú và Ngô Gia Trì (Ngô Đức Trì?) là hai người đã học ba năm ở Moscow, mang chỉ thị về Việt Nam để thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD). Hai người nầy qua đường Pháp và gặp trở ngại giấy tờ tại đây. Biết được tin nầy, NAQ liền qua Hồng Kông, triệu tập cuộc họp lập đảng CS Việt Nam ngày 6-1-1930. Hai người kia ngày 8-2-1930 mới về đến Sài Gòn. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2016, tr. 145.)

Tài liệu nầy đưa ra hai chứng lý: 

Thứ nhứt, sau khi thành lập đảng CSVN, NAQ báo cáo cho ĐTQTCS ngày 18-2-1930. Trước sự đã rồi, ĐTQTCS liền ra lệnh sửa sai, cử Trần Phú, chứ không phải NAQ, làm tổng bí thư đầu tiên và buộc đổi tên đảng CSVN thành đảng CSĐD.

Trần Phú triệu tập hội nghị trung ương đảng CSVN lần thứ nhứt ngày 10-10-1930 tại Kowloon (Cửu Long) thuộc Hồng Kông, và đổi tên đảng thành đảng CSĐD. Câu hỏi đặt ra là nếu NAQ được ĐTQTCS ủy nhiệm việc lập đảng, thì tại sao NAQ không đặt ngay tên là đảng CSĐD mà lại đặt là đảng CSVN? Và NAQ cũng không được cử làm tổ bí thư đảng CSVN?

Thứ hai, khi ra khỏi tù ở Hồng Kông năm 1933, NAQ trốn đi Moscow. Đệ tam QTCS mở cuộc điều tra về hoạt động của NAQ trong thời gian bị tù. Tổ điều tra gồm ba người: Dmitry Manuilsky, Khang Sinh và Vera Vasilieva. Trong báo cáo của bà Vera Vasilieva, có một đoạn viết như sau: “...Khi thống nhất đảng, Nguyễn Ái Quốc đã tự nhận mình là đại diện của QTCS mặc dù QTCS không trao ủy quyền...” (Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 146.)

Ngoài ra, có câu chuyện của một người dự họp ngày 6-1-1930 ở Hồng Kông kể lại rằng khi hội nghị nầy diễn ra, có người hỏi NAQ có giấy ủy nhiệm không, thì NAQ trả lời rằng: “Nếu tôi có mang theo giấy đó, thì thử hỏi tôi có thể ngồi đây với các đồng chí được không?” (Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 146.) Tại sao một người nhân danh QTCS đứng ra triệu tập hội nghị thành lập đảng CS mà không có giấy tờ ủy nhiệm của QTCS?

2.- Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương

Nhờ cộng tác với O.S.S, cơ quan tình báo Hoa Kỳ, HCM biết tin Anh và Trung Hoa sẽ gởi quân đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật theo quyết định hội nghị Potsdam (26-7-1945), và biết tin Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, nên Nhật Bản sẽ thất bại. Vì vậy, NAQ tức Hồ Chí Minh (HCM) và Việt Minh (VM) nhanh tay cướp chính quyền ở Hà Nội, vận động quần chúng yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, và thành lập gấp chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, nhằm tạo cơ cấu hành chánh có sẵn, đã rồi, trước khi quân đội Anh và Trung Hoa vào Việt Nam.

Trong khi Pháp theo quân Anh, mở các cuộc hành quân tái chiếm Nam kỳ, Lâm ủy hành chánh của Việt Minh (VM) cộng sản (CS) rất lúng túng phải co cụm và lẫn tránh vào các vùng bưng biền, thì tại miền Bắc, HCM và mặt trận VM, lúc đó chỉ có khoảng 5,000 đảng viên CS (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 182), gặp ba áp lực cùng một lúc.

Đó là: 1) Các tướng lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa đưa khoảng 200,000 quân vào Bắc kỳ theo tuyên bố chung hay tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945. Quân Trung Hoa rời căn cứ vào cuối tháng 8 và nhập vào Việt Nam đầu tháng 9-1945. 2) Các lãnh tụ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) từ Trung Hoa trở về Việt Nam sau thế chiến thứ hai, quyết liệt chống đối HCM và mặt trận VMCS. 3) Sau khi tái chiếm miền Nam, người Pháp tiến quân từ miền Nam ra miền Bắc, dự tính tái chiếm toàn bộ Đông Dương

Đối với các lãnh tụ và các đảng phái chính trị Việt Nam, HCM và VM thực hiện một kế hoạch hai mặt. Bề ngoài, VM tỏ ra hòa hoãn, nói chuyện với tất cả các phe phái, kêu gọi lòng yêu nước, đoàn kết và liên hiệp để cùng nhau chống ngoại xâm. Bề trong, VM thực hiện các cuộc khủng bố ngầm, thủ tiêu lẻ tẻ những địch thủ chính trị và đe dọa những ai không theo VM.

Khi cùng với tướng Tiêu Văn (Trung Hoa), từ Quảng Châu về Việt Nam, Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Việt Cách, liên lạc và hội họp với Jean Sainteny, đại diện Pháp ngày 12-10 và 15-10-1945 tại Hà Nội, để thảo luận về tương lai chính trị Bắc kỳ. Thấy thế, ngày 23-10-1945, HCM liền mời Nguyễn Hải Thần họp tay đôi giữa hai bên, và ký thỏa thuận hợp tác giữa VM và Việt Cách.

Để gây lòng tin nơi các đảng phái theo chủ trương dân tộc, nhứt là các tướng lãnh Trung Hoa Quốc Dân Đảng đang ở Hà Nội, HCM và ban chấp hành trung ương đảng CSĐD công bố GIẢI TÁN ĐẢNG CSĐD NGÀY 11-11-1945 và thành lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Mác-xít] do Trường Chinh Đặng Xuân Khu làm tổng thư ký. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb Văn Hóa, 1996, tt. 286-287.). Tuy vậy, theo lời HCM, “dù là bí mật, đảng [CSĐD] vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 161.)

Ngày 23-12-1945, HCM họp cùng đại diện Việt Cách và VNQDĐ tại số 40 đại lộ Gia Long (Hà Nội), dưới sự chủ tọa của tướng Tiêu Văn trong phái bộ Trung Hoa sang Việt Nam giải giới quân Nhật, ký thỏa thuận gọi là “hợp tác tinh thành”, đại khái là từ ngày 1-1-1946, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập do HCM làm chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch. Nội các gồm VM (2 ghế), Việt Cách (2 ghế), VNQDĐ (2 ghế), Dân Chủ (2 ghế), độc lập (2 ghế). Ngày 6-1-1946 sẽ tổ chức bầu cử quốc hội. VNQDĐ giữ 50 ghế, Việt Cách 20 ghế. Các đảng cam kết không gây hấn với nhau. Đây là kiểu hòa giải hòa hợp bịp bơm của HCM nhằm phỉnh gạt các đảng phái theo chủ trương dân tộc nhằm vượt thoát qua giai đoạn khó khăn lúc đó.

3.- Đảng Lao Động

Chiến tranh giữa Việt Minh với Pháp bùng nổ ngày 19-12-1946. Lúc đầu VM thua chạy về nông thôn, vào bưng biền hay lên rừng núi. Mùa thu năm 1949, Mao Trạch Đông (Mao Zedong) cùng đảng CS thành công ở Trung Hoa và thành lập nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hay Trung Cộng ngày 1-10-1949.

Được tin nầy, HCM liền cử hai đại diện đến Bắc Kinh xin viện trợ vào cuối năm 1949. Sau đó HCM bí mật đến Bắc Kinh ngày 30-1-1950. Lúc đó, MTĐ đang ở Moscow (từ 16-12-1949 đến 17-2-1950) để thương thuyết với Joseph Stalin. Hồ Chí Minh phải làm kiểm thảo trước Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), xử lý công việc bộ Chính trị đảng CSTH. (Trần Đĩnh, Đèn Cù, California: Người Việt Books, 2014, tr. 49.) Không biết khi qua cầu viện nhà Thanh năm 1788, bà thái hậu nhà Lê có hành động như HCM, kiểm điểm trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc? Theo yêu cầu của HCM, do phía Trung Cộng chuyển đạt, Stalin chấp thuận cho HCM qua Moscow. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 17.)

Khi gặp HCM, Stalin nói rằng: “Đảng Cộng Sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp của các đồng chí. Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn...” (Một nhóm tác giả, Hồi ký những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, đăng lại trên tạp chí Truyền Thông Montreal, Canada, số 32 và 33, Hạ-Thu 2009, tr. 45.) Như thế có nghĩa là tuy thừa nhận nhà nước VMCS, nhưng Liên Xô vẫn chưa giúp đỡ gì cả.

Hồ Chí Minh phải quay qua cầu cạnh Trung Cộng, Nhờ sự giúp đỡ về mọi mặt của Trung Cộng, lực lượng VM lớn mạnh và bắt đầu phản công dần dần. Từ đó, “viện trợ quân sự, vũ khí đạn dược vào như nước.” (Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ đường số 4 anh hùng (hồi ức), Tp. HCM: Nxb. Trẻ, 2003, tr. 179.) Ngoài viện trợ, CSTH còn bổ nhiệm cả cố vấn quân sự từ trung ương xuống đến cấp tiểu đoàn cho bộ đội VM.

Một năm sau khi nhờ viện trợ của Trung Cộng, HCM qua Nam Ninh (Trung Cộng) ngày 5-2-1951, vừa chúc mừng Tết nguyên đán Tân Mão (6-2- 1951) các lãnh tụ Trung Cộng, vừa cảm ơn đảng CSTH, vừa xin thêm viện trợ để mở những chiến dịch mới. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập B, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1997, tr. 228.)

Sau cuộc viếng thăm và chúc Tết ở Trung Cộng trở về, HCM triệu tập Đại hội lần thứ II đảng CSĐD tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ 11 đến 19-2-1951. Trong đại hội nầy, HCM tuyên bố đảng CSĐD hoạt động công khai trở lại và chia thành ba đảng CS riêng biệt của ba nước Đông Dương là Việt Nam, Miên và Lào.

Đảng CS Cao Miên là Nhân Dân Cách Mạng Khmer (Khmer People's Revolution Party). Đảng CS Lào là Nhân Dân Cách Mạng Lào (Phak Paxaxon Lao tức Lao's People Revolutionary Party). Còn đảng CSVN từ nay lấy tên là đảng Lao Động Việt Nam (LĐVN).

Danh xưng nầy được đặt theo ý kiến của Stalin. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, California: Nxb. Văn Nghệ, 1995, tt. 149-150.) Theo cách tổ chức của đảng CSTH, lần đầu tiên đảng LĐ lập thêm chức chủ tịch và bộ chính trị. Bộ chính trị mới thành lập gồm bảy người. Hồ Chí Minh (chủ tịch), Trường Chinh Đặng Xuân Khu (tổng bí thư) và các ủy viên là Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh. (http://www.cpv.org.vn). Làm việc cho bộ chính trị là ban bí thư trung ương và dưới bộ chính trị là ủy ban trung ương đảng LĐ, gồm những đại diện do các đảng bộ địa phương bầu ra.

Hồ Chí Minh tuyên bố: “Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Về tổ chức, đảng Lao Động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung. Về kỷ luật, đảng Lao Động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác. Về luật phát triển, đảng Lao Động Việt Nam dùng lối phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng.” (Hồ Chí Minh toàn tập, [tập 6], xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 174.)

Nhân dịp thành lập đảng LĐ, trong điện văn gởi đảng CSTH, HCM viết: “Đảng Lao Động Việt Nam nguyện noi gương anh dũng đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông...” (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, hồi ký. Nhóm tìm hiểu lịch sử, Portland, Oregon xuất bản, 1991, tr. 357.)

Như thế, tuy không còn giữ tên đảng CS, nhưng đảng Lao Động vẫn theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, dùng kỷ luật sắt, tập trung quyền lực tuyệt đối vào lãnh đạo đảng theo kiểu Trung Cộng, có nghĩa là tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc hơn cả đảng CSĐD. Quyền lực càng tuyệt đối thì đảng Lao Động càng độc tài tuyệt đối hơn nữa.

4.- Trở lại tên Đảng Cộng Sản

Sau ngày 30-4-1975, cộng sản Bắc Việt Nam kêu gọi sĩ quan, công chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trình diện và chuẩn bị lương thực, để học tập trong ba ngày, hay một tuần hay một tháng tùy cấp bậc và tùy địa phương. Khi toàn thể sĩ quan công chức VNCH theo lời kêu gọi của CS, trình diện đầy đủ, thì tất cả bị bắt giam trên các vùng rừng thiêng nước độc không tuyên án và không thời hạn.

Cộng sản phỉnh gạt để bắt giam trọn gói sĩ quan, công chức VNCH nhằm mục đích triệt tiêu vĩnh viễn quân đội VNCH, đồng thời đe dọa, cầm chân gia đình những người có thân nhân bị tù, vì nếu họ vọng động thì thân nhân của họ khó có cơ hội trở về đoàn tụ gia đình.

Theo lệnh của Hà Nội, từ ngày 15 đến 21-11-1975, đoàn đại biểu Bắc Việt Nam (25 người) do Trường Chinh, ủy viên Bộ chính trị đảng Lao Động, chủ tịch quốc hội, dẫn đầu vào Sài Gòn họp với đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam (25 người) do Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị đảng Lao Động, bí thư Trung ương cục miền Nam lãnh đạo. Vì cộng sản miền Nam hoàn toàn do đảng Lao Động miền Bắc điều khiển, nên đây chỉ là thủ tục hình thức và hai bên quyết định dễ dàng việc thống nhất về mặt nhà nước.

Ngày 25-4-1976, cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội chung cho cả nước được tổ chức. Kết quả là 492 đại biểu được bầu lên, đại đa số là đảng viên CS, chỉ có một số rất ít là cảm tình viên CS. Quốc hội khai mạc ngày 24-6-1976, họp đến ngày 3-7-1976, đi đến các quyết định sau đây: Đổi tên nước từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, bầu Tôn Đức Thắng giữ chức chủ tịch nước, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ làm phó chủ tịch nước, Phạm Văn Đồng tiếp tục giữ chức thủ tướng, đổi tên thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi sắp xếp công việc hành chánh, đảng Lao Động tổ chức đại hội lần thư IV tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, quy tụ 1,008 đại diện, thay mặt trên 1,5 triệu đảng viên CS toàn quốc. Ngoài việc thông qua các báo cáo chính trị, phương hướng hoạt động, sửa đổi điều lệ đảng..., đại hội quyết định đổi tên đảng Lao Động Việt Nam thành đảng Cộng Sản Việt Nam, bầu ban chấp hành trung ương đảng, bộ chính trị, bỏ chức chủ tịch đảng (trước đây do HCM đảm nhận), đổi chức bí thư thứ nhứt thành tổng bí thư, và bầu Lê Duẩn giữ chức vụ nầy.

Đại hội IV lần nầy giữ theo nghị quyết và điều lệ đảng Lao Động trong đại hội lần thứ III năm 1960 tại Hà Nội. Điều lệ đảng Lao Động sau đại hội III có đoạn viết như sau: “Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng. Đảng Lao động Việt Nam đi đường lối quần chúng trong mọi hoạt động của mình. Đảng Lao động Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ và có kỷ luật rất nghiêm minh. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức căn bản của đảng.” (Điều lệ đảng Lao Động do đại hội toàn đảng Lao Động thông qua. Báo Điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 21-2-2011.) (Internet)

Như thế, đại hội III đảng Lao Động bỏ bớt phần tư tưởng Mao Trạch Đông của Đại hội II và chưa thêm phần tư tưởng Hồ Chí Minh như sau nầy. Nói chung, bản chất cốt yếu không có gì thay đổi. Đảng Lao Động năm 1951 chẳng khác gì đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930. Đảng Lao Động năm 1960 chẳng khác gì đảng Lao Động năm 1951. Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1976 cũng chẳng khác gì đảng Lao Động năm 1960. Các đảng nầy là một hệ thống cộng sản xuyên suốt từ năm 1930 cho đến ngày nay. Ồn ào rùm beng, nhưng cuối cùng đúng như câu thành ngữ quen thuộc là “Đi vô đi ra cũng thằng cha hồi nãy”.

“Thằng cha hồi nãy” là ai, thì ai cũng biết cả rồi. Khỏi cần minh danh và cũng chẳng cần cải danh. Cộng sản hay Lao Động, hay tên gì đi nữa, mà còn theo chủ nghĩa cộng sản thì cũng thế mà thôi. Nghị quyết 1481 của Quốc hội Âu Châu họp tại Strasbourg (Pháp) ngày 25-1-2006 đã kết án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại và các chế độ cộng sản toàn trị đã vi phạm nhân quyền tập thể. Rõ ràng như vậy thì còn gì mà bám víu? Có cải danh cũng chẳng lừa phỉnh được ai thêm một lần nữa.

05.10.2017

No comments:

Post a Comment