HÀ NỘI (NV) – Chuyện kẻ chạy trốn và bị truy nã Trịnh Xuân Thanh tự dưng tới trụ sở Bộ Công An CSVN tại Hà Nội “đầu thú” đến nay vẫn còn hoàn toàn nằm trong sự bí mật. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Trịnh Xuân Thanh đã bị gây áp lực, trong đó có cả việc đe dọa đến tính mạng.
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, “đầu thú’ hôm Thứ Hai, 31 Tháng Bảy 2017. Bản thông báo của Bộ Công An gây ngạc nhiên cho mọi người khi ai cũng tin rằng ông ta đang trốn đâu đó ở Âu Châu, nhiều phần là tại nước Ðức. Ông Thanh đã cao bay xa chạy đế tránh bị bắt giữ, tù tội với những cáo buộc tham nhũng và làm thất thoát nhiều trăm tỉ đồng khi cầm đầu Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC), một công ty con của Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) lúc đó do ông Ðinh La Thăng làm “chủ xị.”
Người ta ngạc nhiên là phải. Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công An phát lệnh truy nã quốc tế khi biết ông đã trốn ra nươc ngoài. Sau khi chạy trốn, đầu Tháng Chín năm 2016, Trịnh Xuân Thanh được cho là đã gởi bức thư ngỏ cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN tuyên bố ra khỏi đảng và lại còn nói “không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư” Nguyễn Phú Trọng nữa.
Tát vỗ mặt cả ông tổng bí thư đảng như thế, không ai nghĩ rằng ông ta, gần một năm sau, đột ngột “độn thổ” tới trụ sở Bộ Công An mà “đầu thú.”
Từ Âu Châu về Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh phải đi máy bay. Tất cả mọi cửa khẩu của Việt Nam, dọc theo biên giới với các nước hay các cảng hàng không quốc tế, công an đều có một danh sách đen, tên những người đang trong tầm ngắm của chế độ. Hiểu như vậy, vừa đặt chân tới Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, Trịnh Xuân Thanh khó lòng đi qua mà lọt lưới.
Hôm Thứ Ba, 1 Tháng Tám 2017, người ta thấy một bài viết với những nhận định trên trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Như Phong, một nhà báo và cũng là đại tá công an, cựu tổng biên tập báo Petro Times bị cách chức.
Theo Nguyễn Như Phong, đặc tình của công an CSVN đã tạo áp lực cân não với Trịnh Xuân Thanh để ông ta phải từ trong lỗ chui ra.
“…chúng ta cũng không loại trừ trong thời gian đó, cơ quan công an Việt Nam đã cũng có những tiếp xúc với Trịnh Xuân Thanh và khuyên bảo, vận động anh ta nên về đầu thú… Và sự việc như chúng ta đã thấy, Trịnh Xuân Thanh đã đi theo các nhân viên an ninh Việt Nam về việc trở về nước để rồi ra đầu thú,” Nguyễn Như Phong viết.
Ðáng chú ý hơn, trên trang mạng có tên “Trần Ðại Quang” (một trong những trang mạng tuyên truyền cùng một gốc với những trang khác mang tên các lãnh đạo chóp bu CSVN) thì nói lộ liễu hơn về đặc tình của hệ thống công an đã tạo áp lực rất mạnh, nói trắng ra là đe dọa, đối với Trịnh Xuân Thanh để ông ta, giữa những cái xấu, chọn cái ít xấu nhất cho mình. Bản án tù một hai chục năm còn hơn là bị thủ tiêu hay, vợ con, cha mẹ, bị khủng bố trù dập, tài sản cũng chưa chắc giữ được.
Trang mạng Trần Ðại Quang viết: “Trên góc độ quan sát và phân tích có thể thấy, giữa Việt Nam và Ðức chưa ký kết hiệp định dẫn độ hay tương trợ tư pháp. Ðể dẫn độ hay di lý Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, chắc chắn cơ quan chức năng Việt Nam phải gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý với phía chính quyền nước bạn. Ðó chính là lý do, Việt Nam lựa chọn biện pháp tạo sức ép, thuyết phục, vận động Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam.”
Trang mạng này viết tiếp: “Bên cạnh đó, một điều chắc chắn là, công an Việt Nam không bao giờ chọn phương án ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh trên nước Ðức. Nếu bị lộ ra thì hậu quả là khôn lường, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an Việt Nam, mà nguy hiểm hơn chính là ảnh hưởng đến uy tín của cả một quốc gia.”
Qua bài viết này, trang mạng Trần Ðại Quang cũng hé lộ “đòn nghiệp vụ” của công an: “Một câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc, cơ quan chức năng Việt Nam đã lấy gì để vận động, thuyết phục Trịnh Xuân Thanh chấp nhận về nước? Rất đơn giản, đó chính là an ninh Việt Nam đã tạo sức ép đủ lớn đối với Trịnh Xuân Thanh. Nếu như không tự nguyện quay về đầu thú thì những điều tồi tệ hơn sẽ đến với bản thân y. Hơn ai hết, Trịnh Xuân Thanh biết rất rõ, một khi đã có chỉ đạo quyết liệt từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trần Ðại Quang và Bộ Công An đã vào cuộc, truy trách nhiệm từng cá nhân sai phạm liên quan đến PVC thì dù có chạy trốn ở đâu, bản thân Trịnh Xuân Thanh bị bắt về Việt Nam chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.”
Cũng hôm Thứ Ba, tờ Ðất Việt cử phóng viên tới nhà của Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội. Ông Trịnh Xuân Giới, cha của Trịnh Xuân Thanh thì không chịu nói, nhưng “khi phóng viên bấm chuông và khi đặt vấn đề Trịnh Xuân Thanh đã về nước thì một người trong nhà cho hay ‘không biết gì’. Về việc có nhận được thông báo nào Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú hay không, người này cũng từ chối trả lời. ‘Bác Thanh không về nhà’, người phụ nữ khẳng định rồi quay vào nhà.”
Liệu Bộ Công An CSVN có mở cuộc họp báo để giải thích hay công bố một số chi tiếu về cuộc “đầu thú” của Trịnh Xuân Thanh hay không? Chắc là nhiều người muốn có nhưng chắc gì được cho biết sự thật. (TN)
No comments:
Post a Comment