Monday, July 24, 2017

Bình Thuận đề nghị dùng bùn thải nhiệt điện Vĩnh Tân làm kè biển

Khu vực cảng của nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ nạo vét gần 1 triệu mét khối “vật chất.” (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – “Để vật chất nạo vét vào trong những kè biển, một mặt chống xói lở, mặt khác giải quyết được chất nạo vét chứ không đưa xuống biển.”
Đó là một trong những nội dung trong văn bản của Tỉnh Ủy Bình Thuận gửi giới lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN xin ý kiến về việc công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 xin nhận chìm 1 triệu mét khối bùn thải sau nạo vét xuống biển Vĩnh Tân.
Chiều 24 Tháng Bảy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bí thư Bình Thuận, cho biết sau khi nhận được thông tin Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp giấy phép nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét ở khu vực bến nước trước nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, nhà khoa học nên Tỉnh Ủy Bình Thuận đã có văn bản xin ý kiến của trung ương.
Ông cho hay, Bình Thuận có giới thiệu đến kế hoạch dùng bê tông cốt thép làm kè chắn lấn biển ở những khu vực bị sạt lở ven bờ, sau đó đổ chất nạo vét vào đây.
“Chúng ta để vật chất nạo vét vào trong những kè biển, một mặt chống xói lở, mặt khác giải quyết được chất nạo vét chứ không phải đưa xuống đáy biển, phương án này có nhiều mặt lợi hơn,” bí thư Bình Thuận giải thích với báo điện tử Zing.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngoài ra, Tỉnh Ủy Bình Thuận cũng đề nghị chưa vội cấp phép nhận chìm 2.4 triệu mét khối vật chất cho một đơn vị khác ở cụm nhiệt điện Vĩnh Tân (Tổng Công Ty Phát Điện 3 thuộc Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam – đại diện chủ đầu tư dự án nhà nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng) mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đang xem xét cấp phép.
“Hiện nay, việc nhận chìm đang có nhiều ý kiến khác nhau nên chúng tôi đề nghị bộ dừng việc cấp phép này lại để xem xét một cách cẩn trọng hơn,” ông nói.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về câu hỏi nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ dẫn đến thiệt hại đối với ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ và những doanh nghiệp nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân, ông Hùng cho biết tỉnh đã trao đổi lại với Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và bộ này nói đã có tính toán.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, tính toán cụ thể như thế nào, có phù hợp với thực tế hay không thì phải có kiểm nghiệm cụ thể. Do đó, Bình Thuận đã đề nghị tăng thêm hơn 10 điểm quan trắc nữa (ngoài 10 điểm trước đây theo kế hoạch đã được duyệt) và yêu cầu quan trắc trước, trong và sau khi thực hiện để có các số liệu so sánh, đối chứng (quan trắc là theo dõi, khuyến cáo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường).
Trước đó, ngày 23 Tháng Sáu, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã cấp phép cho công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu mét khối bùn cát thu được sau nạo vét, vụ việc đã dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là khu vực nhận chìm chỉ cách khu bảo tồn biển Hòn Cau 10 km.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án trên. Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của bộ này. (Q.D.)

No comments:

Post a Comment