Thanh Trúc, RFA 2017-07-25
Hai người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ con bị người dân vây bắt và đánh đập hôm 22/7/2017 ở Sóc Sơn, Hà Nội Citizen
Tự động vây bắt rồi đánh đập những ai tình nghi bắt cóc trẻ con hay trộm chó, gây thương tích trầm trọng hoặc thậm chí đánh chết nạn nhân, là chuyện liên tiếp xảy ra trong xã hội Việt Nam thời gian qua.
Đây là những câu chuyện được báo chí trong nước đưa lên tin tức, thí dụ trường hợp một thanh niên đi ăn trộm chó ở miền Trung bị dân làng xúm vô đánh tới chết hồi năm 2015.
Gần đây, dư luận lại xôn xao trước những tin như bắt người nhốt vào lồng vì nghi trộm chó, bắt và hành hung lầm người ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tại xã Hồng Lạc, tỉnh Hải Dương, do tình nghi bắt cóc trẻ em mà dân làng đã đập phá, đốt xe của người họ cho là có hành vi đáng ngờ.
Và mới đây nhất là vụ việc ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, cũng do nghi ngờ có kẻ đi bắt cóc trẻ con mà người dân ở đây xúm nhau hành hung 2 phụ nữ đi bán tăm bông để gây quĩ từ thiện. Hậu quả là 2 phụ nữ không may này phải nhập viện vì bị đánh một cách dã man.
Bức xúc hay phẫn nộ trước những chuyện sai trái tiêu cực trong xã hội là thái độ đương nhiên, thế nhưng phải hiểu là dân thì không thể manh động và không có quyền đứng ra trừng phạt kẻ phạm tội thay cho pháp luật. Điểm đáng nói trong những câu chuyện vừa nêu là bạo lực xảy ra nhiều phần do nghi ngờ dẫn đến bắt oan và hành hung người vô tội. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm, chẳng những phương hại đến tính mạng, sự an toàn, sức khỏe cũng như tài sản của người dân mà còn gây náo loạn và mất trật tự xã hội.
Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực như vậy. - viên chức UBND tỉnh giấu tên
Một viên chức Ủy Ban Nhân Dân một tỉnh, không muốn tiết lộ danh tính, nói với đài Á Châu Tự Do như vậy qua điện thư, rằng:
“Phải nói thẳng là bây giờ người dân hay làm những việc có tính tự phát trong lúc có những thông tin chưa được kiểm chứng, hơn nữa họ dễ bị khích động nên mới có những hành vi bạo lực như vậy”.
Thứ hai, vẫn theo lời viên chức này:
“Bản chất người dân ở một đất nước phát triển như Việt Nam thì thường có những mâu thuẫn nội tại trong chính các khối dân chúng. Khi những mâu thuẫn nội tại như thế không được giải quyết một cách thấu đáo, và khi có chuyện này chuyện kia thì họ rất dễ tự họ thổi bùng lên cơn giận dữ, họ nhắm vào những người yếu thế, những người cô thế. Họ tự cho mình làm thay pháp luật, họ nghĩ họ làm đúng và họ có phần hả hê khi nghĩ rằng đó là cái xấu cái ác mà họ được góp phần trừng trị cái ác cái xấu đấy.
Và cũng thêm một phần nữa là nhiều khi họ, tức người dân, đã không tin tưởng vào pháp luật lắm, viên chức này khẳng định, vì thế họ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, xé chuyện nhỏ ra chuyện lớn để khích động xã hội và hãm hại người vô tội.
Để dân không tự xử thì pháp luật phải nghiêm là tựa đề một trong những bài liên quan trên các báo trong nước khi nói về những vụ dân tự động đánh người mà họ nghi ngờ trộm chó hay bắt cóc trẻ.
Bà Kim Hoa, dân oan bị vu cáo và thua kiện đến phải đi học luật để tự chống án cho mình, góp ý rằng người dân tự hành xử đánh người như vậy là phạm pháp:
Thí dụ như bắt chó trộm đi, giờ có đem tới công an thưa một lát cũng thả về, rồi chỗ mà thay vì đưa tới công an để có biện pháp nào đó răn đe để không tái phạm nữa thì người ta nói thế nào công an cũng thả vậy mình đánh chết cho rồi. Bây giờ bên đây có những việc to bằng trời lại không giải quyết gì hết, còn việc nhỏ xé ra to, do đó dân cứ nghĩ thôi thả “tao” làm trước vì báo chính quyền cũng không làm gì.
Theo tôi thì người dân không được quyền làm chuyện đó, nhưng thứ nhất do người ta không hiểu luật pháp, thứ nhì người ta thấy đem tới thì chính quyền cũng không xử lý đúng việc đúng tội. Người ta cảm thấy coi như là thôi để người ta giải quyết nhưng không hiểu rằng chuyện người ta làm là vi phạm luật, vi phạm đến tính mạng con người.
Để giải quyết hiện trạng này thì không chỉ dân mà trước hết là chính quyền phải nêu cao tinh thần thượng tôn luật pháp, bà Kim Hoa bày tỏ tiếp:
Kỷ cương không nghiêm thì sinh loạn, hôm rồi tôi có lên facebook tôi viết một câu là “quan bất minh thì thần dân tác loạn, hạ bất nghiêm thì xã tắc đảo điên” . Có nghĩa là từ trên mà không giải quyết được thì cuối cùng dân ở dưới này người ta xài theo kiểu luật rừng đó.
Phải thượng tôn pháp luật và phải tập trung giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của dân trong việc đối phó với những chuyện tiêu cực là ý kiến của một nhà giáo yêu cầu không nêu tên đang sinh sống ở ở Hà Nội. Theo ông, chuyện dân ngang nhiên xúm vào đánh người tình nghi trộm cắp hay bắt cóc trẻ là hiện tượng đáng lo ngại trong một xã hội vốn dĩ hòa vi quí như Việt Nam:
Nó phản ánh sự mất lòng tin của người dân đối với nhau và đối với xã hội, phản ánh sự mất lòng tin của dân với pháp luật, phản ánh sự lên ngôi của bạo lực trong những con người bình thường nhất.
Đứng về góc độ vĩ mô của nhà nước quả thực trong một sớm một chiều không thể giải quyết được ngay. Biện pháp căn bản nhất, lâu dài nhất, đấy là sự giáo dục từ những đứa trẻ con đến những công dân của một đất nước về tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, đấy là sự kiện toàn của chính bộ máy nhà nước với bộ phận pháp luật gồm công an cảnh sát, là những người mà đáng ra dân có thể gởi gắm lòng tin cậy của họ nhưng nay đã bị thoái hóa và biến chất.
Hơn thế nữa, vị giáo viên này kết luận, phản ứng và ngăn chận hữu hiệp kịp thời cái ác cái xấu của công an nhân dân hay cảnh sát nhân dân là một điều kiện tiên quyết để những chuyện dân đánh chết người, dù là người có tội, không còn tái diễn và trở thành một tiền lệ vô thiên vô pháp trong xã hội Việt Nam.
No comments:
Post a Comment