VIỆT NAM (NV) – Tuy Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu “khẩn trương nghiên cứu làm thêm đường băng số 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất” nhưng trận bão “phi trường – sân golf” trong dư luận vẫn càng lúc càng mạnh.
Báo chí và dân chúng Việt Nam tiếp tục đào xới chuyện phi trường Tân Sơn Nhất quá tải, bị nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, trong khi Bộ Quốc phòng Việt Nam cương quyết giữ 157 héc ta vốn thuộc phi trường này nhưng sau tháng 4 năm 1975 thì trở thành tài sản của Bộ Quốc phòng và đang cho Công ty Him Lam thuê làm… sân golf!
Trước đây do cương quyết không đụng đến 157 héc ta “đất quốc phòng” vừa kể, theo đề nghị của chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ trước, Quốc hội Việt Nam khóa trước đã gạt bỏ khuyến cáo của các chuyên gia, ý kiến phản đối của dân chúng, gật đầu thông qua kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành, tọa lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch này tạo thêm cho Việt Nam khoản nợ lên tới 15.8 tỉ Mỹ kim.
Cũng vì vậy, bất bình âm ỉ kéo dài, tới đầu năm nay làn sóng chỉ trích chủ trương giữ sân golf trong phi trường bùng nổ vì đường ra vào Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt cứng, phi cơ bay lòng vòng chờ xuống. Chưa kể phi trường Tân Sơn Nhất bắt đầu rơi vào tình trạng cứ mưa là ngập, rồi Cục Hàng không Việt Nam loan báo, trong tương lai gần, do thiếu chỗ đậu, sau khi đưa – đón khách tại phi trường Tân Sơn Nhất, phi cơ của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải bay đến phi trường Cần Thơ chờ cho đến chuyến bay kế tiếp.
Để xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng, cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng loan báo giao lại 21 héc ta đất ở Tân Sơn Nhất mà bộ này đang quản lý để phía Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam có chỗ xây dựng thêm hai nhà ga công suất 10 triệu hành khách/năm, một số đường lăn và cải tạo phi đạo phía Bắc,… nhằm giải quyết các vấn nạn vốn càng ngày càng trầm trọng tại phi trường Tân Sơn Nhất. Đáng nói là 21 héc ta đất vừa kể vốn là nơi trú đóng của các đơn vị thuộc quân chủng phòng không – không quân. Những đơn vị này được điều động đi nơi khác, còn 157 héc ta đã giao cho Công ty Him Lam thì vẫn còn nguyên.
Tuần trước, sự giận dữ của công chúng Việt Nam bùng lên khi chính phủ Việt Nam báo cáo Quốc hội rằng, muốn thu hồi đất để xây dựng phi trường Long Thành thì công quỹ phải chi thêm 18,000 tỉ, khoản 5,000 tỉ như đã dự trù lúc phê duyệt kế hoạch xây dựng phi trường Long Thành để thay thế phi trường Tân Sơn Nhất không đủ. Đáng chú ý là cả Quốc hội lẫn chính phủ Việt Nam không biết tìm từ đâu số tiền 18,000 tỉ đó,…
Vài ngày sau, tờ Tuổi Trẻ công bố một loạt bài liên quan đến sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất. Theo đó, sân golf không đơn thuần để cho khách ngoại quốc đến… đánh golf. “Lõi” của dự án mà Công ty Him Lam đầu tư trên 157 héc ta “thuê” của Bộ Quốc phòng là dùng “đất quốc phòng” xây khách sạn, nhà hàng, biệt thự, các khu apartment cao cấp rồi đem cho thuê với giá từ 30 Mỹ kim đến 50 Mỹ kim/mét vuông/tháng, xây hệ thống trường học đẳng cấp quốc tế với mức hàng chục triệu đồng/học sinh/tháng…
Trước sự chỉ trích càng ngày càng kịch liệt, Thủ tướng Việt Nam ra lệnh tạm dừng xây dựng tất cả các công trình tại sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất. Đại diện Bộ Quốc phòng thì tuyên bố, nếu chính phủ có lệnh thì sẽ thu hồi 157 héc ta đất và giao ngay. Tuy nhiên các cam kết vẫn chỉ là chuyện ở tương lai: “Nếu…” và “thì sẽ thu hồi”!
Không chỉ các chuyên gia và dân chúng, Đoàn Đại biểu của thành phố Sài Gòn tại Quốc hội Việt Nam cũng nhập cuộc. Đó là chính quyền thành phố này đã sẵn sàng trong việc tiếp nhận đất – mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Trên các diễn đàn điện tử, kể cả các diễn đàn của những cơ quan truyền thống thuộc chính quyền Việt Nam, nhiều người yêu cầu thành lập một cơ quan đặc biểt kiểm tra việc sử dụng quỹ đất của phi trường Tân Sơn Nhất.
Các chuyên gia tình nguyện phân tích nhận định của ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải: Không thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất là ngụy biện. Tuy nhiên làn sóng đó khơng đáng chú ý bằng việc Bộ Quốc phòng Việt Nam trở thành bia do cố giữ một sân golf mà “làm phiền cả nước”.
Cuối ngày 12 tháng 6, Thủ tướng Việt Nam nỗ lực “hạ hỏa” bằng tuyên bố nghiên cứu làm thêm phi đạo thứ ba tại phi trường Tân Sơn Nhất nhưng nỗ lực này không đủ để dập tắt sự phẫn nộ.
Lý do là song song với tuyên bố vừa kể, các viên chức hữu trách ở Việt Nam đã vẽ ra nhiều “khó khăn nan giải” nếu lấy đất sân golf để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Chẳng hạn muốn xây dựng phi đạo thứ ba tại phi trường Tân Sơn Nhất, phải “giải phóng – thu hồi” 1,500 héc ta đất, buộc 140,000 gia đình với khoảng 500,000 ngàn dân di dời, riêng chi phí di dời sẽ lên tới 9.1 tỉ Mỹ kim.
Các chuyên gia lại tái nhập cuộc, tờ Tiền Phong mới dẫn hàng loạt ý kiến của một số chuyên gia như ông Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học – Công nghệ – Quản lý ở Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Tống, cựu Giảng viên Khoa Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa Sài Gòn).
Ông Nguyễn Bách Phúc đã đưa ra hàng loạt tài liệu, số liệu để chứng minh, các cơ quan hữu trách đã xuyên tạc khuyến cáo của ICAO (Hiệp hội Hàng không Quốc tế). Theo ông Phúc, đó là bằng chứng về sự gian dối, thiếu tinh thần khoa học. Theo ông Phúc, không thể không nghi ngờ việc bóp méo sự thật nhằm bảo vệ sân golf trong phi trường Tân Sơn Nhất, hay thúc đẩy vay mượn để sớm xây dựng phi trường Long Thành.
Ông Nguyễn Thiện Tống, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không của Đại học Bách khoa Sài Gòn thì lưu ý, lẽ ra, không nên “giữ” những “nghiên cứu” gây ngần ngại về việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất cho đến lúc này mới vội vàng “công bố”. Tất cả các “nghiên cứu” đều cần đính kèm số liệu, dự liệu cụ thể, không thể nói suông.
Trận bão “phi trường – sân golf” chưa tan. Thái độ của dân chúng cho thấy, lần này, không ai có thể vứt bỏ các khuyến cáo, đề nghị vào thùng rác như trước. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment