Wednesday, June 14, 2017

An ninh lương thực tại Việt Nam được đảm bảo?

Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-06-14 
Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa).
Cánh đồng hạn hán tại Sóc Trăng, hôm 2/3/2016 (Ảnh minh họa).
Dư luận lo ngại về tình hình an ninh lương thực tại Việt Nam có được đảm bảo khi các ngành nông lâm thủy hải sản của quốc gia này đang đối mặt với những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và thảm họa môi trường biển bởi Formosa gây nên.

Hậu quả bởi thiên tai lẫn nhân tai

Đợt hạn hán xảy ra ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hồi năm 2016, được xem là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ước tính có khoảng 160 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại và xấp xỉ 800 ngàn tấn lúa bị mất trắng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử.
Tại Tây Nguyên, lượng nước của các ao hồ, công trình thủy lợi bị khô cạn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngành nông nghiệp ở khu vực này trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, hai đợt lũ cuối tháng 11 và trung tuần tháng 12 năm 2016 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây ra thiệt hại khoảng 2.600 tỷ đồng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ước tính hơn 18 ngàn tỷ đồng.
Việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam.
- TS Lê Đăng Doanh
Mới đây nhất, báo cáo của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho thấy giá trị sản xuất thủy sản của Việt Nam trong năm 2016 giảm gần 2% so với mức trung bình của giai đoạn 2013 đến 2016. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tại buổi chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV rằng trữ lượng nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 so với giai đoạn 2000-2005 giảm khoảng 14%, trong đó nhóm hải sản tầng đáy giảm 42%. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và thảm họa môi trường biển ở bốn tỉnh Bắc miền Trung bởi Formosa gây nên.
Trong bối cảnh các ngành nông lâm thủy hải sản của Việt Nam đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai lẫn nhân tai, chúng tôi nêu vấn đề về an ninh lương thực tại Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, và được ông cho biết:
“Việc nhiễm mặn, nguồn nước giảm sút và biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp của Việt Nam. Riêng về an ninh lương thực thì tôi nghĩ trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ còn có thể được duy trì. Nhưng trong tương lai lâu dài với mức độ gia tăng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì có lẽ Việt Nam sẽ phải tính toán các biện pháp thích hợp để bảo đảm an ninh lương thực.”

Làm gì để an toàn lương thực?

Các biện pháp thích hợp mà Chính phủ Hà Nội cần cân nhắc để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia là chú trọng đến nông nghiệp, một lợi thế mạnh của Việt Nam, trong đó lúa gạo là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, theo như nhận định của Tiến sĩ Dương Văn Ni, một nhà khoa học thuộc Đại học Cần Thơ:
000_P064Y
Các nông dân đang phơi lúa tại khu vực ngoại thành Hà Nội, hôm 26/5/2017 (Ảnh minh họa). AFP
“Đối với nhà nước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được xem là quan trọng số một. Do đó, khi bàn về kế hoạch sử dụng đất bao giờ an ninh lương thực cũng được đưa lên tiêu chí hàng đầu. Đó là lý do để Nhà nước phải giữ một diện tích trồng lúa nhất định. Mỗi khi xảy ra sự cố liên quan tới cây lúa thì Nhà nước luôn luôn có những chính sách can thiệp.”
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng phương thức canh tác truyền thống của Việt Nam là một thách thức không nhỏ đối với chính sách cải tạo nông nghiệp trong thời gian tới. Bà Phạm Chi Lan phân tích:
Bây giờ với điều kiện biến đổi khí hậu cộng với việc tác động của con sông Mekong chảy từ Trung Quốc, qua Trung Quốc qua Lào, họ làm quá nhiều đập thủy điện, các nước đầu nguồn sử dụng nguồn nước và làm ảnh hưởng tới phía dưới, cũng như là các vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ. Lúc này tôi cho là phải xem xét lại toàn diện cách thức làm nông nghiệp ở Việt Nam nhất và vùng đồng bằng sông Cửu Long.”
Là người người trực tiếp tham gia biên soạn Báo cáo Việt Nam 2035, công trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và chính phủ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho biết trong báo cáo nêu rõ Việt Nam cần phát triển nông nghiệp theo cách hiện đại hóa và thương mại hóa tổ chức sản xuất nông nghiệp. Điều này hàm ý Chính phủ cần thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống và thương mại hóa phải dựa trên yêu cầu và các tiêu chí thị trường để quyết định hướng sản xuất. Bà Phạm Chi Lan khẳng định quá trình chuyển đổi cần có thời gian nghiên cứu.
Vấn nạn ở Việt Nam như phá rừng khá nhiều ở Tây nguyên, nó ảnh hưởng tới các vùng phía dưới như vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện rất rõ.
- Phạm Chi Lan
Riêng trong lãnh vực nuôi trồng thủy hải sản, sau khi Công ty Hưng nghiệp Formosa xả thải có độc tố ra khu vực biển Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 năm 2016 cho đến nay, hiện tượng cá nuôi lồng bè bị chết xảy ra ở các tỉnh địa phương, nơi bị tác hại bởi thảm họa Formosa. Những nhà khoa học lên tiếng hậu quả của thảm họa môi trường biển miền Trung sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam. Tiến Sỹ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đã khẳng định với RFA nguồn tài nguyên biển phải mất hàng chục năm mới hồi phục:
“Những sự cố sinh thái này thông thường giống như chén nước mình đã đổ ra đất rồi, không lấy lại được. Nhưng vì thiên nhiên có cơ chế tái phục hồi, nhưng đòi hỏi thời gian lâu. Vùng biển Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi, nhưng cũng không thể chỉ vài năm là được. Ít nhất cũng phải chục năm, không thì 20-30 năm và thậm chí có thể lâu hơn nữa.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tỏ ra lạc quan khi ông cho rằng Việt Nam có thể biến nguy thành cơ một cách sáng tạo trong điều kiện bất lợi hiện tại để vẫn duy trì sản lượng thủy sản và an ninh lương thực không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề phải thực thi rốt ráo những phương kế mà giới khoa học, chuyên gia đề ra cũng như tiến hành cải cách sâu rộng từ thể chế đến quản trị.

No comments:

Post a Comment