BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Các công ty đóng tàu đã hối lộ cho một số chủ tàu vỏ thép bị “nằm bờ” để những người này rút đơn khiếu nại và từ chối kiểm định độc lập.
Theo tin tờ Tuổi Trẻ, các chủ tàu vừa cung cấp cho báo “văn bản thỏa thuận và cam kết mà công ty Nam Triệu (thuộc Bộ Công An) soạn sẵn và đề nghị chủ tàu ký để nhận một khoản tiền khắc phục hậu quả với điều kiện không khiếu nại và “im lặng” với truyền thông.” Đồng thời “công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) cũng tiếp xúc với năm chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đề nghị tặng 130 triệu đồng để mua lấy sự im lặng của họ.”
Mục đích hiển nhiên của hai công ty đóng tàu làm ăn gian dối là muốn vụ việc được nhận cho chìm xuồng, thay vì có thể bị điều tra, dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng hơn.
Ngày 10 Tháng Sáu, ông Đinh Công Khánh, chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cung cấp cho báo Tuổi Trẻ “văn bản thỏa thuận và cam kết” mà ông nói do công ty Nam Triệu tự soạn thảo, thuyết phục ông ký để im lặng, không khiếu nại, từ chối thẩm định tàu hỏng.
Văn bản này được lập vào ngày 3 Tháng Sáu, tức là trước thời điểm tổ thẩm định độc lập tiến hành kiểm tra các tàu “nằm bờ,” gồm bên A là công ty Nam Triệu do ông Bùi Hữu Hùng – phó tổng giám đốc – làm đại diện, bên B là công ty Hoàng Gia Phát (đơn vị cấp máy để lắp vào tàu vỏ thép) do ông Lê Hoàng Phong – giám đốc – làm đại diện, còn bên C là ông Đinh Công Khánh.
“Nội dung thỏa thuận là bên A và bên B cùng liên đới chấp nhận khắc phục thiệt hại cho bên C liên quan đến hợp đồng đóng tàu mà các bên đã ký kết và bàn giao đưa vào hoạt động với mức 200 triệu đồng, trong đó công ty Nam Triệu 150 triệu đồng và công ty Hoàng Gia Phát 50 triệu đồng. Để nhận số tiền trên, bên C phải thực hiện điều kiện “rút xong toàn bộ nội dung kiến nghị vào ngày 5 Tháng Sáu tại Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan, tiền sẽ được bên A và bên B giao vào ngày 6 Tháng Sáu,” theo tin báo Tuổi Trẻ.
Không những vậy, văn bản còn nêu: “Sau khi bên C nhận đủ tiền sẽ không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với bên A và bên B, tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung đơn kiến nghị liên quan mà bên C đã gởi đến công ty và các cơ quan có liên quan. Bên C cam kết không khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài liệu liên quan cho các cơ quan truyền thông.”
Khi được tờ Tuổi Trẻ tiếp xúc, ông Bùi Hữu Hùng chối không có “đi đêm” giữa nhà máy và ngư dân để sau đó có tám chủ tàu làm đơn rút khiếu nại. Ông Hùng được dẫn lời: “Chúng tôi thấy tàu của ngư dân hỏng, thời gian nằm bờ dài, sửa chữa lâu nên công ty hỗ trợ. Ngư dân thiệt hại thực tế thì hỗ trợ thế thôi chứ không ‘đi đêm’ gì đâu.”
Tương tự, ngư dân cũng “tố” công ty Đại Nguyên Dương thực hiện “chiêu” dùng tiền để mua im lặng, nhưng bất thành.
Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS, ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ, Bình Định), cho biết lãnh đạo công ty Đại Nguyên Dương đã mời năm chủ tàu vỏ thép hỏng do công ty này đóng đến thành phố Quy Nhơn, hứa đưa tiền để thuyết phục họ rút khiếu nại với các cơ quan chức năng.
“Họ nói với anh em tụi tui là sơn lại tàu với giá 270 triệu đồng, nhưng họ cho thêm để đủ 400 triệu đồng, tụi tui tự sửa chữa và từ nay về sau không khiếu nại gì. Tàu tôi giá hơn 15 tỷ đồng, mới đem về có ba tháng mà vỏ thép đã gỉ như 10 năm, hư tràn lan, đưa mấy trăm triệu bảo đừng khiếu nại sao được,” ông nói với báo Tuổi Trẻ.
Theo nguồn tin, không chỉ ông Lý, cả bốn chủ tàu còn lại cũng không chấp nhận đề nghị của công ty Đại Nguyên Dương. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nguyên – giám đốc công ty Đại Nguyên Dương – nói rằng, đúng ra số tiền sơn lại vỏ tàu của các ngư dân Bình Định chưa đến 270 triệu đồng, nhưng do kế toán ông tính có “du di” nên mới tăng đến con số này.
“Còn số tiền 130 triệu đồng là hỗ trợ để ngư dân đưa tàu đi sửa chữa, ăn ở trong thời gian sửa tàu,” ông Nguyên nói trên tờ Tuổi Trẻ.
Ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh, nói rằng việc các ngư dân xin rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định tàu hỏng là “rất bất ngờ.”
Nói chuyện với Tuổi Trẻ chiều 10 Tháng Sáu, ông Nguyễn Ngọc Oai, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản, cho hay tổng cộng số tàu có trục trặc cho đến nay là 21 chiếc, trong đó có 19 của Bình Định và hai của Phú Yên. Theo ông, toàn bộ tàu vỏ thép trong chương trình (xấp xỉ 300 tàu) là do Trung Tâm Đăng Kiểm Tàu Cá của Tổng Cục Thủy Sản thực hiện kiểm tra, cấp sổ để tàu (vận hành trên biển.
Về trách nhiệm của trung tâm này, một quan chức có trách nhiệm của tổng cục cho rằng trung tâm có liên quan đến việc tàu cá vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, nhưng mức độ liên quan còn phải chờ tổ kiểm tra nguyên nhân hư hỏng xem xét.
Theo Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh, tỉnh này có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu với các ngân hàng, trong đó 47 tàu vỏ thép. Qua kiến nghị của ngư dân, tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Ngày 2 Tháng Sáu, chính quyền tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định phẩm chất tàu vỏ thép. Kết quả thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, phẩm chất thép không đúng theo hợp đồng như thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc, sơn không bảo đảm, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi của Nhật và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế. (TN)
No comments:
Post a Comment