RFA 2017-06-12
Ban lãnh đạo mới được bầu hôm 28/1/2016 tại đại hội đảng 12, từ trái qua: Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân AFP photo
Tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ Khoa Học Công Nghệ hôm 11 tháng 6 có bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói về mô hình Tổng thống lưỡng tính mà theo ông thực chất là việc nhập hai chức Chủ Tịch nước và Tổng Bí Thư làm một như các nước cộng sản khác đã làm. Ý tưởng này tuy không mới ở Việt Nam nhưng dường như vẫn còn quá nhiều cản trở trên con đường tiến tới nhất thể hóa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, đại hội đảng không bầu ra người đứng đầu đảng để dẫn dắt cuộc bầu cử vào quốc hội mà bầu ra người đứng đầu đảng để ứng cử vào chức danh tổng thống mà ở Việt Nam hiện nay vẫn gọi là Chủ tịch nước. Theo ông, tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu và độc lập với quốc hội, không chịu trách nhiệm trước quốc hội. Vì vậy ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng kêu gọi việc sửa đổi hiến pháp để tăng thêm quyền lực hành pháp cho Tổng thống.
Phe muốn thay đổi chưa đủ mạnh
15 năm qua có vài lần nội bộ đảng cộng sản VN có đặt ra việc nhất thể hóa. Từ khóa 10 đến giờ mỗi lần bàn thì lại đến quyết định là không bàn nữa, để sau.
-TS Nguyễn Sĩ Dũng
Trong khi tên gọi tổng thống lưỡng tính nghe còn lạ với nhiều người, ý tưởng về việc nhập hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí Thư đã từng được chính ông Nguyễn Sĩ Dũng và những đảng viên đảng cộng sản khác đưa ra nhiều lần nhưng đã không thể thực hiện được. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận xét:
“Có lẽ đến 15 năm vừa qua có vài lần nội bộ đảng cộng sản Việt Nam có đặt ra việc nhất thể hóa, người ta cũng bàn. Từ khóa 10 đến giờ mỗi lần bàn thì lại đến quyết định là không bàn nữa, để sau. Trước đại hội 10 thì có bàn một lần công khai, nhưng kết quả là thôi, và ra nghị quyết là còn lâu lâu nữa không bàn lại. Đến đại hội 11 thì bản thân ông Sỹ Dũng và một số người khác mạnh hơn ông ấy trong đảng đã đặt lại vấn đề bàn. Hồi đó có một loạt bài, có bài ông Nguyễn Sỹ Dũng viết và các tổ chức quốc tế dịch lại để truyền tay nhau. Đây là ý kiến rất là tích cực và nó nêu lên được một thực tế là nhất thể hóa có lợi hơn là tách riêng ra như bây giờ nhưng cuối cùng là không thực hiện được.”
Việc nhất thể hóa hai chức danh này đã được thực hiện ở các nước cộng sản khác trên thế giới mà gần với Việt Nam nhất là Lào và Trung Quốc. Cái lợi của việc hợp nhất hai chức danh này, theo các chuyên gia nghiên cứu về chính trị là làm tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện việc hợp nhất các chức danh giữa đảng và chính quyền ở cấp địa phương từ vài năm nay. Mới đây, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cũng nói đến việc Việt Nam xem xét việc hợp nhất chức danh Chủ tịch và Bí thư tỉnh. Tuy nhiên việc tiến tới hợp nhất chức danh Bí thư đảng và Chủ tịch nước thì vẫn còn chưa được tính đến chính thức. Nói về nguyên nhân của sự chậm trễ này, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết dù Việt Nam có ý chí chính trị nhưng chưa đủ mạnh để thực hiện ý muốn này.
“Y chí chính trị là đúng rồi, muốn nó được thể hiện thực tế thì cơ sở ủng hộ phải nhiều, phải chiếm số đông. Mình nói chưa đủ mạnh vì người ta chưa đủ đông, chưa đủ đông trong ban chấp hành trung ương, chưa đủ đông trong các cấp lãnh đạo của đảng ở cấp địa phương.”
Lo sợ kiểm soát quyền lực
Theo bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thì với mô hình tổng thống lưỡng tính, ngoài tổng thống nắm quyền hành pháp, Thủ tướng cũng nắm quyền hành pháp. Tuy nhiên trong mô hình này, quyền lực về quốc phòng, an ninh, ngoại giao và những lĩnh vực chính sách kinh tế lớn thường thuộc về Tổng thống. Việc điều hành kinh tế hằng ngày thường thuộc về Thủ tướng. Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, điều này cũng có thể làm cho quyền lực của Tổng thống lên cao gây lo ngại về sự kiểm soát quyền lực của đảng với vị trí này.
Ví Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đúng là họ có quyền lực cao hơn rất nhiều. Ví dụ như ở Trung Quốc hiện nay của ông Tập Cận Bình thì đã tập trung quyền lực cao hơn thời ông Giang Trạch Dân.
-TS Nguyễn Sĩ Dũng
“ Ví Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đúng là họ có quyền lực cao hơn rất nhiều. Ví dụ như ở Trung Quốc hiện nay của ông Tập Cận Bình thì đã tập trung quyền lực cao hơn thời ông Giang Trạch Dân, cao hơn thời ông Hồ Cẩm Đào và rõ ràng là mức độ kiểm soát của đảng cộng sản, mức độ giám sát của đảng với ông Tập Cận Bình có lẽ bị giảm đi. Cái đó mình cảm thấy có vấn đề bên Trung Quốc.”
Ngay chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị trung ương lần thứ nhất đại hội 12 có nói với cử tri rằng việc nhập hai chức danh vào nhau một người làm một lúc hai chức ấy có nhiều quyền quá và không ai giám sát nổi.
Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp điều quan trọng để Việt Nam có thể tiến tới nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước là phải vượt qua nỗi sợ không thể kiểm soát được quyền lực.
Theo ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nguyên tắc của đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm. Nếu thực hiện được nguyên tắc này, Việt Nam sẽ có cơ hội và điều kiện để tiến hành nhất thể hóa. Tuy nhiên đến bao giờ Việt Nam có thể làm được thì không ai có thể đoán trước được.
No comments:
Post a Comment