Monday, May 1, 2017

Việt Nam, một đất nước không có tự do báo chí

Thanh Trúc, RFA 2017-05-01  
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen.
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen.  RFA photo
Tổ chức Freedom House vừa công bố phúc trình thường niên cho thấy nhà nước Việt Nam nắm quyền kiểm soát toàn bộ báo đài, trấn áp truyền thông mạng và biến đất nước thành một nơi không có tự do báo chí.

Xếp thứ 177/198 quốc gia

Việt Nam đứng thứ 177 trong số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí, là nhận định của Freedom House trong phúc trình thường niên công bố tại Newseum - Viện Bảo tàng Tin tức ở Washington DC hôm thứ 28/4/2017.
Như thông lệ, sơ đồ tự do báo chí thế giới của Freedom House năm nay vẫn sử dụng màu xanh lục cho nhóm những nước có tự do, màu vàng cho những nước phần nào được tự do và màu tím là những quốc gia không có tự do.
Việt Nam thuộc nhóm màu tím, tức nhóm các nước không có tự do báo chí so với thế giới cũng như trong khu vực.
Riêng về tự do báo chí của 40 nước vùng Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hàng thứ 37 tức là chỉ hơn được Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn; là 3 quốc gia nằm cuối bảng.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, bà Jennifer Dunham, Giám đốc nghiên cứu về tự do báo chí thế giới trong tổ chức Freedom House, khẳng định:
“Việt Nam thuộc nhóm các nước không có tự do báo chí trong phúc trình 2017 của Freedom House, cũng là quốc gia có nền truyền thông tồi tệ nhất trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung.
Những điều mà Freedom House quan tâm nhất là sự kiểm soát chặt chẽ  và nghiêm khắc của nhà nước Việt Nam đối với truyền thông. Năm 2016 là năm mà chiến dịch đàn áp báo chí độc lập, báo mạng hay báo online đã diễn ra gay gắt hơn lúc nào hết.
Về phần các bloggers thì Freedom House nhận thấy rất nhiều người bị bắt giữ, nhất là trong thời gian có chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, chính phủ đã tìm mọi cách ngăn chận những tin bài hay những tiếng nói độc lập.
Thực tế không có sự tiến bộ nào trong lãnh vực tự do báo chí ở Việt Nam bao năm qua. Điểm sáng duy nhất và khả quan nhất có thể nhìn thấy được và khiến cho Việt Nam khá hơn Lào một chút là nhờ những bloggers đang cố gắng viết và đưa tin tức đến cho mọi người trong khả năng khách quan và trung thực nhất mà họ có thể”.

Vai trò của truyền thông mạng

Truyền thông mạng và báo chí online từ những tổ chức xã hội dân sự, không nằm dưới quyền chỉ đạo của nhà nước Việt Nam, là những sinh hoạt cần thiết trong bối cảnh một đất nước mà báo giới luôn bị kiểm duyệt như ở Việt Nam, là phát biểu của bà Sarah Repucci, giám đốc về thông tin toàn cầu của Freedom House:
“Điều vô cùng quan trọng là các tổ chức đó phải tiếp tục làm công việc đang làm, tiếp tục viết những gì cần phải viết bằng tất cả khả năng và phương tiện của mình để phổ biến rộng rãi cho mọi người, bởi đối với nhiều người khao khát tin tức thì đó là những nguồn thông tin phản ảnh những quan điểm độc lập và không bị bóp méo.
So với những năm trước thì Freedom House vẫn không thấy sự cải thiện đáng kể trong lãnh vực báo chí đang bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam, chí ít là thời gian gần đây cũng không có mấy thay đổi.”
Phúc trình 2017 về tự do báo chí thế giới với tình hình tiêu cực về tự do báo chí ở Việt Nam được Freedom House ở Hoa Kỳ công bố chỉ 2 ngày sau khi có báo cáo hàng năm của Reporteurs Sans Frontieres - Ký giả Không biên giới ở Pháp hôm 26/4, đưa Việt Nam vào danh sách các nước bị bôi đen tức hoàn toàn không có tự do báo chí trong năm 2016.

No comments:

Post a Comment