Mai Hiền Theo VOA-02/05/2017
Buổi sáng 30 tháng Tư của 42 năm trước, trong ngôi nhà trọ sinh viên đường An Dương Vương, Quận 5, tôi nhìn xuống đường. Sự ngột ngạt của chiến tranh gia tăng khủng khiếp từ mấy tháng trước ở thành phố Sài Gòn.
Đêm cũng như ngày, tiếng bom, tiếng súng dội về từ hướng sân bay. Tiếng đạn pháo như xé nát góc trời ngùn ngụt lửa cháy. Đám sinh viên ở trọ đã lo sợ nên về nhà gần hết. Tôi phải ở lại vì còn công việc chưa kết toán ở hãng. Lúc đó tôi là nhân viên tiếp thị của hãng kem đánh răng Perlon, tối mới cắp sách đến trường.
Không khí trên đường phố sáng hôm đó rất khác thường. Người xuôi, kẻ ngược, hối hả. Xe nhà binh giương cờ trắng từng đoàn chạy ngang. Ba lô, giày nhà binh, áo, mũ lính nằm lăn lóc dọc đường.
Chốc chốc, lại có từng đám người đi bộ gồng gánh, tay xách nách mang, không biết họ về đâu mà gương mặt đầy vẻ lo lắng, thất thần. Bà chủ nhà chực chờ bên chiếc Radio từ sáng sớm. Khi nghe tin cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ sập, đài phát tiếng của Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản, tay bà làm dấu Thánh Giá, giọng thảng thốt: “Vậy là mất nước rồi!”
Tôi không cảm nhận được ý nghĩa mất nước trong thái độ hốt hoảng của bà chủ nhà. Việt Cộng, tôi chỉ biết lờ mờ qua những tấm pano tuyên truyền được treo rải rác ở một số đường phố Sài Gòn, vẽ lại buổi đấu tố cải cách ruộng đất ở ngoài miền Bắc: Hình ảnh nông dân tố điền chủ, con tố cha, vợ tố chồng…
Nhưng điều đó cũng chưa làm tôi hình dung được chân dung Việt Cộng. Sự đe dọa của chiến tranh cũng không tác động gì nhiều đến tâm trạng của tôi, một cô gái hai mươi sáu tuổi chỉ biết đi làm, tối đến trường, thì giờ rãnh cùng bạn bè đi cà phê tán dóc. Bà chủ nhà ngồi bệt ở bật cửa thềm nhà, nói trống không với tôi, mắt thẩn thờ: “Năm 54, bỏ hết ruộng vườn tài sản chạy từ Bắc vô Nam trốn Việt Cộng, bây giờ Việt Cộng tràn vào biết đi đâu!”
Tôi không biết an ủi chị thế nào, chỉ ngồi cạnh người phụ nữ vốn vui tính và tốt bụng với đám sinh viên ở trọ.
Công ty tôi sau đó cũng bị tiếp quản trong chiến dịch đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
Ngày tiếp quản, công nhân viên đứng tề tựu, đón chào ban quân quản. Tay tôi bỗng nổi da gà, gáy trở nên lạnh buốt khi thấy một nữ quân nhân (sau đó tôi mới biết bà tên Tuyết Minh) gương mặt nghiêm nghị, lạnh lùng, theo sau bà là đoàn lính khoảng 20 người.
Họ đi trong tiếng nhạc Tiến Quân Ca. Lần đầu tiên, nghe ca từ mà tim tôi đập thình thịch vì nội dung sắt máu của nó: “Thề phanh thây uống máu quân thù / đường vinh quang xây xác quân thù ...”
Sau đó chủ nhà máy phải giao toàn bộ tài sản, gồm máy móc nhà xưởng, chỉ được giữ lại gian nhà đằng sau khu vườn trồng lan để ở. Một chiến dịch cải tạo mang tên X2 tiếp theo không lâu. Gia đình chủ lại phải rời khỏi sở hữu cuối cùng là gian nhà ở của mình.
Công nhân viên chúng tôi bị bắt buộc học lớp chính trị do Ban Quân Quản trực tiếp giảng dạy, gồm một ông trưởng ban người Nam Bộ có giọng nói từ tốn, một ông phó ban Bắc Kỳ vẻ liến thoắng, lanh lợi. Chúng tôi ngồi nghe, há hốc mồm. Những gì các ông nói, vẽ ra một cảnh tượng chưa từng được nghe, thấy: Thiên đường Cộng Sản.
Là một người kém hiểu biết về chính trị, thời cuộc, tôi giống như một tờ giấy trắng, tiếp thu đầy hứng khởi những gì mà hai cán bộ quân quản tuyên truyền trong bài thu hoạch được đặt tên “Đi Về Phía Chân Trời” – Ở chân trời đó, sau khi đã hoàn thành thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa, người lao động như chúng tôi sẽ tiến lên xã hội chủ nghĩa, làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ tập thể nhà máy, không bị chủ bóc lột và cuối cùng là đi vào thiên đường Cộng Sản, tức mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”…
Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu làm thế nào họ đưa chúng tôi lên được chốn thiên đường Muốn gì có nấy đó. Bài thu hoạch đó đã được một anh phóng viên Báo Công Nhân Giải Phóng (Báo Người Lao Động hiện nay) đến phỏng vấn nhà máy, xem và đưa lên báo.
Tôi bước vào nghề báo bằng bài báo đầu tiên chứa đựng cảm xúc thật thà đó. Chỉ vài năm sau, qua những biến động xã hội, mà tôi là nhà báo có dịp tiếp cận thông tin, đường chân trời đẹp đẽ trong tôi dần tan biến.
Tôi cũng không ngạc nhiên khi một hôm gặp anh phó Ban Quân Quản, từng thao thao giảng cho chúng tôi về sự tốt đẹp của chế độ, đem lại sự ấm no cho người dân ngoài Bắc đang đứng ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, thu gom hàng về ngoài đó bán kiếm lời. Xã hội lúc ấy xuất hiện câu vè “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng.” Nhận họ, để mong có sự dễ dãi, nương tay trong chính sách mở ra 150 trại tù, giam hơn một triệu sĩ quan, văn nghệ sĩ… dưới danh nghĩa học tập cải tạo. Nhận hàng: Là những cái truyền hình, quạt máy, xe Honda, vải vóc… phong phú, đầy ắp, choáng ngợp người dân miền Bắc đang thiếu thốn qua nhiều năm dài bế quan tỏa cảng.
Chỉ được ít lâu, miền Nam cũng cạn kiệt vì cơn lốc của hai cuộc cải tạo, rồi hai cuộc đổi tiền, quét qua gần 7,000 xí nghiệp lớn nhỏ, một triệu cửa hàng. Miền Nam bắt đầu cuộc sống tem phiếu, khan hiếm lương thực như miền Bắc!
Thời đó phải nói đến sự nhanh nhạy của người Sài Gòn. Họ chế biến bột mì ra bánh mì và mì sợi bột mì và cao lương cũng được đem ra đổi lấy gạo, thét rồi hình thành chợ trời nhu yếu phẩm. Chợ trời tại Sài Gòn thời ấy cũng trở nên đông đúc vì bổ sung thêm đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, công chức bị đào thải, sĩ quan chế độ cũ vừa học tập cải tạo ra hoặc vợ của sĩ quan kiếm tiền mua đồ thăm chồng ở trại cải tạo hàng tháng .
Tôi cũng gặp lại Khánh Linh, nhỏ bạn học thân thiết thời trung học tại chợ trời thuốc tây trong chợ An Đông. Ôm nhau mừng mừng, tủi tủi, sau mười năm trời không gặp kể từ khi chúng tôi rời khỏi mái trường Phan Bội Châu, Phan Thiết – “Mày làm gì ở đây?” Nó chỉ cái sạp nhỏ trong mấy chục sạp chen chúc nhau bày lủ khủ thuốc tây đủ loại. Chồng nó, giáo sư ở trường đại học Nông Lâm Súc (hiện nay là trường Đại Học Nông Lâm), thất nghiệp vì không được chế độ mới trọng dụng, đang ngồi tìm thuốc cho khách. Nó cũng từng tốt nghiệp trường này trước biến động 30 tháng Tư một tháng. Cầm lá đơn xin việc là con của quận trưởng Phan Thiết, nó bị từ chối ngay ở cái liếc mắt vào sơ yếu lý lịch! Nhà ba má nó cũng bị chính quyền tịch thu vì cái chức Quận Trưởng, tức “nguỵ quyền,” mặc dù ông cụ đã về hưu hơn mười năm trước đó.
Hôm buộc giao nhà, có sự đôi co qua lại, bất thình lình, một thằng cán bộ phường, tuổi khoảng 20, thẳng tay tát ba nó, một ông già đã hơn 70, đứng sững sờ như trời trồng. Vợ chồng bạn tôi vượt biên nhiều lần thất bại vì bị gạt có, bị lộ có, từng bị bắt giam một năm, phải buôn bán thuốc tây kiếm sống và kiếm tiền để tiếp tục vượt biển. Hiện nay vợ chồng nó đã định cư ở Úc.
Ba má của chị dâu tôi, tôi vẫn gọi là dì Ba vì hai gia đình cha mẹ là bạn bè thân thiết, lớn lên kết sui gia, vốn là “hàm hộ” nước mắm nổi tiếng ở Phú Hài, Phan Thiết, thuộc diện phải cải tạo công thương nghiệp, bị tịch thu toàn bộ xưởng sản xuất nước mắm, nhà ở.
Nghe kể, hôm buộc giao nhà xưởng cho chính quyền, vợ chồng dì Ba ra đứng ở một góc đường, nhìn lại rất lâu những gì đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng. Ngôi nhà ít lâu sau được phân cho cán bộ. Xưởng nước mắm Nhà Nước đứng tên, thay bảng hiệu. Một đêm, ông bà lẳng lặng ẳm một cháu nội và một cháu ngoại vượt biển. Ơn trời, chuyến đi trót lọt. Sự may mắn không dễ có, khi hàng vạn người đã bỏ xác ở biển khơi, nơi rừng sâu và các trại tị nạn trong trùng trùng triệu người cố bám vào những con tàu lớn, nhỏ với nỗi khao khát được nhìn thấy chân trời tự do.
Anh chị tôi không đành lòng về thằng con trai nhỏ, mới chừng ấy tuổi đã lìa cha mẹ, lại buồn vì thời thế thay đổi, không còn đất sống, sau khi anh tôi là Sĩ Quan Thiết Giáp từ trại cải tạo về, hai ông bà lại vét những đồng tiền dành dụm, góp cho chủ tàu và liên tục nếm mùi thất bại từ những chuyến vượt biển. Có lần suýt bị bắt, anh chị tôi chạy bán sống bán chết, may nhờ ngư dân Phú Hài chở che, cho ẩn nấp qua đêm. Mãi đến khi giấy bảo lãnh của cha mẹ chị dâu đến San Jose, Bắc California, có hiệu lực thì đã qua 13 năm. Ông bà ngoại qua đời, đứa cháu ngoại bơ vơ, thiếu tình thương gia đình trong một thời gian dài.
Sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội làm cho người dân Việt bình thường như tôi hiểu tường tận về sự thật lịch sử sau bốn mươi hai năm Đảng Cộng Sản cầm quyền. Nhà Văn Dương Thu Hương khi đặt chân đến Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư, đã phải khóc: “Nền văn minh đã thua chế độ man rợ.” Nghệ sĩ Kim Chi sau một thời gian cũng đã hiểu ra: “Đảng nói dzậy mà không phải dzậy.” Còn tôi và những con người từng sống ở miền Nam, từng hít thở không khí của tự do, dân chủ, lại càng thấy rõ sức tàn phá, hủy hoại ghê gớm của Đảng Cộng Sản đối với đất nước này.
Miền Nam với đồng bằng sông Cửu Long, đồng ruộng bát ngát, thẳng cánh cò bay, nông dân no ấm, yên tâm làm chủ mảnh ruộng của mình qua chính sách cải cách điền địa và người cày có ruộng. Hồi đó, tôi nhớ đã được ăn các loại gạo có tên mười hai thứ Nàng dẻo thơm danh tiếng lẫy lừng, bây giờ không còn tìm thấy.
Cũng khẩu hiệu người cày có ruộng, ở miền Bắc, Đảng Cộng Sản chiêu dụ nông dân để giành chiến thắng trong Cách Mạng Tháng Tám, nhưng sau đó nối gót Trung Quốc, thực hiện cuộc đấu tranh giai cấp thảm khốc với cải cách ruộng đất, rồi đất đai thuộc về Sở hữu toàn dân, do Nhà Nước quản lý. Nhà nước là đại địa chủ, chính quyền các cấp có nhiều hình thức “thu tô.”
Sau 30 tháng Tư, nông dân miền Nam cùng chung số phận tá điền của Nhà Nước như miền Bắc. Sự lạc hậu của chính sách kinh tế, quản lý đất đai đã khiến nạn tham nhũng tràn lan, bị Tổ Chức Minh Bạch thế giới xếp thứ hai về nạn tham nhũng ở Châu Á. Chính quyền ngoéo tay với nhà đầu tư dự án, nông dân phải rời ruộng đất với giá đền bù rẻ mạt. Dân oan mất đất, mất ruộng nổi lên khắp nơi, bị công an đàn áp đánh đập.
Tháng tư năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, 6000 nông dân Mỹ Đức, Đồng Tâm, đã thành công bằng sự đoàn kết, bắt tạm giam 30 lính cơ động đến cưỡng chế đất, để đấu tranh với chính quyền đòi sự công bằng về đất đai. Nhưng tiếng bom Đoàn văn Vươn, Tiên Lãng, tiếng súng Đoàn ngọc Viết xả vào đoàn dự án, rồi tự sát, đã không dừng lại. Hàng triệu lá đơn khiếu nại gởi đến chính phủ, trong đó 70% là tranh chấp đất đai…
Văn hào Thomas Hardy đã cảnh báo: Có một trạng thái tồi tệ hơn mù lòa là thấy thứ không thật sự tồn tại . Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác Lê, đã phải thú nhận – đến cuối thế kỷ 21, chưa biết là đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hay chưa!
Nói về kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nguyên Bộ Trưởng Đầu Tư Kế Hoạch, Bùi Quang Vinh, đã phải thốt lên: Làm gì có cái đó mà tìm.
Vậy mà qua bốn thập kỷ, đất nước bị Đảng dẫn dắt đi theo Chủ Nghĩa hoang tưởng đó, để một xứ sở kinh tế phát triển như miền Nam Việt Nam, một Hòn Ngọc Viễn Đông, vốn là niềm mơ ước của các nước trong khu vực, trở nên tụt hậu thê thảm về mọi phương diện: Kinh tế bất ổn, giáo dục loay hoay, lạc thời so với thế giới.
Đất nước có thật sự thống nhất, người dân có yên bình hay không, khi mà đến 30 tháng Tư, Nhà Nước tổ chức cờ xí tung bay, tự hào chiến thắng trong khi lòng dân lo toan thường trực với thực phẩm không an toàn, cá chết vì nước xả thải formosa, phải đối mặt với đạo đức xuống cấp, tội ác lên ngôi, đe dọa sự an toàn của xã hội và hạnh phúc của mọi gia đình.
Phải mất nhiều năm sống trong chế độ Cộng Sản, tôi mới trải nghiệm câu nói của thủ tướng lỗi lạc người Anh, Winston Churchil: Chủ Nghĩa Xã Hội là hệ tư tưởng của sự thất bại, là tiếng kêu của sự ngu dốt, là lời truyền giáo của sự ghen tị; ưu điểm của nó là chia sẻ đồng đều sự nghèo khổ. Nhà báo Tống Văn Công, từ một chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn, 56 năm tuổi Đảng Cộng Sản, sau nhiều lần góp ý cho Đảng, đành bất lực, nói lời chia tay với Đảng và cho rằng “Đảng Cộng Sản chỉ có thể vứt đi chớ không thể cải hóa được.”
Những ngày tháng Tư, nhớ nao nao hình ảnh chị chủ nhà trọ, đôi mắt thẫn thờ, tay làm dấu Thánh Giá, thốt lên, mất nước rồi! Tôi giờ đã hiểu chị.
(Tác giả từng là một nhà báo tại Sài Gòn)
No comments:
Post a Comment