VIỆT NAM (NV) – Đồng bằng sông Cửu Long đang biến dạng vì sạt lở xảy ra liên tục cả trong sông lẫn ngoài biển. Các chuyên gia cảnh báo khu vực này đang phân rã.
Trong khi An Giang đang khốn đốn vì một số dòng sông sạt lở có thể tước đoạt nơi cư trú và sinh kế của khoảng 20.000 gia đình thì có những ghi nhận cho thấy sạt lở không chỉ xảy ra tại các dòng sông ở An Giang…
Theo một phóng sự vừa được đăng trên tờ Thanh Niên thì sạt lở ở đoạn bờ biển chạy dọc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh dữ dội đến mức khó ngờ.
Cách nay vài năm, những mảnh ruộng trồng dưa của dân chúng địa phương vừa kể cách mép biển khoảng nửa cây số. Muốn ra tới biển, phải băng qua một giồng cát trồng dương (phi lao) và một đoạn bãi bồi. Còn vào lúc này, biển đang ngoạm các ruộng dưa.
Bà Lê Thị Kim Định, một người dân địa phương, bảo với phóng viên của tờ Thanh Niên rằng, 15 công đất mà bà Định nhận để trồng dương (phi lao) hồi 1997 đã bị biển nuốt hết vào tháng 3 năm nay. Mới đây, biển ngoạm mất của gia đình bà chừng 2.000 mét vuông ruộng dưa.
Tờ Thanh Niên cho biết, sạt lở đã xóa sạch cánh rừng dương nằm dọc đoạn bờ biển từ Vàm Láng Nước (xã Trường Long Hòa) tới ấp Chợ (xã Hiệp Thạnh) thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sạt lở đã lôi xuống biển nhiều thứ, kể cả nhà cừa, đường sá, cột điện… Chỉ vào một chiếc ghe đánh cá cách bờ hơn một cây số, ông Đoàn Thanh Long, ngụ tại xã Trường Long Hòa, kể rằng, nơi chiếc ghe đang thả lưới là vườn của gia đình ông. Mảnh vườn có diện tích hai héc ta đó đã bị sạt lở xóa sạch mọi vết tích.
Dù đã rất trầm trọng nhưng sạt lở ở thị xã Duyên Hải chưa ngừng, thủy triều ở khu vực này càng ngày càng cao và càng mạnh và dân chúng tuyệt vọng nhìn biển nuốt dần mọi thứ.
Ông Nguyễn Trung Cang, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải, tiết lộ, chỉ riêng mùa gió chướng vừa qua, hai xã Trường Long Hòa và Hiệp Thạnh mấ hàng chục héc ta đất. Cả viên chức lẫn dân chúng địa phương đang chờ… “trung ương” chi tiền làm kè giữ đất.
Ba huyên: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre cũng đang trong tình trạng tương tự như thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Một lão nông tên là Bùi Văn Cầm, cư trú tại cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, bảo với tờ Thanh Niên rằng, chưa năm nào sạt lở lại diễn ra trên diện rộng và nghiêm trọng như hiện nay. Trước kia, mỗi năm biển chỉ xâm thực khoảng 10 mét đến 15 mét, bây giờ, mức độ xâm thực tăng gấp đôi, thậm chí nhiều đoạn bị lở cả 100 mét. Chỉ trong vài năm gần đây, sạt lở đã nuốt hơn 2/5 diện tích cồn Nhàn (diện tích giảm từ 120 héc ta xuống còn chừng 75 héc ta). Còn nếu tính trên phạm vi toàn tỉnh,gần đây, mỗi năm, biển ngoạm mất của Bến Tre khoảng 120 héc ta đất, trong đó có 54 héc ta là rừng bảo vệ bờ biển.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, nhận định, sạt lở bờ biển diễn ra nhanh và mạnh vì “lớp áo giáp” bảo vệ bờ biển khu vực này đang mỏng dần. “Lớp áo giáp” mà ông Thiện đề cập là lượng phù sa từ đồng bằng sông Cửu Long đổ ra biển. Lượng phù sa ấy tạo ra một vùng nước đục, cách bờ chừng 20 cây số. Bởi nặng hơn nước trong, vùng nước đục khiến sóng biển giảm cường độ, hạn chế tác hại.
Ông Thiện cảnh báo, lượng phù sa giảm nhanh và nhiều khiến “lớp áo giáp” mỏng đi, sạt lở gia tăng thì quá trình bồi đắp yếu đi và quá trình tan rã bắt đầu.
Ông Dương Văn Ni, làm việc tại Khoa Môi trường – Tài nguyên thiên nhiên của Đại học Cần Thơ, giải thích thêm, vùng biển tại các cửa sông ở đồng bằng sông Cửu Long tạo ra những thềm cát, chúng giống như một lớp kè dưới chân khu vực này. Vào mùa lũ, cát được cuốn ra, tích tụ ở các cửa sông. Tới mùa gió chướng sóng biển sẽ tái phân phối cát từ các thềm cát. Do tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và việc cho phép khai thác cát quá mức, lượng cát bù đắp giảm dần và sóng biển mạnh hơn nên sạt lở trở thành dữ dội hơn.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, từ 2003 đến 2012, mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 5 cây số vuông đất do sạt lở. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment