Monday, May 22, 2017

Gật, gật nữa, gật mãi…

Thiền Lâm-23-05-2017

(VNTB) - Dù mới chỉ bước vào ngày khai mạc 22/5, nhưng kỳ họp kéo dài hơn 1 tháng của Quốc hội Việt Nam đã rước phải tâm trạng chán ngán mệt mỏi và chỉ trích của nhiều dư luận.


Ngay trước kỳ họp trên, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, hai dự luật tối thiết thân đến quyền dân là Luật Biểu tình và Luật về Hội đã bị Ủy ban Thường vụ quốc hội “đá” khỏi chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và thậm chí cả năm 2018.

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, giới quan chức quốc hội lại nại ra lý do hai dự luật trên “chưa đầy đủ” và bất chợt lên giọng “Quốc hội chỉ thông qua khi dự thảo luật đầy đủ” - như thể Quốc hội luôn là một cơ quan làm việc nghiêm túc và thực sự của dân, do dân, vì dân.

Thế nhưng ai cũng biết nguồn cơn sâu xa dẫn đến sự đình đốn lẫn đổ đốn lâu năm của hai dự luật trên. Luật Biểu tình do Bộ Công an được giao soạn thảo. Bộ Công an lại là tác nhân chính yếu thể hiện vai trò trong các chiến dịch đàn áp biểu tình, dù chỉ là biểu tình dân sinh của những người dân đã đến bước đường cùng. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công an đã nhiều lần xin hoãn luật Biểu tình với đủ thứ lý do có vẻ rất trung thành với đảng nhưng rất đáng bị nghi ngờ về lòng trung hiếu với dân.

Trong khi đó, Luật về Hội cũng mang một số phận hẩm hiu, bởi giới quan chức chỉ nhìn thấy “cánh tay nối dài của đảng” mà chẳng cần biết đến rất nhiều hội đoàn tự phát mà người dân lập ra để phản biện xã hội và phản kháng vô số bất công gây ra bởi chính quyền.

Sự thể tréo ngoe hơn cả là trong khi quay lưng với Luật Biểu tình và Luật về Hội, Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân lại sẵn sàng, theo đề nghị của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đưa vào chương trình xây dựng luật ngay trong năm 2017 một dự thảo luật đặc biệt về “thuế bảo vệ môi trường”, trong đó nổi bật là mưu toan tăng thuế xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít để giáng vào đầu dân.

Tuy nhiên, kỳ họp lần này của Quốc hội Việt Nam cũng đến nỗi quá nhàm chán. Lần đầu tiên, cơ quan dân cử tối cao này được Chính phủ đề nghị thông qua một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Tình hình đang chờ chực đổ vỡ. Suốt 6 năm qua kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát lệnh xử ý nợ xấu, loại nợ này chỉ có tiến không lùi. Sau hơn 3 năm được thành lập, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã gần như chưa xử lý được một khoản nợ xấu đáng kể nào. Còn “thành tích” mà đời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên rao là đã kéo nợ xấu về dưới 3% thì mới đây đã được người thay thế Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng - cho biết tỷ lệ nợ xấu thực chất lên đến hơn 10%...

Vậy Quốc hội sẽ làm gì để “xử lý nợ xấu”? Liệu một bản nghị quyết của cơ quan này - tiếp theo căn bệnh nghị quyết khó cứu chữa của đảng - có làm biến mất khối nợ xấu khổng lồ?

Sự thật khôi hài nhưng đáng tủi hổ là ngay cả với bản nghị quyết xử lý nợ xấu, Quốc hội cũng không tự sáng tác được mà phải để các cơ quan của Chính phủ dự thảo. Thế thì Quốc hội - cơ quan ăn thuế của dân, có chức năng soạn thảo các văn bản pháp luật - ngồi đó để là gì?

Gật, gật nữa, gật mãi?

No comments:

Post a Comment