SÀI GÒN (NV) – Vụ lùm sùm nhà cầm quyền Việt Nam cấm 5 ca khúc “trước 1975” đang có sự xoay chiều bất ngờ sau khi chính ông Phó Thủ Tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu cơ quan chức năng quản lý văn hóa không được tùy tiện ra lệnh cấm, theo tờ Tuổi Trẻ.
Trước đó, tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cấm nhạc vàng lầm sang nhạc đỏ đã gây ra những màn hài hước khiến dư luận trên mạng xã hội đàm tiếu.
Truyền thông tại Việt Nam loan tin, “Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch Việt Nam vừa mới ra công văn số 1575/BVHTTDL-VP yêu cầu Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thu hồi quyết định số 20/QÐ – NTBD ký ngày 22 Tháng Ba 2017 về việc tạm dừng lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc: Cánh Thiệp Ðầu Xuân (tác giả Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng Xưa (tác giả Lam Phương), Chuyện Buồn Ngày Xuân (tác giả Lam Phương), Con Ðường Xưa Em Ði (tác giả Châu Kỳ-Hồ Ðình Phương) và Ðừng Gọi Anh Bằng Chú (tác giả Diên An).”
Vấn đề đặt ra là sự “gỡ bỏ” lệnh cấm chỉ thực thi với năm ca khúc này, còn hàng ngàn ca khúc khác sáng tác trước 1975 thì sao? Và rộng hơn, sinh mệnh của kho di sản văn hóa trên các lĩnh vực: văn chương, mỹ thuật, điện ảnh, nghiên cứu xuất hiện trước 1975 thì sao? Câu trả lời là tất cả phải xếp hàng chờ được cấp phép, kiểm duyệt mới có thể đến với công chúng hôm nay?
Rõ ràng như thế. Trong các thư viện nhà nước tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn những kho sách hạn chế. Việc tiếp cận những kho tài liệu này vô cùng nhiêu khê, đòi hỏi người có nhu cầu khảo cứu phải có giấy phép từ cơ quan quản lý cấp trên thư viện đó. Việc sao lục, sao chép lại theo những nguyên tắc quy định ngặt nghèo. Trong lĩnh vực văn học, việc giới thiệu trở lại những tác giả đô thị miền Nam trước 1975 thường phải qua các khâu kiểm duyệt của cơ quan cấp phép xuất bản thực hiện với một thái độ dè chừng, khắt khe.
Việc truy xét tiểu sử, lý lịch, nhân thân tác giả – di chứng của một nền phê bình tiểu sử – vẫn cho đến hôm nay vẫn còn nặng nề. Chính vì thế không phải tác phẩm của tác giả “trước 1975” nào cũng có thể xuất hiện trở lại một cách êm xuôi.
Ðã có trường hợp, như Dương Nghiễm Mậu, mặc dù tác giả vẫn sống tại Sài Gòn nhưng vì có lý lịch là “nhà văn Sài Gòn trước 1975” nên khi sách được một công ty xuất bản in xong, lập tức bị thu hồi.
Nhà văn Võ Phiến, cho đến nay, các sách của ông được in lại ở Việt Nam vẫn với bút danh “Tràng Thiên,” chưa bao giờ công khai đứng tên Võ Phiến trên bìa sách, v.v…
Vẫn còn những vùng bị phủ đậy, vùi lấp cho nên việc xác định về văn học sử, lịch sử nghệ thuật cho đến giai đoạn này là vô cùng khó khăn. “Bảy lăm” lẽ ra là một kiện chính trị, thì đối với nhà quản lý văn hóa tại Việt Nam, lại đã trở thành một dấu mốc phân chia giới tuyến văn hóa và ý thức hệ để hệ thống kiểm duyệt vươn tay khống chế đối với di sản, đời sống tự nhiên của văn hóa cộng đồng. Chính điều này cũng góp phần làm cho giá trị sáng tạo vốn đã nghèo nàn càng trở nên nghèo nàn hơn do đứt gãy với quá khứ, thiếu tính kế thừa.
Sau khi vòng “kim cô” gắn lên 5 ca khúc nêu trên được “gỡ,” trên một tờ báo lớn trong nước đã có ý kiến đề xuất cơ quan quản lý văn hóa nên lập kênh tiếp nhận, nhanh chóng thu thập thông tin và cấp phép nhanh chóng có các ca khúc trước 1975. Và trong khuôn khổ, não trạng truyền thông chính thống, vấn đề chỉ có thể được đặt ra đến mức độ như thế – “đấu tranh để các ca khúc trước 1975 được cấp phép trở lại.”
Trong khi đó, một điều kiện sáng tạo lành mạnh lại cần một mệnh lệnh lớn hơn: phải đạp bỏ những quy định kiểm soát, xin-cho áp đặt đầy ấu trĩ và vô lý đó để trả văn hóa, nghệ thuật trở về đúng bản chất – thuộc về cộng đồng, do cộng đồng quyết định sự sống còn trên nguyên tắc giá trị chứ không ai được phép dùng ý chí, quyền thế để cầm buộc hay cấp phép lưu hành.
Sợ hãi những giá trị lịch sử, coi di sản như kẻ thù, đó chính là biểu hiện cho thấy sự yếu kém, suy đồi và lung lay của nhà cầm quyền hiện tại. Trong đời sống sinh hoạt văn hóa, điều này đang ngày càng được phơi bày!
No comments:
Post a Comment