HÀ NỘI (NV) – Dân chúng xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức vẫn tử thủ, không phóng thích khoảng 30 con tin gồm: Cảnh sát cơ động, công an địa phương và một số viên chức tham gia cưỡng chế, thu hồi đất.
Song song với chuyện công an thành phố Hà Nội khởi tố “vụ án ‘Gây rối trật tự công cộng’ xảy ra ở xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức” và vây kín khu vực có khoảng 6,000 dân này, chính quyền thành phố Hà Nội phát lời kêu gọi dân chúng xã Ðồng Tâm “tỉnh táo, bình tĩnh, hợp tác với các cơ quan chức năng, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật, đồng thời, kêu gọi những người đang giam giữ cán bộ và chiến sĩ công an trái pháp luật lập tức thả người, đảm bảo an toàn tính mạng cho những người đang thực thi nhiệm vụ, chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật.”
Hệ thống công quyền kích động nổi loạn
Tuy nhiên những thông tin mới được bạch hóa cho thấy, “đối tượng xấu lợi dụng, kích động” khiến bạo động bùng phát (rào làng, bắt giữ cảnh sát cơ động, công an và viên chức địa phương, đòi phóng thích những người bị bắt giữ trái phép) hôm 16 Tháng Tư lại là các viên chức từ xã, huyện đến thành phố Hà Nội. Tuy dân chúng đã cung cấp hàng loạt bằng chứng cho thấy hàng loạt viên chức “vi phạm pháp luật” nhưng thay vì giải quyết tố cáo của dân chúng, chính quyền thành phố Hà Nội lại tổ chức trấn áp. Vụ nổi loạn là do “tức nước, vỡ bờ.”
Hôm 17 Tháng Tư, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau một video clip, ghi lại cuộc trao đổi giữa một cụ ông với nhiều viên chức, sĩ quan quân đội và phóng viên, giải thích tại sao dân chúng xã Ðồng Tâm lại chống việc “cưỡng chế, thu hồi đất quốc phòng.”
Trong video clip dài 16 phút này, cụ ông vừa kể cho biết, dân xã Ðồng Tâm chịu nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường: Thập niên 1960, xã Ðồng Tâm mất 300 héc ta đất vì chính quyền Việt Nam muốn xây dựng một trường bắn (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Ðồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì chính quyền Việt Nam muốn xây thêm một phi trường quân sự tại đó (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Ðồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ Ðoàn 28 thuộc quân chủng Phòng Không-Không Quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ Ðoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó đến nay.
Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Ðồng Tâm chưa bao giờ chiếm dụng “đất quốc phòng” dù xét về nguồn gốc, “đất quốc phòng” chính là đất của họ và thu hồi xong, chính quyền để hoang, không thực hiện bất kỳ “dự án an ninh, quốc phòng” nào, thậm chí còn “phát canh, thu tô.”
Ðáng lưu ý là năm 2007, Lữ Ðoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 héc ta trong số 54 héc ta từng bị trưng dụng cho chính quyền huyện Mỹ Ðức. Lữ Ðoàn 28 chỉ giữ lại 47.3 héc ta đất đã trưng dụng của xã Ðồng Tâm. Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Ðồng Tâm không hề đòi hay đụng đến 47.3 héc ta đang nằm dưới quyền kiểm soát. Họ chỉ khiếu nại, đòi công bằng đối với việc sử dụng 6.78 héc ta đã được Lữ Ðoàn 28 giao lại.
Ðường vào xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức ngày 17 Tháng Tư. (Hình: Lê Văn Luân)
Mảnh đất diện tích 6.78 héc ta này đã được chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được cụ ông hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6.78 héc ta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí,…
Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Ðồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 héc ta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Trong video clip, cụ ông nêu ra hàng loạt thắc mắc. Tại sao lại xác định 6.78 héc ta ấy là “đất quốc phòng” khi Lữ Ðoàn 28 đã tổ chức giao lại từ năm 2007? Nếu 6.78 héc ta đất này là “đất quốc phòng,” tại sao Bộ Quốc Phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi”? “Cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?…
Cũng theo lời cụ ông, chính quyền thành phố Hà Nội đã từng tổ chức “cưỡng chế, thu hồi” 6.78 héc ta “đất quốc phòng” hôm 14 Tháng Mười năm 2016. Tuy nhiên 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Ðồng Tâm phản ứng quyết liệt.
No comments:
Post a Comment