Thursday, March 23, 2017

Việt Nam: ‘Một xã có tới 600 người ghi tên học nghề… hoạn lợn’

Công nhân Việt Nam làm việc tại một cơ xưởng ở Malaysia (Hình: loadongngoianuoc.vn)
HÀ NỘI (NV) – Cuộc họp phối hợp giữa hai bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn hôm Thứ Năm 23/3/2017 về chương trình “đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn” có tình trạng bi hài như thế, điển hình cho việc tiêu tiền ngân sách nhà nước.
Theo tường thuật của báo Giáo Dục Việt Nam, “Hai ngành Lao Động – Thương Binh – Xã Hội và Nộng nghiệp và Phát Triển Nông Thôn vẫn lúng túng, chưa xác định được việc nào thì ngành nào làm, cộng thêm một số vướng mắc khác về vốn, cơ chế chính sách nên hiệu quả đào tạo nghề vẫn chưa cao.
Báo này dẫn lại lời ông bộ trưởng Lao Động – Thương Binh – Xã Hội là Đào Ngọc Dung “chua chát” nói “việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua có một số nơi vẫn chỉ là đánh trống ghi tên để lĩnh tiền chế độ. Vì thế mới có chuyện một xã mà có tới 600 lao động ghi tên học nghề…hoạn lợn”.
Nhà cầm quyền CSVN lập ra đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2016 – 2020 với tham vọng đào tạo nghề cho 5.5 triệu lao động nông thôn, trong đó 1.4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4.1 triệu người học nghề phi nông nghiệp.
Dự trù “việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3.84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn”.
Việt Nam: 'Một xã có tới 600 người ghi tên học nghề… hoạn lợn'
Cuộc họp ngày 23/3/2017 về dạy nghề cho dân nông thôn của hai Bộ Lao Động -Thương Binh – Xã Hội, và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn. (Hình: Tuổi Trẻ)
Kế hoạch thì như vậy nhưng một số viên chức của các địa phương tham dự cuộc họp nêu ra những con số chứng minh sự thất bại của chương trình.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang kêu rằng “việc các lớp mở ra xong, lao động học xong thì địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận lao động, học nghề xong vẫn chẳng có việc. Vì thế có những huyện mỗi năm vẫn có đến 4,000 – 5,000 lao động bỏ sang bên kia biên giới để kiếm việc làm.”
Ngày 29 Tháng Mười Hai 2016, báo của tỉnh Nghệ An cho hay, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Nam Đàn , được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng, là nơi đào tạo nghề cho con em người địa phương. Thế nhưng, sau 3 năm hoàn thành, công trình vẫn đang bỏ hoang.
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 5 Tháng Mười 2015, cơ sở dạy nghề cho nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc đặt tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, bị biến thành trung tâm ăn nghỉ, tắm khoáng nóng, cho thuê phòng ngủ như khách sạn.
Vẫn theo bản tin này của Tuổi Trẻ, tòa nhà 5 tầng cao sừng sững là cơ sở dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân của tỉnh Long An đặt tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, đã biến thành “Nhóm trẻ mầm non tư thục Tân Kim”. Còn tòa nhà cao sáu tầng vốn là cơ sở dạy nghề khu vực Bắc Trung bộ (đặt tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) từ lâu đã được trưng biển “Nhà khách TW Hội Nông dân Việt Nam” chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng nghỉ.
hưa hết, tờ Tuổi Trẻ cho biết thêm rằng “Nhân sự của cơ sở miền Trung và Tây nguyên (dạy nghề cho nông dân) tại Đà Nẵng chỉ có hai người, một phó giám đốc, một nhân viên. Hiện tại các phòng chức năng của cơ sở dạy nghề này đều đóng kín cửa, bỏ không, bụi phủ đầy, phân chim bám đầy các lối đi. Riêng khu nhà chính cao bốn tầng đang phục vụ cho một xưởng may của Công ty TNHH Hải Hoàng Khang.”
Một năm trước, báo VNExpress ngày 2/3/2016 loan tin “Hoạn lợn là một trong bốn nghề thuộc chuyên ngành nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu đưa vào hội thi tay nghề.’ (TN)

No comments:

Post a Comment