Tuesday, March 28, 2017

Quảng Nam: Hơn 40 năm bỏ mặc dân nghèo sống cảnh lụy đò

Hàng ngày, người dân và các em học sinh phải đi lại trên con đò cũ kỹ. (Hình: Báo Pháp Luật Sài Gòn)
QUẢNG NAM (NV) – Hơn 40 năm, thời gian đủ để thay đổi cả một vùng đất. Thế nhưng, đối với hàng trăm gia đình người dân sống dựa vào sông Vu Gia chỉ mong có một chiếc cầu nối đôi bờ nhưng vẫn chỉ là mơ ước.
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, ngày 27 Tháng Ba, xã Ðại Sơn, huyện Ðại Lộc, có 7 thôn thì tới bốn thôn gồm: Tân Ðợi, Ðồng Chàm, Tam Hiệp, Ðầu Gò ở bên kia sông Vu Gia, với hơn 300 hộ, khoảng 1,500 nhân khẩu. Nơi này từng được biết đến là vùng đất “4 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm và hiện tại người dân “ốc đảo“này vẫn không biết đến khi nào mới thoát cảnh lụy đò.
Bà Nguyễn Thị Cánh (63 tuổi), người cả đời chứng kiến sự thất thường của con nước dòng Vu Gia cho hay, không ai biết bến đò Tân Ðợi này có từ bao giờ, chỉ biết cuộc sống của người dân hai bên bờ phải dựa hoàn toàn vào nó. Trung bình, một người cùng xe máy mất 10,000 đồng cho một lượt qua lại.
“Một ngày tôi đi qua bến đò này 4 lần, làm cả tháng cũng chỉ đủ đi đò. Mùa Hè nước sông hiền hòa vậy chứ đến mùa mưa, con nước từ các lòng hồ thủy điện đổ về dâng lên 5-7 mét, người dân sống bên kia dòng Vu Gia bị cô lập hoàn toàn,” bà Cánh nói.
Còn bà Trần Thị Ngọc Dung (41 tuổi), người có hơn 7 năm buôn bán tại bến đò Tân Ðợi thì cho hay, vào mùa mưa gió, khi nước sông dâng lên cao, mọi hoạt động sản xuất, học tập của trẻ em đều dừng lại. “Không biết bao giờ người dân mới hết cảnh khổ sở vì không có cầu. Chứ hiện giờ vẫn còn đó nỗi lo cảnh đò đầy sông sâu, lo tính mạng của mình không biết khi nào sẽ chìm theo những con đò cũ kỹ,” bà Dung tâm sự.
Trong khi đó, ông Dương Thanh Ka (40 tuổi), chủ đò tại bến Tân Ðợi cho biết, ông phải dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày để đưa đón bà con qua lại đi làm. Ðến 8 giờ tối mới được về với gia đình nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tới tháng đi thu tiền đò, nhìn hoàn cảnh gia đình của nhiều nhà, ông cảm thấy ngại ngùng đến mức không dám thu.
Nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Ngô Vinh, chủ tịch xã Ðại Sơn cho hay, đầu năm 2017 đã có đoàn do hội đồng tỉnh cùng đủ cơ quan chức năng về khảo sát nhưng thời gian cụ thể để xây cầu vẫn chưa biết đến bao giờ.
“Cứ có buổi họp là người dân lại bàn đến việc xin xây cầu để yên tâm sinh sống, đi lại. Xã đã có kiến nghị lên huyện, huyện đã gửi lên tỉnh nhưng đến nay đã hơn 40 năm rồi vẫn chưa có cầu,” ông Vinh chán nản nói. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment