BÀ RỊA-VŨNG TÀU (NV) – Sắc độ của nước trong hồ có diện tích 10 héc ta ở thôn Cát Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, càng ngày càng đậm. Không chỉ hồ mà nước sông Chà Và cạnh đó cũng được nhuộm tím.
Ông Trần Ðình Khoa, một phó chủ tịch của Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa tuyên bố sẽ “đề nghị” chính quyền tỉnh này “có biện pháp mạnh mẽ hơn” với các nhà máy ở khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Trong cuộc trò chuyện với tờ Người Lao Ðộng, nhân vật này hứa sẽ “đề xuất” với chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đóng cửa các nhà máy “cố tình xâm phạm môi trường.”
Những tuyên bố, hứa hẹn như thế chẳng có gì mới, cách nay hai năm, chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã từng…
Khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tới 22 nhà máy chế biến hải sản và sản xuất bột cá và 2/3 số nhà máy này xả nước thải thẳng vào cống số 6. Nước từ cống số 6 chảy ra sông Rạch Ván rồi đổ vào sông Chà Và. Ðó là lý do, thỉnh thoảng cá nuôi trong bè ở khu vực quanh đó chết sạch.
Ðầu Tháng Chín năm 2015, đủ loại cá được nuôi trong các bè trên sông Chà Và, thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu tiếp tục chết sạch. Nhiều gia đình trắng tay. Có gia đình mất trắng cả tỉ đồng.
Lần đó, thay vì kêu cứu, sáng ngày 6 Tháng Chín năm 2015, các nạn nhân đã mang toàn bộ số cá bị chết đem đến đổ trước cổng các nhà máy chế biến hải sản. Sang ngày 7 Tháng Chín năm 2015, các nạn nhân tiếp tục chở cá chết đến trụ sở chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, yêu cầu gặp chủ tịch tỉnh. Họ nhấn mạnh là chuyện oằn lưng gánh ô nhiễm đã quá sức chịu đựng, đồng thời đã cùng đường…
Trước sự phản kháng hết sức dữ dội của dân chúng, Sở Tài Nguyên-Môi Trường và Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vội vàng cử người xuống hiện trường ghi nhận sự việc và lấy mẫu nước đem đi xét nghiệm.
Vào thời điểm ấy, bà Trương Thị Hường, một phó chủ tịch của thành phố Vũng Tàu, xác nhận với báo giới, riêng năm 2014, thiệt hại do cá nuôi trong các bè ở xã Long Sơn thỉnh thoảng lại chết hàng loạt đã hơn 100 tỉ nhưng giới hữu trách hành động không làm gì cả. Bà Hường đề nghị cần phải truy tìm và xác định thủ phạm gây ô nhiễm để buộc phải bồi thường cho các nạn nhân và chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần có chính sách hỗ trợ các nạn nhân.
Ðể khỏi phải tổ chức dọn dẹp cá chết trước nơi làm việc của mình, chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin lỗi các nạn nhân và hứa sẽ có hành động ngay để giải quyết-ngăn ngừa ô nhiễm.
Thông báo sau đó của chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sẽ chỉ cho những nhà máy có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải hoạt động. Trong thực tế, không có nhà máy nào ngưng hoạt động!
Khu vực xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có một hồ chứa nước tọa lạc ở thôn Cát Hải để tích nước ngăn lũ vào mùa mưa, ngăn nước biển xâm nhập vào ruộng vườn trong mùa khô. Từ Tháng Chín năm 2015, sau khi chủ tịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết giải quyết-ngăn ngừa ô nhiễm, nước trong hồ thường có màu hồng vào đầu mùa khô, đến giữa mùa khô chuyển thành màu tím, sang mùa mưa thì có màu đen. Trong ba tuần gần đây, mức độ ô nhiễm đột nhiên trở thành trầm trọng hơn.
Tờ Người Lao Ðộng mô tả, ngoài chuyện mùi hôi nồng nặc, người lạ có thể cảm nhận ngay mức độ ô nhiễm khi mắt đau, cổ họng rát và da ngứa ngáy.
Màu tím của nước giờ đã loang ra sông Rạch Ván và sông Chà Và. Lần này, chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng… chưa làm gì.
Ông Khoa thừa nhận, các doanh nghiệp có nhà máy ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành không đáp ứng yêu cầu về xử lý nước thải và phê phán những doanh nghiệp này “vô cảm.” Không thấy ông đề cập đến mức độ mẫn cảm của bí thư, chủ tịch và các viên chức hữu trách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thế nào. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment