Anh Văn-18-20-2017
(VNTB) - Nghĩa vụ quân sự giờ đây chỉ dành cho con nhà nghèo – dân tộc thiểu số và những con em đảng viên, nhà giàu được “cơ cấu”. Hai đối tượng hoàn toàn khác nhau về lý tưởng, con đường, mặc dù cùng mang mác “tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc”. Và “con quan lại được làm quan, con sãi ở chùa lại quét lá đa” tiếp diễn như một trò đùa của chế độ.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong thực hiện nghĩa vụ quân sự Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Quan điểm trên được trích từ Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, điều đó cho thấy rằng, thời kỳ nào nhà nước Việt Nam vẫn đề cao việc giữ gìn thành quả hòa bình bằng sự chuẩn bị cho chiến tranh.
Tuy nhiên, khi xã hội bắt đầu phát triển đi lên, thì nghĩa vụ quân sự lại là một phép thử cho nhiều tầng lớp xã hội.
Năm 2014, báo chí nhà nước lên tiếng về trường hợp “nhà nghèo chen chân” trong khi nhà giàu tìm mọi cách trốn trách nghĩa vụ. Theo đó, những gia đình có điều kiện thường tìm cách lách nghĩa vụ bằng việc đi làm ăn kinh tế, du học nước nghèo hoặc giả bệnh. Thực trạng này khiến cho ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vào tháng 5/2015 đã phải lên tiếng rằng, nghĩa vụ vinh quang này giờ chỉ áp dụng cho con nhà nghèo hoặc con em đồng bào dân tộc ít người, còn con em “cán bộ, đảng viên, con nhà giàu” thì né tránh. Điều này hoàn toàn trái ngược với “nghĩa vụ công an”.
Thỉnh thoảng, một vài thông tin tưởng chừng là “sáng” nổi bật lên như: công tử Hà thành làm lính đảo Trường Sa. Theo đó, một du học sinh 7 năm ở New Zealand và Australia trở về và viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đây chắc hẳn sẽ là “tấm gương” cho nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ, nếu như sau đó, báo Petrotimes không bóc ra lai lịch của anh chàng thanh niên gương mẫu này, thực ra chỉ là “cậu ấm” của đại gia buôn bán sắt vụn Nguyễn Quốc Thanh ngày đêm “chơi bời, quậy phá, trước lúc ra đảo chủ yếu ăn chơi, lên sàn.” Việc cho “ra đảo” là ý của bố mẹ “cậu ấm” nhằm rèn cho cậu bớt quậy, nhưng không ai ngờ, “cậy” thế gia đình, tại Trường Sa lớn – cậu tiếp tục “uống rượu say, quậy phá, cất giấu rượu.”
Còn riêng trong đợt nhập ngũ tháng 2/2017 này, báo chí lên tiếng hai trường hợp nữ “tình nguyện viết đơn nhập ngũ”, dù đã có bằng đại học loại giỏi. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, cả hai nữ này đều có bố mẹ phục vụ trong hàng ngũ quân đội. Đối với bạn nữ Thùy Linh (Thanh Hóa) thì bố là trung tá Lê Văn Hiền - Trợ lý Quân lực, Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Sơn (Thanh Hóa); mẹ là Thiếu tá Lê Thị Lý - nhân viên Ban Thanh tra Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Còn Nữ tân binh Phương Thảo (Sóc Trăng) thì có bố mang hàm tá - công tác tại một đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9.
Nếu nói thẳng ra, cả hai nữ sinh này đều được ưu tiên tuyển quân để cơ cấu về sau (lên quân nhân chuyên nghiệp), với phương cách này vừa đảm bảo suất (thay vì thi chính quy khó hơn rất nhiều), vừa đảm bảo nêu cao tinh thần cách mạng. Cần biết rằng, nhà nước Việt Nam luôn ưu ái chính sách đặc hữu cho quân nhân và công an, vì đây ngày càng trở nên cần thiết trong đảm bảo sự tồn tại của chế độ.
Như vậy, những câu chuyện nêu trên vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Nó trở thành một “nét truyền thống” của chế độ, “vinh quang” của nghĩa vụ quân sự giờ đây chỉ dành cho con nhà nghèo – dân tộc thiểu số và những con em đảng viên, nhà giàu được “cơ cấu”. Hai đối tượng hoàn toàn khác nhau về lý tưởng, con đường, mặc dù cùng mang mác “tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc”. Và “con quan lại được làm quan, con sãi ở chùa lại quét lá đa” tiếp diễn như một trò đùa của chế độ.
No comments:
Post a Comment