BẮC KINH (NV) – Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Hai 2016, nhà cầm quyền Bắc Kinh đòi Hà Nội xin lỗi vì một người Trung Quốc bị Biên Phòng của Việt Nam tại cửa khẩu Móng Cái đánh đập vì “không đưa hối lộ.”
Vụ việc phía Việt Nam giải thích khác, phía Bắc Kinh thông tin một cách khác nên các mạng xã hội ở Trung Quốc dấy lên sự tức giận.
Chỉ mới một tháng trước, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, họp hành vui vẻ với Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đưa ra một bản thông cáo chung, ca ngợi mối quan hệ khắng khít giữa hai nước Cộng Sản và cam kết “tiếp tục kiên trì phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần “’láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”’
Tuần trước, Tân Hoa Xã thuật lại lời của một người chỉ cho biết họ là Xie hôm Thứ Bảy nói rằng ông ta đã bị một nhóm 8 người mặc thường phục đánh đập ở cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) sau khi ông ta không chịu đưa tiền hối lộ.
Giám đốc Sở Lãnh Sự của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã có một “buổi hẹn đặc biệt” vào ngày Thứ Năm với đại sứ của Việt Nam để “một lần nữa bày tỏ lập trường cứng rắn” của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Cảnh Sảng nói, “Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân, trừng phạt nặng những kẻ tham gia (hành hung) và có các biện pháp hiệu quả để bảo đảm một việc như thế sẽ không xảy ra nữa.”
Ông này nói thêm rằng phía Việt Nam đã đình chỉ công tác đối với 8 người đó. Hôm Thứ Tư, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi điện thư cho hãng thông tấn Reuters nói rằng họ làm rõ thông tin về vụ việc xảy ra ở cửa khẩu Móng Cái do phía Trung Quốc đưa ra cũng như “giải quyết vấn đề theo bản chất của vụ việc.”
Trong cuộc phỏng vấn của chương trình phát thanh BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND thành phố Móng Cái quả quyết chuyện công dân Trung Quốc bị đánh đập ở cửa khẩu “chắc chắn là không có.”
Theo BBC thuật lại lời ông Dũng cho biết thì người đàn ông này (Xie) khi vào Việt Nam đã không mua vé dịch vụ cửa khẩu. Khi được nhắc nhở tại cửa khẩu, người này đã lấy điện thoại gọi điện cho Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và chạy ra ngoài.
Anh ta đã có “hoạt động không hợp tác” và phải mất khá nhiều thời gian cán bộ biên phòng mới đưa được anh ta vào một phòng làm việc ở tầng hai của tòa nhà Ban Quản Lý cửa khẩu Móng Cái, theo ông Nguyễn Tiến Dũng nói với BBC.
Xie, cùng với mẹ và hôn thê, trở về Trung Quốc sau một chuyến qua Việt Nam đã được chuẩn bị để chụp hình trước cho đám cưới tại một địa điểm. Người phụ nữ hôn thê tên là Xiao Li nói với Tân Hoa Xã là chị ta và bà mẹ cố ngăn cản vụ đánh đập và quay video vụ việc, nhưng đã bị kềm chế và điện thoại bị tịch thu.
Hình ảnh Xie với các dấu tích bị thương nằm trong bệnh viện đã phổ biến lan tràn trên Internet dẫn đến những lời kêu gọi người Trung Quốc trả thù nhắm vào Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2016, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam đưa ra các con số nói lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 2.7 triệu người, tăng hơn 51% so với năm 2015 và chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng làm tăng nguồn thu cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy khó lường cho những người hoạt động trong ngành du lịch.
Từng có nhiều tin du khách Trung Quốc quậy phá, ngang ngược, đốt tiền Việt Nam, ngông nghênh coi thường công an hay nhà cầm quyền CSVN. Thỉnh thoảng thấy có tin hành khách người Trung Quốc bị bắt quả tăng ăn cắp tiền bạc và đồ đạc của người khác trên máy bay tại Việt Nam. (TN)
No comments:
Post a Comment