Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu vụ trưởng Vụ thống kê của Liên Hiệp Quốc, vừa tung ra một số liệu “khủng khiếp” ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn: nợ công quốc gia của Việt Nam đã lên tới 210% GDP!
Vào năm 2011, Tiến sĩ Vũ Quang Việt đã từng nêu ra một số dẫn chứng có cơ sở để chứng minh rằng, nợ công việt Nam về thực chất đã tăng đến 106% GDP, nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Vào thời điểm đó, con số báo cáo của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về nợ công quốc gia chỉ vào khoảng 50% GDP.
Mãi đến gần đây, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới lấp ló thừa nhận nợ công đã sát trần cho phép (mà về thực chất là sát ngưỡng nguy hiểm theo tiêu chí quốc tế là 65% GDP). Vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc bất chợt thú nhận “nếu tính đủ thì nợ công đã vượt trần”.
Nhưng không chỉ vượt trần, mà nợ công trong thực tế đã vượt trần từ lâu, và vượt rất xa.
Theo phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nợ của doanh nghiệp nhà nước cho thấy toàn cảnh khoảng 3,200 doanh nghiệp với số nợ theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4.9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1.5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Từ năm 2011, ngay một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh đã phải thừa nhận nợ công đã lên đến 98% GDP.
Còn vào năm 2016, một chuyên nhà nước khác là ông Lê Đăng Doanh đã nói thẳng rằng nếu tính đủ thì nợ công Việt Nam phải lên đến 110% GDP.
Tỷ lệ nợ công trên của Việt Nam lại rất “đồng chí” và “đồng cảm” với người anh em Trung cộng. Vào tháng Tư năm 2016, tờ Financial Times đã cho biết tỷ lệ nợ công của Trung cộng đã lên đến 237% GDP, tức vào khoảng 25 ngàn tỷ USD.
Đáng nói là với con số nợ công đến 25 ngàn tỷ USD như thế, dự trữ ngoại hối của Trung cộng chỉ có 3 ngàn tỷ USD (mới đây đã rớt xuống dưới 3 ngàn tỷ USD), hoàn toàn không thể bù đắp gánh nặng nợ công nếu khủng hoảng nợ công bùng nổ.
Trong khi đó, dù có tỷ lệ nợ công quốc gia gần ngang bằng với Trung cộng, nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp hơn nhiều (40 tỷ USD) theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Nhưng tổ chức này cho tới nay vẫn hoàn toàn không minh bạch về cơ cấu dự trữ ngoại hối như bao nhiêu trái phiếu quốc tế, bao nhiêu vàng, bao nhiêu SDR, bao nhiêu USD và ngoại tệ khác…
Thế còn ngân sách thì thế nào?
Một phân tích khác của Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho thấy trong các loại nợ, đặc biệt là nợ chính phủ ngày càng tăng là do chi ngân sách ngày càng tăng, đưa đến thiếu hụt ngân sách lớn, khoảng 5-6% GDP một năm. Thông tin trong quá khứ cho thấy thường tỷ lệ chi ngân sách vượt nghị quyết của Quốc hội 30-40% mà tới hai năm sau mới biết. Như thế, khả năng kiểm soát chi gần như không có.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt đưa ra các phân tích trong bối cảnh Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Quản lý nợ công. Tuy nhiên, bộ này vẫn không chịu thừa nhận nợ công quốc gia bao gồm cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước – như một tiêu chí bắt buộc của Liên Hiệp Quốc.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment