VIỆT NAM (NV) – Ðó là số liệu được tổng hợp qua các cuộc khảo sát dân số từ 2004 đến 2014. Dẫu con số này làm nhiều người bàng hoàng nhưng nó được xem là chưa thấm vào đâu so với thực tế.
Dân chúng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang lũ lượt bỏ xứ tha hương. Khu vực vốn được xem là màu mỡ, trù phú nhất Việt Nam càng ngày càng thưa thớt vì nông dân không còn cơ hội kiếm sống ở nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
Trong hai năm gần đây, khi hạn hán, nước biển lấn càng ngày càng sâu vào đất liền, ruộng vườn tiêu điều, xơ xác, số nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bỏ xứ tha hương tăng nhanh tới mức, nhiều vùng chỉ còn người già và trẻ em.
Theo tờ Tuổi Trẻ, chỉ cần nhìn lướt qua thống kê sơ bộ về số dân của một số tỉnh ở khu vực bán đảo Cà Mau ly hương trong hai năm gần đây cũng đủ để giật mình: Trong mười tháng đầu năm 2016, tại Cà Mau có 26,000 bỏ xứ đi nơi khác làm thuê. Ở Kiên Giang, con số này là 20,000. Tại Sóc Trăng là 10,000…
Thiên tai liên tục trong hai năm vừa qua là những đợt sóng cuối cùng xô nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giạt xa quê hương của họ. Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, vào lúc này, tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vùng vắng tanh, lặng ngắt như: Tuyến kênh T29 chạy qua huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng. Xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang,…
Ông Trần Quốc Việt, trưởng ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, nói với phóng viên tờ Tuổi Trẻ rằng, chỉ có thể đếm được những trường hợp cả gia đình ly hương, còn những gia đình có vài người bỏ xứ tha hương cầu thực thì tính không xuể vì… “đi tá lả.”
Bà Lâm Thị Thủy, 53 tuổi, ngụ ở ấp Bưng Long, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thì than, giờ đi hết cả xã cũng tìm không ra thanh niên, cả xã giờ chỉ còn toàn người già và trẻ con.
Ông Ðặng Thanh Quang, phó chủ tịch huyện Trần Ðề, than rằng, đã vào vụ lúa mới nhưng những người tha hương cầu thực vẫn chưa quay về để trồng cấy. Không thể bỏ hoang ruộng đất nên huyện cam kết hỗ trợ giống tốt, chịu mặn nhưng tìm không ra nhân lực. Chỉ còn một cách là kêu gọi cha mẹ, vợ con những người ly hương kêu gọi thân nhân quay về làm đất cho kịp vụ lúa mới…
Nếu “tha hương cầu thực” vẫn còn được xem là “vô phúc” thì tỉ lệ “vô phúc” tại Việt Nam đang trở thành hết sức đáng ngại. Hồi Tháng Chín năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố “Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016,” các số liệu trong báo cáo này cho thấy, di cư từ nông thôn ra thành thị giờ đã trở thành một dòng thác người. Ðáng ngại là nguồn của dòng thác người đó không chỉ đơn thuần ở miền Bắc, miền Trung mà còn xuất phát cả từ đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2009, chính quyền Việt Nam thực hiện một cuộc khảo sát dân số và lúc đó, tỉ lệ ly hương chỉ có 8.5%.
Sau đó, WB thực hiện một cuộc khảo sát dài hạn có tên “Tiếp cận nguồn lực nông thôn” (VARHS) tại 12 tỉnh trong giai đoạn từ 2012 đến 2014, thời điểm này, 20% gia đình tham gia khảo sát cho biết, gia đình của họ có ít nhất một thành viên ly hương.
VARHS cho thấy, có ít nhất 48% người ly hương, bỏ nông thôn ra thành thị thuộc dạng “tha hương cầu thực.” Số còn lại ly hương vì đi học, vì nhu cầu đoàn tụ với gia đình hoặc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Một yếu tố khác đáng chú ý là nếu tính theo năm, thì tỉ lệ ly hương không chỉ tăng đáng kể mà tỉ lệ di chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng tăng vọt. Chẳng hạn trong năm 2014, có 73% số người tha hương chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ðặc biệt là số người tha hương, bỏ xứ đi làm thuê ở ngoại quốc đã tăng từ 1% vào năm 2012 lên 10% vào năm 2014.
Cũng theo WB, nếu ruộng đất ở nông thôn dưới 3 héc ta thì các gia đình nông dân khó vượt qua được ngưỡng nghèo. Ly hương trở thành phổ biến vì những gia đình có thành viên ly hương dễ thở hơn. Năm 2012 có 25% gia đình có thành viên ly hương nhận được tiền của thân nhân gửi về trợ giúp cho chi tiêu hàng ngày, thanh toán những dịch vụ thiết yếu, để dành. Năm 2014, tỉ lệ vừa kể tăng lên 45%.
Tuy nhiên WB lưu ý, năm 2012 có 7% và năm 2014, tỷ lệ người ly hương nhận trợ giúp ngược lại từ gia đình tăng lên đến 14%. Ðiều đó cho thấy, khả năng bị tổn thương của những người “tha hương cầu thực” đang tăng.
Theo WB, bất kể thế nào thì trong bối cảnh khoảng cách về chênh lệch thu nhập tuyệt đối giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam càng ngày càng lớn, “tha hương cầu thực” vẫn giúp rất nhiều gia đình nông dân “ứng phó với các cú sốc” để tồn tại. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment