Nhóm lợi ích quân đội - đại diện là hai cha con Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải. Ảnh: Dân Làm Báo
Quả báo do nhóm lợi ích quân đội gây ra – đại diện là hai cha con Phùng Quang Thanh và Phùng Quang Hải cùng những đại gia có máu mặt khác – đã ứng vào tình trạng quá tải cả dưới đất lẫn trên trời của sân bay Tân Sơn Nhất vào nửa cuối năm 2016.
Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.
Có lúc đến 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời trong tổng số 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh mỗi ngày. Ai cũng biết nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất.
Mới đây, Cục hàng không VN phải tính đến việc cho máy bay “tạm trú” ở Cần Thơ để tránh tình trạng quá tải trên trời.
Thế nhưng dưới gọng kìm của Ban Tuyên giáo trung ương, và rất có thể cả một gọng kìm khác của nhóm lợi ích len lỏi vào chính trường, báo chí và giới chuyên gia nhà nước vẫn hiền lành đến kinh ngạc. Cuộc tranh luận để tìm ra giải pháp giảm kẹt xe cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn một mực xoay quanh các vấn đề.. kỹ thuật.
Ngay cả ông Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP HCM HASCON, người được xem là có đôi chút khí sắc phản biện, cũng chỉ khẳng định nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không phải do hành khách tăng lên, đồng thời chỉ ra hai nguyên nhân chính gây kẹt xe. Trong đó chỉ đề cập đến những bất cập về phân bố trục giao thông, để cuối cùng chỉ dám đề xuất “cớ sao không mở một đoạn đường vài ba chục mét để nối bãi xe quốc nội trước đây với bãi xe quốc tế, mà lại bắt xe hơi đi vòng vèo để gây thêm ùn tắc trên đường Trường Sơn?”…
Không một tờ báo nhà nước nào dám nói thẳng về nguyên nhân chính gây kẹt Tân Sơn Nhất chính là việc nhóm lợi ích quân đội đã từ nhiều năm qua chiếm dụng đến 157 ha đất của sân bay này để làm sân golf và đủ thứ công trình dịch vụ kinh doanh.
Dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất do tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn nổi tiếng với loạt scandal như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt vào danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế, nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm đầu độc người dân thành phố bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không bị truy cứu trách nhiệm.
Và tất nhiên phải kể đến một nhân vật có máu mặt khác – Đại Tá Phùng Quang Hải – “chủ” Tổng công ty 319, một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Dù mới đây ông Phùng Quang Hải đã phải “xin rút” khỏi dàn lãnh đạo của Tổng công ty 319, vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhóm lợi ích quân đội sẽ chịu “nhả” phần đất đã chiến dụng. Thay vào đó, tất cả đều đổ cho vướng mắc kỹ thuật, thậm chí có doanh nghiệp đã mưu tính xin thêm tiền ngân sách để mở đường và làm cầu vượt…
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment