Năm 2016 đã bước qua, những sự kiện lớn lao như lũ lụt, nhân tai thủy điện, thảm họa môi trường Formosa… đã át tất cả mọi thứ, tràn ngập sự quan tâm của dân chúng. Thế nhưng bản ghi nhớ của năm, vẫn còn những câu chuyện về tù đày, oan khiên đang hằn vào con người cần phải được nhắc lại. Đó là những ghi chép về Việt Nam với phần tối đen, vật vã trên hành trình đòi quyền làm người và sự công chính.
Có những số phận treo lơ lửng chờ cái chết, khản giọng kêu oan, và có cả những vụ án tưởng là đã được minh oan, nhưng rồi sự trí trá trong bồi thường. nhận sai của chính quyền từng địa phương khiến họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân. 2016 khép lại, nhưng những câu chuyện như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Những đại án này, nhắc cho chúng ta nhớ, rằng vài vụ án được đưa ra ánh sáng, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng đâu đó trong các nhà lao, việc đánh đập bức cung, nhục hình vẫn tiếp diễn và vẫn có những con người đang đau đớn gào thét đòi công lý trong lằn ranh của sự sống và cái chết.
Huỳnh Văn Nén
Là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, và chấn động dư luận. Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, ông được minh oan và trả tự do. Trước tòa, ông Nén khai là đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng bức cung tra khảo, nhục hình để ép nhận tội. Theo luật sư Phạm Công Út, sau khi ra tù, kết quả giám định tâm thần từ Bệnh viện tâm thần Trung Ương 2 (Đồng Nai) cho thấy ông Huỳnh Văn Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cùng với các tổn thương về gan, mắt... thì tổng tổn thương trên cơ thể ông Nén được xác định 63%. Mất tất cả, kể cả sức lao động, nên Luật sư yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Nhưng Tòa án Tỉnh Bình Thuận nói chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng với lý do ông Nén phải cung cấp đủ các hóa đơn, chứng minh thiệt hại.
Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long từng bị Công an tỉnh Bắc Giang cáo buộc các tội danh giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và 4 lần bị tuyên án tử hình. Sau một thời gian dài nỗ lực kêu oan của luật sư, đặc biệt với công sức của luật sư Ngô Ngọc Trai, Ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ với những phần tra khảo, bị buộc phải diễn tập các hành động giết người cho khớp với cáo trạng. Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông Long liên tục khóc và kêu oan trước tòa.
Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, chịu án oan tử hình từ hơn 40 năm, đã được nhà chức trách xin lỗi, sau khi ông được minh oan và trả tự do vào ngày 11/8/2016. Khi hồ sơ được giở lại, người ta nhìn thấy các chứng cứ để buộc tội ông Thêm hết sức lỏng lẻo và tùy tiện. Dù bị đánh đập, hành hạ liên tục để ép cung, ông Thêm vẫn thà chết chứ không nhận tội giết người cướp cửa. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nạn lạm quyền, bức cung phổ biến nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm đang đòi bồi thường cho ông số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003, khi có một phụ nữ bị hiếp dâm và giết chết. Ông Chấn bị bắt vì bị cho là nghi can và các cuộc điều tra nhanh chóng trong ngục tối bằng roi, gậy và nắm đấm mang lại kết quả là Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân do giết người “có tính chất côn đồ”. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra án oan cho ông Hàn Đức Long và ông Nguyễn Thanh Chấn đều là Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang, cùng là tên Đặng Thế Vinh. Chính vì “bài bản” chung của Vinh, đã khiến có tình tiết tại tất cả các phiên tòa, cả hai ông Chấn và Long đều một mực kêu oan và tố bị các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để nhận tội và ép làm các việc như viết đơn tự thú, thực nghiệm hiện trường theo ý đồ của điều tra viên. Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Chấn nói mức đòi bồi thường mà gia đình đưa ra là 9.3 tỉ đồng.
Nguyễn Văn Chưởng
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng của năm 2015, có dấu hiệu oan sai rõ, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng lên tiếng chất vấn Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao vào ngày 13/3/2015. Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho anh Nguyễn Văn Chưởng (Sinh năm 1983) đã đưa ra chứng cứ rằng khi vụ án giết người xảy ra, Chưởng đang ở nơi cách đó hàng chục cây số. Thế nhưng công an điều tra dựa vào đó, kết luận rằng Chưởng ở xa vì “là người chủ mưu”. Cho đến nay Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang kêu oan chống án tử hình, thậm chí viết thư bằng máu gửi đến công luận. Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
Hồ Duy Hải
Là một số phận mong manh trước án tử hình, trước một ngày thi hành án (ngày 4.12.2014) tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất khẳng định rằng vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại, cụ thể là mọi chứng cứ kết tội Hải giết người đều là giả, thậm chí dấu vân tay thủ phạm cũng không khớp. Thế nhưng vẫn có một áp lực kỳ lạ nào đó muốn đưa Hồ Duy Hải vào cửa tử. Ngày 1 tháng 6/2016, báo Tuổi Trẻ còn lật lại vụ án này và viết rằng “Sau 18 tháng được tạm hoãn thi hành án tử hình, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời chính thức về số phận của người tử tù này ra sao”. Luật sư Trần Hồng Phong - người bào chữa cho Hồ Duy Hải - cũng khẳng định ông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án bởi nhiều tình tiết bất thường chưa được làm rõ.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi - cô Hồ Duy Hải nói rằng: “Dư luận xôn xao rằng, Hồ Duy Hải cháu nhà tôi là chết thay cho con một quan chức hay một đại gia nào đó. Thông tin này được phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã nói cho tôi”. Còn Mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan nói những tin tức mà bà biết trong suốt 7 năm đi kêu oan cho con ““Có người viết thư mật cấm các nhà báo không được viết về vụ Hồ Duy Hải.” Bà kể rằng ” Nguyên phó giám đốc Công an Tp.HCM “cũng bức xúc và nói với các nhà báo rằng ‘tử hình dễ thế sao”.
(Tổng hợp tư liệu từ Zing, VnExpress, Đời sống Pháp luật, Infonet, luatkhoa, Lao Động, Tuổi Trẻ…)
No comments:
Post a Comment