Wednesday, December 28, 2016

Doanh giới Việt Nam: Năm sau ảm đạm hơn năm trước

Khai thác mủ cao su. Do gặp đủ thứ khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản xin giải thể hàng loạt. (Hình: Dân Trí)
Sau hàng loạt tuyên bố, hứa hẹn trợ giúp, so với năm ngoái, trong năm 2016, số doanh nghiệp Việt Nam xin phá sản tăng thêm khoảng 32%. Càng ngày, tương lai của doanh giới Việt Nam càng ảm đạm.
Dẫu cho giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam liên tục khẳng định, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc và đang hồi phục, các chủ trương, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đang phát huy tác dụng, song những số liệu mà Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh thuộc Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư Việt Nam vừa công bố cho thấy, kinh tế tư nhân không những không phát triển mà còn lumn bại hơn.
Ngoài 12,500 doanh nghiệp phá sản, tăng hơn 3,000 so với năm 2015 (9,000), còn có thêm 73.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể hay phá sản.
Nếu so với năm ngoái, trong năm 2016, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động có thời hạn và vô thời hạn ít hơn gần 11,000 (con số này trong năm 2015 là 71,300, trong năm 2016 là 60,600) nhưng theo Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh, con số doanh nghiệp chính thức rời bỏ thị trường trong năm 2016 cao hơn năm 2015.
Cục Quản lý Đăng Ký Kinh Doanh nhấn mạnh, năm nay, số doanh nghiệp chính thức rời bỏ thị trường cao một cách bất thường. Số doanh nghiệp do khó khăn mà phải tạm ngừng hoạt động dù ít hơn so với năm ngoái nhưng vẫn rất lớn. Nói cách khác, “kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn.”
Đại diện Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh nói thêm, lý do chính khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể hay phá sản là thiếu vốn, mất nguồn nguyên liệu, mất thị trường. 93% doanh nghiệp xin ngừng hoạt động vô thời hạn (giải thể) là doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ (vốn đăng ký kinh doanh dưới 10 tỷ). So với trước, những khó khăn mà các doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ phải đối diện nhiều hơn.
Những số liệu mà Cục Quản Lý Đăng Ký Kinh Doanh công bố còn chỉ ra nhiều khía cạnh đáng ngại khác. Chẳng hạn tỉ lệ doanh nghiệp tại những khu vực nghèo, tỉ lệ thất nghiệp cao (đồng bằng sông Hồng, phía Bắc miền Trung, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ) chờ giải thể đều tăng rất cao so với năm ngoái (từ 25% đến… 273%). Tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (một trong những trụ cột của kinh tế Việt Nam) chờ giải thể trong năm nay, so với năm ngoái tăng đến 107%.
Nói cách khác, tiên đoán về việc doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bị loại ra khỏi cuộc chơi diễn ra trên xứ sở của mình đã trở thành chính xác một cách đau lòng.
Đó là nhận định của ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại Việt Nam. Nhân vật này cảnh báo, doanh nghiệp tư nhân đang kiệt sức và có thể bị “bóp nghẹt.”
Trong vài năm gần đây, động lực tạo ra sự phát triển của kinh tế Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI)! Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% giá trị xuất cảng.
Nhiều chuyên gia kinh tế bảo rằng, điều đó không bảo đảm cho “phát triển bền vững.” Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chết chùm vì không những không hỗ trợ, chính quyền Việt Nam còn thực thi những chính sách giúp các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI chèn ép giới này.
Thậm chí có chuyên gia kinh tế khẳng định, hệ thống công quyền là nhân tố thứ ba chèn ép khu vực kinh tế tư nhân nên khu vực tư nhân thu hẹp rồi chết là tất nhiên.
Kết quả một cuộc khảo sát của Ngân Hàng Thế Giới cho biết, tại Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp tới 40.8 % lợi nhuận cho nhà nước thông qua các khoản thuế, phí. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế từng nêu thắc mắc, khi nhà nước “hăng hái” thu tiền cho ngân sách như vậy thì phải hiểu thế nào về những tuyên bố liên quan tới “cải thiện môi trường kinh doanh?” (G.Đ)

No comments:

Post a Comment