Sunday, August 21, 2016

Hà Tĩnh: Bộ đội xuất ngũ đánh chết nhau trên bàn nhậu và phiên tòa đầy lỗi logic

P.V-21-08-2016

(VNTB) - Một vụ án oan ức  đang khuấy động sự bình yên ở làng Ngùi, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trên bàn nhậu họp mặt lứa thanh niên đi lính năm 1984, một án mạng đã xảy ra. Nhưng kẻ sát nhân vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bộ đội xuất ngũ đánh chết nhau trên bàn nhậu

Tòa án Can Lộc xử Lê viết Sinh


Vào tối ngày 15/01/2015, nhóm bạn bộ đội cùng đi lính năm 1984 ở làng Ngùi- xã Vượng Lộc gặp mặt liên hoan trên bàn nhậu. Trong số đó có  hai ông bạn đi lính với nhau là Tôn Hạnh và Lê Viết Sinh luận đạo hết sức sôi nổi. Trong lúc  cao trào, giữa hai người bạn lính đó xảy ra  cãi vã. Cãi nhau không đi đến đích, Lê Viết Sinh túm lấy đầu Tôn Hạnh, dùng tay đập đầu người bạn xuống sân nhà.  Khoảng 6-7 cú bị dằn đầu  xuống đất như vậy, nạn nhân Tôn Hạnh không kịp chống cự. Có rất đông người chứng kiến cảnh đó, nhưng họ đứng cười vì tưởng là những anh lính xuất ngũ đang đùa giỡn nhau chơi. Bỗng Tôn Hạnh không còn ngọ nguậy, Lê Viết Sinh buông đầu bạn ra. Một phụ nữ  chạy đến xức dầu cho anh Tôn Hạnh, ngay lập tức dân làng gọi xe đưa anh đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng tất cả vô ích, anh Tôn Hạnh đã chết trên đường đi. Hốt hoảng vì vừa giết chết bạn, Lê Viết Sinh thất thần vừa chạy vừa la: “Tau giết bạn tau chết rồi. Tau, tau cũng chết”.

Ngay ngày hôm sau, công an huyện về làng điều tra.Sinh một mực chối rằng mình không giết Hạnh. Pháp y phải  mổ người khám nghiệm tử thi, Lê Viết Sinh lúc này mới đành phải thú tội.  

Vậy mà, không hiểu những thế lực nào đứng đằng sau vận động tòa án huyện Can Lộc, mãi bảy tháng sau vụ án giết người gần như rõ mười mươi đã được khai nhận mới được đưa ra xét xử.  Hết thảy người dân già cả lớn bé trong làng Ngùi đi xem. Tại tòa, bị cáo bị tuyên phạt 26 tháng tù giam, tức 2 năm 2 tháng. Mọi việc tạm êm.

Nghi vấn tòa tuyên án không trung thực

Bản án mà tòa án huyện Can Lộc đưa ra, oái ăm thay, lại không đúng như những người làng trông thấy. Dân làng Ngùi, những người tận mắt chứng kiến  vụ án đó, quả quyết rằng tòa đã tuyên án sai lệch. Kỳ lạ hơn nữa, tuy đã bị tòa tuyên án nhưng cựu bộ đội xuất ngũ Lê Viết Sinh vẫn không ở tù. Vào trưa ngày rằm 15 tháng bảy âm lịch vừa rồi ( cũng là ngày 17/08/2016 dương lịch),  một người cháu họ của  nạn nhân đã trực tiếp liên lạc với phóng viên điều tra của Việt Nam Thời Báo để thông báo sự việc.

Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy những lỗ hổng quá lớn của cơ quan chức năng. Cáo trạng của Viện kiểm sát ghi: “Lê Viết Sinh, sinh năm 1962, trú tại xã Vượng Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh dùng tay trái hất vào người Tôn Đức Hạnh làm Tôn Đức Hạnh ngã đập đầu xuống sân, bị chấn thương sọ não.” Nhưng  tòa kết luận rằng  “Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lê Viết Sinh phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo đúng Cáo trạng  của Viện kiểm sát đã truy tố và xử phạt bị cáo mức án 03 năm 03 tháng tù.”  Không thể thấy được tính lo-gic của bản án. Viện kiểm sát thì cho rằng Lê Viết Sinh  chỉ hất tay vào người thôi đã làm bạn tử vong, gần nghĩa với ngộ sát. Thế nhưng, tòa án, trên cơ sở cho rằng ý kiến của Viện kiểm sát là đúng,  lại tuyên rằng Sinh cố ý giết người.  Đây là lỗi logic quá sơ đẳng.
  
Lỗi logic thứ hai,  người phụ nữ xoa dầu cho nạn nhân với hy vọng cứu sống nạn nhân, cùng với nhóm những người chứng kiến và đưa nạn nhân đi viện, tất cả đều không được triệu tập tại phiên tòa. Dân làng quả quyết rằng anh Tôn Hạnh bị đập đầu vào sân nhà từ 6 đến 7 cái, vậy mà Viện kiểm sát nói là anh Sinh dùng tay trái hất bạn ngã đập đầu xuống sân một cái nên chết, đúng là coi thường dư luận. Người cựu quân nhân Tôn Hạnh thể lực và phản xạ đều tốt, chẳng lẽ lại dễ dàng tử vong chỉ vì một cái vẫy tay như vậy ?

Lỗi logic thứ ba, trên trang web của viện kiểm sát, viện này nói rằng nạn nhân bị tử vong vào ngày 17/01/2016, nghĩa là 02 ngày sau khi Tôn Hạnh bị bạn mình Lê Viết Sinh đập xuống sân nhà ( ngày 15/01). Nhưng rõ ràng, dân làng Ngùi cho biết anh Tôn Hạnh đã chết ngay trong đêm đó (15/01). Thành thử Viện kiểm sát đã khai gian khoảng 2 ngày, làm chênh lệch thời gian của vụ án. Nếu hai ngày sau anh Viết mới chết, cớ sao ngay ngày hôm sau xảy ra ẩu đả công an huyện Can Lộc đã vội vã chạy xuống hiện trường? Ở miền Hà Tĩnh, đây là một điều lạ vì chỉ khi nào xảy ra án mạng rồi công an mới phải xuống hiện trường vội vã như vậy.

Từ ba điều mâu thuẫn nội hàm trên, dễ dàng thấy được rằng những sự việc bất minh hẳn đã xảy ra bên trong tòa án nhân dân huyện Can Lộc.  

Và điều thứ tư, thật lạ, tòa tuyên 26 tháng tù giam mà website của Viện kiểm sát lại đăng là 3 năm 3 tháng tù giam. Ai sẽ giải thích cho sự sai lệch đến khó hiểu này?

Nước mắt của những đứa con

Bây giờ, khắp nơi trong làng Ngùi và cả trong xã Vượng Lộc- Can Lộc, dư luận đang không ngớt bàn tán về án mạng trên. Người sát nhân không bị ngồi tù,  hiện nay vẫn đi làm công trong làng xã như thường.

Nạn nhân Tôn Hạnh có ba người con. Con trai cả chưa lấy vợ, hai con gái sau cũng chưa lấy chồng. Trong tập tục của người dân địa phương, trước khi mãn tang bố mẹ thì con cái tuyệt đối chưa được cưới hỏi. Chúng tôi đã liên lạc với một dân làng khác để tìm hiểu sự việc, người này chia sẻ: “Thấy người ta bị chết oan mà Pháp luật làm không đúng, mình là người ngoài mà thấy tức lắm anh ạ.”

Lê Viết Sinh giết bạn mình Tôn Hạnh là vô tình hay cố ý, 120 triệu bồi thường cho người nhà nạn có là thỏa đáng hay không, có lẽ đó không còn là câu hỏi quan trọng, bởi tòa đã tuyên án và mọi sự coi như đã chốt trên trang tin của Viện kiểm sát. Vào ngày hôm xảy ra án mạng,  có rất đông người đứng bên bàn nhậu, nhiều người trong số đó là thanh niên. Tại sao những người đứng coi vào hôm xảy ra án mạng không một ai đi vào can thiệp?

Thêm một câu hỏi cho quân đội Việt Nam, rằng tại sao bộ đội xuất ngũ- những người được đào tạo trong một môi trường giàu tính kỷ luật, lại dễ dàng giết nhau vì những lý do vặt vãnh đến như vậy, ngay trong mâm nhậu ôn lại đời lính/

Cô con gái út năm nay đã 23 tuổi và đang làm thuê ở Sài Gòn phải lên xe khách về nhà trong ngày rằm Vu Lan mà tỏ lòng hiếu kính với hương hồn người cha. Bạn bè nhìn cô kìm nén nỗi oan ức khóc gục bên bàn thờ của bố, nghẹn ngào không nói nên lời.

P.V

Chú thích:
“tau”:  giọng Hà Tĩnh, đồng nghĩa với  “tôi”, “tao” trong tiếng Việt phổ thông.

Tham khảo:

No comments:

Post a Comment