Wednesday, December 21, 2016

Tổ công tác của thủ tướng 'gây áp lực' với Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hàng ngàn người tham gia biểu tình chống ô nhiễm môi trường do hãng Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, ngày 09/01/2016.
Hàng ngàn người tham gia biểu tình chống ô nhiễm môi trường do hãng Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, ngày 09/01/2016.
An Tôn - VOA
21.12.2016
Một tổ công tác của thủ tướng Việt Nam đã họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 21/12, và yêu cầu Bộ giải trình về thảm họa do hãng Formosa gây ra và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo một số báo lớn của Việt Nam, tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ Formosa.
Hồi tháng 4 năm nay, một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan đặt ở tỉnh Hà Tĩnh đã xả thải trái phép, gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển ven 4 tỉnh miền Trung với thiệt hại vô cùng lớn. Hà Tĩnh và Quảng Bình là 2 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất.
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chất vấn Bộ Tài nguyên và Môi trường “đã làm đến đâu” trong việc “kiểm tra, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc cấp phép xả thải, đánh giá tác động môi trường dự án”.
Giải trình cho câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói việc kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đã được bộ của ông thực hiện ngay sau khi sự cố xảy ra khoảng một tháng.
Ông Hà cũng cho biết bộ đang phối hợp với Ủy ban kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản “xác định, làm rõ các dấu hiệu vi phạm”. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Hà nói những vấn đề thuộc thẩm quyền bộ của ông “sẽ xử lý trong năm 2016”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, bình luận với VOA rằng cuộc họp của tổ công tác có tác dụng gây áp lực để bộ làm tốt việc truy ra trách nhiệm của các bên liên quan:
“Đây là một cuộc kiểm tra thể hiện trách nhiệm rất cao của chính phủ. Nhiều khi những việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong bộ cũng có những cái khó khăn nhất định. Trong nội bộ một bộ vốn Việt Nam thì cái đánh giá về mối quan hệ trong công tác thì vốn vẫn là một cái trở lực đối với việc xây dựng một chính phủ liêm chính. Chính vì vậy, với những cái áp lực của cấp trên xuống với bộ thì chắc chắn là bộ sẽ phải làm tốt việc này. Việc ký cho phép xả thải thẳng ra biển khác đi so với phương án xả thải ra sông Quyền sau đó chúng ta có đủ điều kiện theo dõi mới đi ra biển, thì tôi cho rằng cái việc đấy cũng là một cái trách nhiệm rất là rõ ràng, quy trách nhiệm cũng không phải là có gì khó khăn”.
Ông Võ nói thêm rằng nhà chức trách “hoàn toàn có đủ điều kiện” và “không khó khăn” trong việc làm rõ trách nhiệm của cựu bộ trưởng môi trường khi đồng ý với địa phương về dự án, cũng như trách nhiệm của những người cho phép Formosa tăng thời hạn thuê đất từ 50 năm lên 70 năm.
Liệu cuộc kiểm tra, kiểm điểm chính phủ và bộ sẽ dẫn đến các hình thức kỷ luật như thế nào, có quan chức nào bị truy tố hay không? Ông Võ cho rằng ở thời điểm hiện nay chưa có đủ thông tin để dự báo:
“Sẽ tùy cái trách nhiệm. Cái hành vi đó là hành vi chỉ ở mức độ chịu trách nhiệm hành chính hay là chịu trách nhiệm hình sự thì tôi cho rằng ở đây cũng chưa thể nói gì. Cái việc đó cần những thông tin rất chi tiết và thể hiện được cái trách nhiệm rất cụ thể”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cách đây gần 2 tuần đã có cuộc họp ở Hà Tĩnh với các nạn nhân của thảm họa Formosa. Tại cuộc họp, ông nói “sẽ không làm bộ trưởng nữa” nếu không giải quyết ổn thỏa hậu quả của vụ ô nhiễm.

No comments:

Post a Comment