Wednesday, December 21, 2016

Đại biểu QH ngăn việc bổ nhiệm một tổng biên tập?

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
An Tôn - VOA
21.12.2016 
Nhiều nhà báo, luật sư và những người có tầm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam trong hai ngày nay đã chia sẻ và chỉ trích một bức thư được cho là của một đại biểu quốc hội dường như tìm cách ngăn cản việc bổ nhiệm một lãnh đạo báo chí.
Một bức ảnh màu lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thư có biểu tượng của Quốc hội Việt Nam, do một người có tên Nguyễn Sỹ Cương với chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại ký. Thư đề ngày 23/11, không đóng dấu đỏ, và được gửi đến Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
VOA đã cố gắng liên lạc với ông Cương và một số đại biểu quốc hội để xác minh bức thư, nhưng họ không trả lời điện thoại.
Trong bức thư, ông Cương kiến nghị Bộ trưởng Tuấn “xem xét nghiêm túc tư cách” của ông Nguyễn Ngọc Hiển trước khi phê chuẩn ông này làm tổng biên tập báo Lao Động, một báo có đông độc giả ở Việt Nam. Ông Hiển từng là phó tổng biên tập của báo.
Ông Cương cho rằng khi nắm chức phó tổng biên tập báo Lao Động, ông Hiển đã “để lọt nhiều bài viết bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở mà nguyên nhân là do ý thức chính trị kém nên không phân biệt đúng sai, cho đăng lên báo, tác động tiêu cực đến người đọc”.
Một ví dụ được ông Cương dẫn ra để chứng minh cho điều mình nói là hồi tháng 8, báo Lao Động đã đăng một bài liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền trung, trong bài có đoạn nhận định “không ít đại biểu dân cử bịt khẩu trang tâm hồn, giả điên, giả ngu trước những vấn đề công chúng mong họ lên tiếng”.
Ông Cương viết trong thư rằng bài báo đó “xúc phạm nghiêm trọng các Đại biểu Quốc hội” trong đó có các lạnh đạo đảng và nhà nước. Ông cũng gọi việc cho đăng bài báo là “việc làm thể hiện ý thức chính trị vô cùng kém cỏi”.
Bức thư đã bị các nhà báo và nhiều người khác chỉ trích trên mạng. Họ chỉ ra rằng nếu đây đúng là thư của ông Cương, ông đã lạm dụng giấy tờ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội để viết thư tay, can thiệp vào một việc không thuộc chức trách của ông. Song điều làm họ bất bình hơn nhiều là họ cho rằng bức thư của ông đã giáng thêm một đòn nữa vào thực trạng báo chí không có tự do lâu nay ở Việt Nam.
Từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA:
“Với tư cách cũng là người đã làm báo nhà nước mười mấy năm, tôi cho rằng đó là cái ý kiến rất là vớ vẩn, rất là tầm phào, phản lại tư tưởng tôn trọng tự do báo chí như trong các văn bản pháp luật, Hiến pháp. Tôi cho rằng việc đó rất là bất bình thường. Những người có lương tri thì không ai tán thành với ông Cương cả. Ai cũng phải giận dữ, phản đối văn bản đó. Cái văn bản này gây bất ngờ cho rất nhiều người. Họ không ngờ một con người như ông Cương từng có nhiều phát biểu rất hay mà bây giờ lại có một văn bản rất là phản lại tất cả những tư tưởng trước đây ông từng thể hiện ra ở Quốc hội”.
Trong khi có nhiều ý kiến phản đối bức thư được cho là của ông Cương, cũng có một số người viết trên mạng rằng ông Cương có quyền nêu lên ý kiến cá nhân của mình đối với vấn đế ông quan tâm. Số người ủng hộ ông Cương nói ông có lý khi viết kiến nghị vì việc bổ nhiệm ông Hiển rất gần với thời điểm ông vừa có sai phạm, bị nhắc nhở là không phù hợp với “công tác tổ chức cán bộ” của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment