Friday, December 2, 2016

Hơn 1.7 triệu trẻ em Việt Nam bị lạm dụng lao động vì đói nghèo

Lao động trẻ em tại Việt Nam chủ yếu sống ở khu vực nông thôn. (Hình: báo Thanh Niên)
HÀ NỘI (NV) – Ðói nghèo, đã đẩy hơn 1.75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên phải làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên, mà việc ngăn chặn và giảm thiểu đang là vấn đề thách thức tại Việt Nam.
Ðó là lời cảnh báo của ông Ðặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Bảo Vệ-Chăm Sóc Trẻ Em, Bộ Lao Ðộng cho hay tại hội thảo hướng dẫn thực hiện “Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020,” do Bộ Lao Ðộng phối hợp với Quỹ Nhi Ðồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức ngày 1 tháng 12 tại Hà Nội.
Theo ông Nam, có tới 85% trẻ em từ 5 đến 13 tuổi, sinh sống ở khu vực nông thôn và 15% sống ở khu vực thành thị phải làm việc vất vả ở 3 ngành nghề: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 1.18 triệu em, chiếm 67%. Ðáng chú ý, số trẻ em làm việc trong các nghề có nguy cơ độc hại là 1.3 triệu em, với thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm bảo đảm quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LÐTE), nhưng theo bà Ðào Hồng Lan, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng, vấn đề LÐTE vẫn còn là thách thức.
“Ðói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LÐTE. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến LÐTE, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vấn đề LÐTE cũng là thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và trong việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do nói riêng,” bà Lan nói.
Nói với phóng viên báo Thanh Niên, bà Lan cho biết thêm, việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.
“Việc tham gia lao động sớm không chỉ cản trở sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ mà còn cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em,” bà Lan chia sẻ.
Trong khi đó, ông Chang Hee Lee, giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng, việc chấm dứt lao động cưỡng bức, buôn bán người và LÐTE ở Việt Nam là bước cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người. “Ðấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ, đặc biệt các em trong hoàn cảnh khó khăn sẽ mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho xã hội Việt Nam,” ông Lee khẳng định. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment