YÊN BÁI (NV) – Vì bị đá khỏi cái ghế đang giữ nên Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Yên Bái đã bắt cả bí thư tỉnh và chủ tịch “Hội đồng nhân dân” rồi tự sát, theo báo cáo điều tra của Công an tỉnh.
Công an tỉnh Yên Bái họp báo hôm Thứ Hai 26 tháng 12 công bố kết quả điều tra vụ án mạng làm rúng động dư luận hồi giữa tháng 8 vừa qua với kết luận “nguyên nhân gây án là do bất mãn bức xúc cá nhân trong bố trí sắp xếp nhân sự.’
Khi vụ việc vừa xảy ra, bà Phạm Thị Thanh Trà, chủ tịch tỉnh, cùng ông Hà Đức Hoan, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, và tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, mở họp báo bác bỏ “động cơ gây án” là “công tác nhân sự”.
Bà này nói trong cuộc họp báo hôm 18 tháng 8 tức chỉ ít giờ sau khi vụ bắn xảy ra rằng ‘Bộ Chính trị có nghị quyết 39 về cơ cấu lại bộ máy biên chế trong cả hệ thống chính trị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đang sắp xếp theo thông tư của Bộ Nông nghiệp, tức là sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp.’
“Tuy nhiên, chúng tôi mới thống nhất về chủ trương chứ chưa có quyết định chính thức thành lập, và chưa bàn đồng chí nào làm giám đốc sau khi sáp nhập. Quá trình đó phải được tập thể thường trực quyết định. Đồng chí Minh đã được Bí thư tỉnh gặp gỡ làm công tác tư tưởng. Không thể khẳng định việc sáp nhập, bố trí cán bộ liên quan đến động cơ gây án”, lời bà Trà nói được dẫn lại trên báo chí trong nước.
Nhưng cuộc họp báo của Công an tỉnh Yên Bái ngày 26 tháng 12 cho thấy bà ta đã nói dối. Báo chí thuật lại cuộc họp báo của Công an về kết quả điều tra cho biết “Yếu tố mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế hay tình ái của nghi can này với các nạn nhân được nhà chức trách loại trừ. Quá trình điều tra không phát hiện “động cơ, mục đích chính trị chống phá Đảng và chính quyền”.
* Tiền tỉ và cả trăm ngàn đô la ở đâu ra?
Buổi sáng ngày 18 tháng 8, tuy không nằm trong danh cách cán bộ tham dự cuộc họp ở trụ sở tỉnh ủy Yên Bái, Đỗ Cường Minh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm xách cặp trong đựng một khẩu súng ngắn loại K-59 tới bắn gục ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn, chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy trong phòng làm việc các ông này.
Thủ phạm Đỗ Cường Minh cũng nằm chết tại hiện trường với dấu đạn xuyên qua thái dương. Khám nghiệm nơi xảy ra án mạng, Công an nói không thấy ‘hiện trường’ bị xáo trộn, phòng làm việc của cả ông Tuấn và ông Cường không bị lục soát.
Nhưng sau đó, có nhiều tin đồn đãi là tại phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, công an tìm thấy số tiền rất lớn lên hàng trăm tỉ đồng, một số tiền rất lớn và rất bất thương đáng phải đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 12, Công an tỉnh chỉ nhìn thận trong két sắt của ông Tuấn có “100,000 đô la Mỹ và 1.5 tỷ đồng, cùng một số nhẫn màu vàng chưa xác định được chủng loại.”
“Đây không phải tiền cơ quan, theo vợ anh Tuấn, tiền này của gia đình tích cóp được nhiều năm nay. Do ở nhà chỉ có mẹ già nên gia đình mua két sắt để trong cơ quan cho an toàn.’ – Ông đại tá phó giám đốc Công an Yên Bái tên Phạm Ngọc Thắng nói trong cuộc họp báo. Nếu là “tiền tích cóp nhiều năm nay” sao không để ở nhà, hay gửi ngân hàng mà lại để ở chỗ làm việc? Không thấy báo chí trong nước hay ông đại tá công an Thắng nói gì đến nghi vấn này.
Theo mức tiền lương của cán bộ đảng viên, tiền lương bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh gồm cả phụ cấp Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở cấp tỉnh là khoảng 12 triệu đồng/tháng hay 144 triệu/năm. Chưa kể mấy cái nhẫn không thấy cân, đếm, số tiền (vừa tiền đồng vừa đô la) của ông Ngô Ngọc Tuấn để trong két sắt cần làm suốt 24 năm và phải nhịn hết cả cơm nước, chè cháo, may mặc trọn thời gian này mới “tích cóp” được như thế. Cũng nên hiểu là ông ta chỉ ngồi ở cái ghế chủ tịch HĐND nhiều lắm là hai nhiệm kỳ, tức 10 năm rồi leo lên cao hơn, phải nghỉ hưu hoặc tới phiên người khác ngồi “tích cóp” trên cái ghế đó.
Trước khi có vụ án mạng, báo chí trong nước nói ông Phạm Duy Cường nhận được 2 lá đơn “nặc danh” tố cáo tham nhũng ở Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái, và giao cho công an làm rõ. Kết quả điều tra của địa phương cho thấy, ông Đỗ Cương Minh có ký duyệt một số vụ chi tiêu về “nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Yên Bái, Ban quản lý dự án và Hạt kiểm lâm huyện Văn Chấn đã để xảy ra sai phạm.” Chẳng hạn, đã sử dụng một phần kinh phí dự án chi vào các việc: “Tiếp khách, tổ chức hội nghị tại thôn bản; thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ; mua sắm thiết bị, văn phòng phẩm”. Tuy các khoản chi này ngoài quy định của dự án, nhưng “chưa phát hiện dấu hiệu tư lợi cá nhân”.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, bà vợ Đỗ Cường Minh (chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh) khai trong cuộc điều tra rằng vợ chồng bà “không có mâu thuẫn, ghen tuông gì trước khi xảy ra vụ án”. Nhưng trước đó mấy hôm, “ông Minh có nói đi gặp ông Cường để xin tiếp tục ở lại làm việc”. Tức là ông ta đã biết Chi cục trưởng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn được đưa qua làm Chi cục trưởng Kiểm lâm thay ông ta và ông ta bị ép xuống làm phó.
Tờ Tuổi Trẻ thuật cuộc họp nào ngày 26/12/2016 nói “Ngày 7-8-2016, Ban giám đốc và Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Nông nghiệp và PTNT đã họp, ra nghị quyết và làm tờ trình báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh xem xét quyết định ông Mai Mộng Tuân, Phó giám đốc sở kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, các ông Kiều Tư Giang, Nguyễn Đức Thiện, Đào Đình Khoa và Đỗ Cường Minh làm phó chi cục trưởng.”
Trước đó, cũng có một số vụ lùm xùm về phá rừng lấy gỗ ở tỉnh Yên Bái nhưng tin tức chỉ được hé lộ chút ít rồi chìm xuồng. Kiểm lâm tỉnh này có “bảo kê” cho lâm tặc phá rừng như nhiều tỉnh khác hay không, không hề có cuộc điều tra nào. Nhưng nạn mua quan bán chức từng được đề cập nhiều lần trên báo chí trong nước.
Một số người trên mạng xã hội đặc nghi vấn Đỗ Cường Minh có thể dùng tiền ăn hối lộ chung chi nhiều cho các quan đầu tỉnh nhưng vẫn bị thất hứa nên trong cơn phẫn uất đã thanh toán mối hận bằng những loạt đạn mà không xếp nào của ông ta ngờ tới. (TN)
No comments:
Post a Comment