“Cả ba bị bắn”? Ảnh danlambaovn.blogspot.com
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/8/2016, thêm một mâu thuẫn bí ẩn nữa được phơi lộ: người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết “Hiện nay Bộ Công an đã khởi tố vụ án bắn hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Vụ việc vẫn đang được điều tra” và “Chưa tìm ra nguyên nhân vụ bắn chết hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái”.
Như vậy, vụ việc bị nghi ngờ “quan chức bắn nhau” (hoặc ai đó bắn quan chức) ở Yên Bái đã chính thức được Bộ Công an, chứ không phải là Công an tỉnh Yên Bái tổ chức khởi tố vụ án.
Trước đó vào đúng ngày xảy ra vụ thảm sát quan chức, giám đốc Công an Yên Bái đã cho báo chí biết là “không khởi tố vụ án”, nhưng ngay sau đó lại tuyên bố “sẽ khởi tố vụ án”. Tính bất nhất 180 độ này cho thấy rất nhiều khả năng Thường vụ đảng Yên Bái phải chịu một chỉ đạo dứt khoát nào đó từ cấp trên rất cao, không loại trừ qua vụ Yên Bái để “làm cỏ” nhân sự lãnh đạo địa phương này.
Nay, việc Bộ Công an trực tiếp khởi tố vụ án càng cho thấy vụ thảm sát quan chức ở Yên Bái có “tầm quốc gia” và có thể liên quan đến những nhân vật cao hơn là dàn thường vụ Yên Bái.
Nhưng mâu thuẫn lớn nhất đang thuộc về giới tuyên truyền của đảng khi tuyên bố “chưa tìm ra nguyên nhân vụ án”, trong khi trước đó đã vội vàng chôn cất quá nhanh cả ba người bị chết là ông Đỗ Cường Minh - người được báo chí nhà nước mô tả là “tự sát với viên đạn bắn từ gáy” - và bí thư cùng chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh. Hành động chôn cất cấp tốc này như một sự cố ý bỏ qua thủ tục giám định pháp y tử thi và bỏ quan luôn giám định khoa học hình sự về đường đạn gây án.
Hiện tượng bỏ qua hàng loạt thủ tục giám định pháp y và khoa học hình sự trên càng cho thấy có thể tồn tại một bí mật rất lớn trong/hoặc sau vụ thảm sát Yên Bái. Có thể, bản chất vấn đề không đơn giản chỉ là mâu thuẫn lợi ích và quyền lực ở cấp địa phương để giới quan chức thanh toán nhau, mà còn có thể liên đới sự tranh giành quyền lực và lợi ích ở cấp trung ương.
Thậm chí, không loại trừ một khả năng, dù vẫn mơ hồ, về mối liên quan giữa vụ thảm sát Yên Bái với cái chết gây nghi ngờ của Thiếu tướng Lê Xuân Duy – người mà cho đến sau khi chết vẫn bị đảng coi là “Phụ trách tư lệnh Quân khu 2” chứ không phải với chức danh Tư lệnh Quân khu 2.
Về dư luận, vẫn đang ồn ào một luồng dư luận ở Hà Nội cho là “cả ba bị bắn”, tức cả ông Đỗ Cường Minh cũng chỉ là nạn nhân của một bàn tay sát thủ bí ẩn nào đó.
Trong khi đó, khác hẳn với không khí bàn tán nhộn nhạo về tình hình nhân sự và cả về cuộc đấu đá nội bộ ngay trước đại hội 12, vào lần này bầu không khí trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan quân đội, công an và những cơ quan mang chức năng nội bộ đảng đã im ắng một cách rất bất thường. Rất ít người dám hé môi về chuyện Yên Bái, trong khi đa số im lặng, và còn tỏ vẻ không biết gì về vụ việc kinh động này.
Tâm lý hoang mang và sợ sệt, rời rã và co thủ đang phủ trùm….
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment