Đoàn xe của ông Phúc đi vào đường cấm ở Hội An. (Ảnh Dân Làm Báo)
Lâu lắm rồi, không gian văn hóa dân tộc tĩnh mịch này mới bị ồn lên bởi tiếng còi hú dẹp đường như hồi còi xung trận của cảnh sát giao thông. Cũng lâu lắm rồi, người dân phố cổ mới ngơ ngác và kinh ngạc trước đoàn xe bất chấp biển hiệu đường cấm xe hơi.
Ngay lập tức, những hình ảnh của đoàn xe ông Phúc cùng bình phẩm bất bình của nhiều du khách nước ngoài vụt lên trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng công phẫn và phản đối dữ dội. Phạm luật đã quá rõ: ông Nguyễn Xuân Phúc bị điểm âm ngay sau khi tuyên thệ lần thứ hai liên tiếp, “thượng tôn pháp luật” trong vai trò thủ tướng trước quốc hội vào tháng Bảy năm 2016.
Ai đó có thể cho rằng thủ tướng Phúc - bận trăm công ngàn việc - không thể quán xuyến được từng việc, và có thể không biết về đường cấm ở Phố cổ Hội An. Nhưng lại chính ông Phúc đến Hội An để chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Chẳng lẽ ông không ý thức được con phố dành riêng cho người đi bộ là một đặc trưng văn hóa trong du lịch? Còn nếu ông quên điều sơ đẳng ấy, lẽ nào bộ tham mưu của ông lẫn chính quyền địa phương cũng quên nốt?
Đứng trước một thủ tướng “vinh quy về làng” là Nguyễn Xuân Phúc, tất cả thuộc cấp chỉ răm rắp quy phục, bất kể phải làm điều trái luật. Bầu không khí “uy quyền trên pháp luật” ấy đã bộc lộ trở lại trong con người Nguyễn Xuân Phúc và dẫn ông đến sai lầm nghiêm trọng trước không chỉ người dân Việt mà còn cả con mắt quốc tế.
Thủ tướng Phúc sẽ còn phải đi nhiều nơi, làm nhiều việc. Nhưng với một dàn tham mưu quen cậy thần thế và xu nịnh, chưa tính đến việc có thể có thuộc cấp nào đó muốn “gài” tân thủ tướng, thì liệu ông Phúc có tiến xa trên con đường chính trị đầy tham vọng của mình?
Còn có một sai lầm khác của thủ tướng Phúc. Tháng 7/2016, một bản nghị định mang số 72/2016/NĐ-CP được ông Phúc ký đã khiến dư luận Việt Nam và quốc tế kinh ngạc. Bởi quy định tại điểm 9, điều 3 với định nghĩa: "Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet."
Phóng viên, nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu ở Hà Nội nói nghị định khiến ông thấy “rất vô lý” và “đi ngược xu hướng phát triển của xã hội”. Ông nói: “Thế giới chúng ta sống bây giờ là thế giới phẳng. Nhu cầu chia sẻ thông tin là một nhu cầu chính đáng và tất yếu của xã hội. Và sự tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý kiến cá nhân cần được động viên để đi cùng sự phát triển của xã hội."
Nếu nghị định 72 vào tháng Bảy năm 2013 của cựu thủ tướng CSVN Dũng đã bị cộng đồng nhân quyền quốc tế phản ứng quyết liệt, thì nghị định 72 vào tháng Bảy năm 2016 của ông Phúc ký cũng không tránh khỏi số phận như thế. Thậm chí, nó còn trở thành một trò cười trước rất đông người dân Việt Nam, đang hàng ngày sử dụng Facebook để “tán phát tài liệu phản động”.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment