Không khó để nhận ra khu “phố Tàu” nằm sát sân bay Nước Mặn. Một loạt nhà cao tầng mọc lên để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, trên danh nghĩa là của người Việt nhưng thực chất do những ông chủ Trung Quốc giấu mặt điều hành trực tiếp.
Âm thầm góp vốn, giấu mặt điều hành
Tuyến phố nằm sát biển, cạnh sân bay Nước Mặn trên đường Võ Nguyên Giáp, được nhiều người dân Đà Nẵng gọi là khu phố Tàu. Bởi, ngoài tổ hợp khách sạn Crowne Plaza là dãy nhà hàng, khách sạn mọc lên do người Trung Quốc góp vốn làm chủ.
Thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cho thấy, khu đất đó được quy hoạch phân lô nền biệt thự, với 246 lô. Trong đó, 77 lô ở những vị trí đắc địa đã được 7 công ty - do người Trung Quốc góp vốn với phía Việt Nam - thành lập và trực tiếp điều hành, mua đứt.
Hình ảnh khu đất biệt thự nằm sát sân bay Nước Mặn đã được nhiều người Trung Quốc núp bóng mua gom để đầu tư xây nhà hàng khách sạn.
|
Cụ thể, những công ty này gồm: Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday sở hữu 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi 17 lô; Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung 12 lô; Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silverk Park 4 lô; Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng 10 lô; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp 7 lô và Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn 3 lô.
Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trên, chẳng hạn như Công ty V.N.Holiday có vốn điều lệ 40 tỷ đồng thì ông/bà Li Jinan, quốc tịch Trung Quốc, góp 19,2 tỷ đồng - tương đương 48%, còn lại 3 cổ đông Việt Nam chiếm 52%.
Còn Công ty Diệp Phúc Lợi có vốn điều lệ gần 200 tỷ đồng, thì Công ty Harvest View Inc Limeted (Trung Quốc) góp hơn 84 tỷ đồng, chiếm 42,35%; còn lại là 2 cổ đông Việt Nam.
Hay như công ty Nguyên Thịnh Vượng có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng thì Công ty Hong Kong Hankey Enterpris Es Limited góp 9,8 tỷ đồng, chiếm 49%, còn lại là hai cổ đông Việt Nam.
Ngoài ra, một diện tích hàng chục ha đất sát biển thuộc khu phố Tàu cũng đã được chính quyền Đà Nẵng cấp cho công ty Sliver Shores (Trung Quốc) đầu tư loạt khách sạn cao tầng tại khu vực sân bay Nước Mặn.
Ngoài tổ hợp khách sạn Crowne Plaza xây dựng đưa vào khai thác sử dụng hơn 10 năm nay, hiện một tổ hợp khách sạn cao tầng JW Marriott đang được Sliver Shores đầu tư xây dựng có quy mô 2 khu, mỗi khu 18 tầng sắp được hoàn thành.
Cả khu vực này nằm bên tổ hợp khách sạn Crowne Plaza do người Trung Quốc làm chủ đã hình thành nên khu phố “Tàu” bên biển Đà Nẵng
|
"Con voi chui lọt lỗ kim"
Người dân Đà Nẵng cho rằng, việc người Trung Quốc đứng sau gom mua đất dọc ven biển giống như chuyện con voi chui lọt lỗ kim. Đó là điều không tưởng nhưng thực tế lại đang và đã diễn ra ở Đà Nẵng.
Lý giải vì sao người Trung Quốc thích thu gom đất khu vực sát biển, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng Trần Văn Sơn nói rằng, họ lợi dụng kẻ hở của pháp luật bằng việc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc dự án để trở thành nhà đầu tư, sử dụng đất.
Ông Sơn thừa, nhiều dự án rất nhỏ được đại gia người Trung Quốc đầu tư đã xin thời hạn cấp đất lên đến 50 năm.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Minh Hùng - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, khẳng định: toàn bộ tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp là khu vực có vị trí quân sự trọng yếu, bất khả xâm phạm.
Còn ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng, nhấn mạnh: Việc người Trung Quốc mua gom đất tại khu vực ven biển này là điều không bình thường và ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh cần phải được xem xét, xử lý.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn cũng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng quy định thời hạn hoạt động tối đa cho các dự án nhỏ, để cơ quan cấp chứng nhận đầu tư có cơ sở xử lý; bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính,... để xem xét và quyết định đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
11/08/2016 05:00
Vũ Trung - Phước Nguyên
No comments:
Post a Comment