Viết từ Sài Gòn
Theo RFA-2016-08-11
Vị trí của Thủ tướng đóng vai trò gương mặt quốc gia. Việt Nam tuy là một nước độc tài, nhưng trong xu hướng chung của thời đại kinh tế toàn cầu, vị trí của Thủ tướng không hề nhỏ. Tuy nhiên, giữa chức danh, trọng trách và tư cách, đôi khi có những sự không đồng nhất. Và một Thủ tướng đủ tư cách, trước nhất phải là một Thủ tướng có văn hóa, đó là tiêu chuẩn tối thiểu!
Phố đi bộ Hội An
Ngoài tiêu chuẩn tối thiểu này ra, phải có trình độ, kiến thức, sự thông minh, và kể cả lòng độ lượng, đặc biệt là lòng yêu nước và uy tín cá nhân. Bởi những yếu tố cơ bản trên đây, nếu không có được thì sẽ không bao giờ làm được bất kì công việc gì trong chính phủ chứ đừng nói đến chức danh Thủ tướng.
Với ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam thì sao? Ngoài tốc độ phát biểu quá nhanh, ngay cả người Quảng cũng nghe không kịp, nói mà cứ như chạy đua, như có ai đó đang đuổi theo sau hoặc nói mà giống như sợ ai đó chiếm mất phần nói nên nói cho kịp… Tay thì luôn huơ Đông chỉ Tây chẳng đâu vào đâu. Ông còn chơi một cú rất nặng đô hôm ngày 8 tháng 8 này là cho nguyên một đoàn xe tùy tùng dài cả cây số vào ngay khu phố đi bộ của phố cổ Hội An.
Thực ra, giờ mà Thủ tướng Phúc đưa xe vào khu phố vẫn đang cấm xe gắn máy. Nghĩa là từ 7h sáng đến 11h trưa, xe gắn máy và các phương tiện cơ giới không được vào khu phố đi bộ. Từ 11h trưa đến 13h chiều, xe gắn máy được vào đây. Từ 13h chiều đến 17h, lại cấm. Từ 17 đến 19h, xe được đi và từ 19h đến 22h thì lại cấm.
Nhưng cả hai việc cấm và thả đều xoay quanh xe gắn máy. Xe hơi, các phương tiện 4 bánh tuyệt đối không được vào khu phố đi bộ. Sở dĩ người ta phải cấm như vậy là do đường quá chật chội, mặt đường cũng không còn mới gì, hai bên đường là những dãy nhà cổ có tuổi đời đã lên đến trên ba trăm năm. Những ngôi nhà này không chịu nỗi sức rung của những chiếc xe bốn bánh. Chính vì vậy mà xe bốn bánh tuyệt đối không được vào khu phố đi bộ.
Đoàn tùy tùng của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc chơi cả một đoàn xe rầm rộ theo sau, ông và các thuộc cấp thì đi bộ phía trước. Trong khi đó, con đường này dài đúng với chiều dài của đoàn xe. Tôi có đọc status trên facebook Nguyen Thi Thao, tức nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, phó TBT tạp chí Ngày nay nói rằng con đường đó đi bộ cũng hết hai giờ đồng hồ, mà thời gian của Thủ tướng là vàng là bạc nên ông phải có xe đi theo… vân vân và vân vân…!
Xin thưa là nhà báo đó nên đến Hội An một chuyến, bởi Hội An không có con phố nào đi bộ với tốc độ bình thường mà quá 15 phút để đi từ đầu phố cho đến cuối phố. Hội An được mệnh danh là thành phố mà đứng ở đầu phố ho thì cuối phố nghe được! Chỉ có con phố nịnh bợ hoặc con phố không biết gì nó mới dài đi bộ cả hai giờ đồng hồ ở Hội An mà thôi!
Mà tại sao ông Phúc lại chọn kiểu vi hành kì cục như vậy? Bởi càng làm lớn thì càng phải biết coi trọng pháp luật và coi trọng hành vi của mình. Phải chăng ông Phúc đã không biết những chuyện nhỏ như vậy? Tôi không nghĩ là vậy!
Tôi nghĩ rằng nếu như chính quyền thành phố Hội An nói rõ với ông Phúc về phố đi bộ được thành lập vào năm 2004, lúc ông đang làm phó bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, thì chưa chắc ông Phúc đã cho xe vào khu phố này. Bởi tất cả các đoàn xe công của trung ương khi đến một tỉnh nào đó thì phải có hoa tiêu của tỉnh đó dẫn đường. Hoa tiêu gồm lực lượng công an, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông. Họ sẽ dọn đường trước, coi các vấn đề an ninh và sau đó là bố trí nhân viên an ninh ở các điểm nhạy, khi đoàn xe đến chỉ là chuyện cuối cùng, cảnh sát giao thông của tỉnh sẽ dẫn đường.
Rõ ràng ở đây đã có sự sắp đặt, mời mọc và dẫn đường cho đoàn xe chính phủ vào tận khu phố đi bộ. Đương nhiên là ông Phúc cũng phải biết rằng con đường ông cho xe vào là con đường cấm xe bốn bánh, cả đoàn xe của ông đồng loạt nổ máy có thể gây ảnh hưởng mạnh đến những ngôi nhà cổ. Nhưng không, ông Phúc xem như đó là chuyện của ai chứ không hề liên quan đến ông! Tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng như vậy?
Văn hóa, Xã hội?
Có hai lý do để nói rằng Việt Nam dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã và sẽ có nhiều Thủ tướng kiểu như Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức ngớ ngẩn, phát biểu chẳng ra trò trống gì kiểu như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Sinh Hùng… Đó là: Tính mặc cảm xã hội “hậu bao cấp” còn quá nặng và; Phông văn hóa đã bị đánh tráo.
Ở khía cạnh tính mặc cảm xã hội hậu bao cấp còn quá nặng bởi vì dù gì đi nữa thì Nguyễn Xuân Phúc cũng từng đi qua thời kinh tế tập trung bao cấp, thời của van vỉ, nài nỉ bà lương thực, ông thuế vụ để có miếng ăn, đội trên đạp dưới, đâm bị thóc thọc bị gạo vì cái ghế và miếng ăn. Và khi nền kinh tế tập trung bao cấp tạm xếp lại thì liền sau đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có thể hiểu bản chất của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là một loại hình kinh tế hỗn tạp nhất nhân loại, bởi trong thời bao cấp, mọi thứ đầu cơ, cơ hội, chụp giật không có điều kiện phát triển. Khi chuyển sang kinh tế thị trường có định hướng, mọi quyền lực điều hành thuộc về bàn tay sắt của Cộng sản. Lúc đó, những kẻ cơ hội đã có đất sống, họ nhân danh quyền lực nhà nước, quyền lực nhóm đứng lên tàn phá đất nước. Nói một cách nghiêm túc nếu Việt Nam có nền kinh tế thị trường mà không theo định hướng nào cả, để nó chảy theo dòng tự nhiên thì đất nước không bị tàn phá như hiện tại. Đất nước này bệ rạc là do cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” này!
Và đây cũng là thời điểm mà mọi thứ mặc cảm xã hội, mặc cảm dân tộc lộ ra rõ nét nhất. Mặc dù Nguyễn Xuân Phúc đã làm đến chức Thủ tướng nhưng bản thân ông ta chưa bao giờ vượt qua mặc cảm được. Bởi lẽ, nếu có bầu cử tự do, có bầu cử đúng tinh thần dân chủ thì Nguyễn Xuân Phúc có nằm mơ cũng không đụng tới cửa văn phòng chính phủ chứ đừng nói sờ vào được ghế Thủ tướng. Biệt danh “Phúc lủi”, “Thủ tướng sân bay” của Phúc cũng nói lên được điều này!
Và khi người ta mặc cảm, điều người ta muốn làm là bằng mọi cách để chứng minh mình cao hơn người khác, mình vĩ đại hơn người khác, mình đặc biệt hơn người khác, mình là một thứ gì đó thần thánh, khác người… Im lặng để thuộc hạ đưa xe vào khu phố cấm rồi nói cười bắt tay với những người dân được chính quyền Hội An dàn dựng cho gặp Thủ tướng cũng là một cách để chứng minh với thiên hạ rằng “Tuy quyền lực cao vọi, tao muốn đi đâu thì tao đi nhưng tao vẫn cứ đi bộ, bỏ mặc đoàn xe lẽo đẽo theo sau tao, tao chịu cúi mình xuống để… bắt tay với mấy người đã được chỉ định!”. Tất cả đều do mặc cảm mà ra!
Và, đặc biệt, phông văn hóa Việt Nam đã xuống đến mức mà người ta không còn qui chuẩn nào để kéo lại. Chính vì không còn qui chuẩn nào để níu kéo nên khi có một tai to mặt lớn nào đó định làm chuyện sàm bậy họ cũng không thấy chùng tay. Bởi vì đó là cái phông chung, thêm một cục bùn xuống ao nước đục thì cũng chẳng sao cả. Chứ nếu Việt Nam là ao nước trong thì ông Phúc không bao giờ dám vứt cục bùn tổ tướng vào phố cổ Hội An, vào gương mặt Việt Nam như chuyện hôm ngày 8 tháng 8 vừa qua đâu!
- Viết Từ Sài Gòn 11/08/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment