Friday, August 5, 2016

Vay Trung cộng 7.000 tỷ làm cao tốc: Lại 'nối giáo cho giặc'?

Chưa dứt nợ cũ lại đến nợ mới. Xã hội Việt Nam lại sôi trào lên bởi mưu tính vay Trung cộng 300 triệu USD (khoảng 7,000 tỷ đồng) để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.


Ảnh: CafeF

Như để trấn an dư luận xã hội, một thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Đào Quang Thu khấp khởi: “Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn, và Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm, ngỏ ý cho Việt Nam vay vốn”.
Nhưng một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã lôi toạch thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung cộng, chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung cộng.
Ông Lê Đăng Doanh giải thích: “Trung Quốc hiện nay đang thừa quá nhiều thép và xi măng. Năng suất hằng năm của Trung Quốc đối với mặt hàng thép là 1.200 triệu tấn, Trung Quốc chỉ dùng 600 triệu tấn, số dư còn lại đang tìm cách đẩy sang liên minh châu Âu, sang Mỹ cũng như các nước khác... và đang bị các nước chống đối kịch liệt. Cho nên, bây giờ Trung Quốc dùng miếng “mồi” 300 triệu USD này. Nếu Việt Nam nhận lời vay vốn thì Việt Nam phải nhập toàn bộ thép, xi măng, thiết kế thi công, công nhân lẫn giá, sát của Trung Quốc”.
Ông Lê Đăng Doanh cũng chỉ ra rằng đòn bẩy của Trung cộng còn ở chỗ ban đầu họ đưa ra thiết kế rất thấp tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giá cứ bị “đẩy lên”, dần dần giá chào rẻ ban đầu sẽ trở nên “rất đắt”. “Dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông là bài học nhãn tiền”, ông Doanh nhấn mạnh.
Quả thật, bài học quá đắt giá từ “thành tích” nhà thầu Trung cộng tham gia dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Hà Đông - Cát Linh, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác… vẫn chưa hề được khai não.
Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung cộng là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.
Trong nhiều năm qua, trước tình trạng nhà thầu Trung cộng trúng thầu tới 90% dự án nhiệt điện tại Việt Nam, một số chuyên gia trong nước đã phải lên tiếng cảnh báo rằng doanh nghiệp Trung cộng chịu “chi thoáng” nhất thế giới. Tất cả những gì không thể thượng lên bề nổi thì đều chui dưới gầm bàn. Tiếng gặm xương rau ráu của loài chó cũng vì thế chẳng mấy ai nghe được.
Cách đây không lâu, vụ việc Công ty Xinxing ở Hà Bắc, Trung cộng, thắng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sông Đà về Hà Nội giai đoạn 2 đã khiến khối dân cư lên đến 8 triệu dân Hà Nội muốn phát hoảng. 17 lần đường ống nước Sông Đà 1 bục vỡ trước đó (đến nay  đã là 18 lần) vẫn còn dư âm gần như nguyên vẹn. Nhưng kinh hãi hơn cả là không một quan chức nào “rơi đầu”. Tất cả vẫn ung dung khoe khoang thành tích “vì sự nghiệp công ích xã hội”.
Ngay sau khi kết quả thắng thầu của Công ty Xinxing được công bố, nhiều người dân thủ đô lập tức “lên ruột”. Nhưng một số đại biểu quốc hội và báo nhà nước chỉ dám tế nhị nhắc nhở “đừng ham rẻ mà quên đi vấn đề chất lượng”. 
Nhưng ở một chiều kích ngược lại, những người dân mạnh miệng nhất lại đay nghiến “Biết ngay mà! Chắc lại đi đêm ăn chịu với nhau thì mới có chuyện cho Trung Quốc thắng thầu”.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment