Friday, August 5, 2016

Nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang rối ren nhân sự

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng năm 2016 đã không diễn ra suông sẻ, một phần do có sự can thiệp quá sâu của ngân hàng trung ương CSVN (SBV).

Giao dịch tại Eximbank (ảnh: SBV)
Tâm điểm “rối ren” về nhân sự cao cấp hiện nay là Eximbank. Sau hai lần tổ chức ĐHCĐ bất thành vào ngày 29-4 và 24-5, lần đại hội bất thường theo kế hoạch vào ngày 2-8 vừa qua cũng không thể diễn ra, do vào giờ chót SBV có văn bản yêu cầu Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông và báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung hội đồng quản trị (HĐQT).
Cuộc chiến nhân sự giữa các nhóm cổ đông ở Eximbank, gồm có đại diện cho phía SBV và nhóm cổ đông tư nhân. ĐHCĐ lần thứ nhất bất thành do nội dung đưa ra bàn thảo không thể hiện nguyện vọng của các nhóm cổ đông tư nhân, nên nhóm cổ đông này không tham dự, do đó không đủ số cổ đông để tiến hành đại hội theo quy định là 65%.
Lần thứ hai, một ĐHCĐ hết sức hỗn loạn đã diễn ra vì sự tranh cãi quyết liệt hơn 3 tiếng đồng hồ giữa các nhóm cổ đông về việc HĐQT 9 hay 11 người, nên ĐHCĐ bắt đầu trễ, và cuối cùng không kịp thời gian kiểm phiếu.
Tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ ngày 2-8 có nội dung về việc đề nghị cổ đông bầu và thông qua danh sách trúng cử bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT. Theo thông tin có được, trong 3 thành viên này, có người từ SBV sẽ được đề cử thế vào vị trí ông Cao Xuân Ninh.
Đã hết mùa ĐHCĐ năm 2016 nhưng ngoài Eximbank, còn có Sacombank vẫn chưa tiến hành ĐHCĐ, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vấn đề nhân sự. Sau khi được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, HĐQT Sacombank đã xin phép các cơ quan quản lý được tổ chức ĐHCĐ dự kiến trong tháng 6-2016 thay tháng 4-2016. Lý do là ngân hàng này đã nhận sáp nhập SouthernBank và đang chờ hướng dẫn và phê duyệt đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của SBV. Tuy nhiên, đến nay đã là tháng 8, ngày họp ĐHCĐ của Sacombank vẫn chưa được ấn định.
Đáng chú ý về nhân sự, ông Trầm Bê đã chính thức rời ghế phó chủ tịch HĐQT vào tháng 11-2015, và không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu. Theo báo cáo quản trị năm 2015 của Sacombank, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179.3 triệu cổ phần Sacombank, tương đương 9.49% vốn điều lệ ngân hàng. Toàn bộ số cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank được ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn cho SBV. Như vậy, việc ai sẽ ngồi “ghế nóng” của Sacombank hiện vẫn là ẩn số và thị trường đang chờ đợi kết quả trong đợt ĐHCĐ sắp tới.
Hiện Chủ tịch HĐQT của Sacombank kiêm thành viên độc lập là ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế SBV. Với cổ phần chi phối tại Sacombank, SBV rất có thể sẽ điều động nhân sự tham gia điều hành ngân hàng này.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các ngân hàng sẽ còn thay đổi đáng kể về nhân sự cấp cao khi ngành ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc, vì làn sóng mua bán - sáp nhập trong ngành này được nhận định vẫn chưa lặng sóng.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment