Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-08-08
Nước lũ dâng cao trên sông Hồng, Lào Cai. Courtesy of Báo Lào Cai
Trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ, lúc mọi người vẫn còn đang say giấc lúc 2 giờ sáng ngày 5 tháng 8, một trận lũ ống lớn chưa từng thấy đã kéo đến và xóa sạch một ngôi làng, gây ngập úng nhiều làng, xã, nhiều huyện ở tỉnh Lào Cai. Hậu quả của trận lũ này để lại không nhỏ chút nào, và đời sống của bà con hiện nay ra sao?
Thiệt hại
Theo thông tin từ các báo địa phương, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã làm 11 người bị thiệt mạng; cuốn trôi, vùi lấp nhiều nhà ở, tài sản, gia súc.
Hậu quả thì quá nặng, hiện tại chỉ mới tìm được ba người mất tích. Có 60 gia đình bị cô lập, chỉ tạm thời bắc cầu tre để đưa hàng hóa vào bên trong.
- Nữ cán bộ sở cứu hộ tỉnh Lào Cai
Giới chức tỉnh Lào Cai cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Nida đã gây ra mưa to suốt 4 ngày liền trên địa bàn Lào Cai. Đến sáng ngày 5 tháng 8, lượng mưa đo được tại một số huyện ở mức cao như Bát Xát 152mm, thành phố Lào Cai 63mm, Sapa 60mm, Bảo Yên 72mm. Trong đó, huyện Bát Xát chịu ảnh hưởng nặng nhất, cây cầu treo qua thôn Sủng Hoảng bị cuốn trôi làm cho 16 gia đình bị cô lập.
Các tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuyến đường 4D từ thành phố Lào Cai đi Sapa bị tắc, tuyến đường từ thành phố Lào Cai đến Bát Xát cũng bị chia cắt, nhiều tuyến đường tỉnh lộ cũng bị nước dâng cao, không thể lưu thông.
Một nữ cán bộ thuộc sở cứu hộ cứu nạn tỉnh Lào Cai cho hay:
“Vấn đề lương thực thì hiện tại đang có các đoàn cứu trợ gởi vào. Tạm thời cũng ổn rồi. Nhưng phải chờ thời gian để thống kê thiệt hại.”
Tuy nhiên, một cán bộ làm việc tại ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:
”Bão cũng đã đi qua rồi. Hậu quả thì quá nặng, hiện tại chỉ mới tìm được ba người mất tích. Có 60 gia đình bị cô lập, chỉ tạm thời bắc cầu tre để đưa hàng hóa vào bên trong, vẫn chưa thể nói được gì.”
Vị này nhận xét là mức thiệt hại về người và tài sản là không thể kể xiết, mặc dù số lượng người chết và mất tích đã xác định là 11 người nhưng số người bị khủng hoảng tinh thần về lâu dài và nhiễm các bệnh tật do bị thương, do thiếu lương thực và thiếu vệ sinh sẽ còn là một ẩn số không nhỏ.
Với nguồn sống vốn èo ọp từ trước đến nay, kinh tế của Lào Cai, nhất là các xã bị thiệt hại nặng sẽ khó vực dậy sau trận lũ này. Để làm được điều này có lẽ phải tốn đến cả chục năm.
Một cán bộ tên Phương, làm việc tại huyện Bát Xát, chia sẻ:
“Hiện tại bây giờ chưa có tin gì về sức khỏe. Chỉ có một số người quá mệt do chạy lũ, nhà cửa thì sạt lở hết. Đá tầm ba tấn đến 5 tấn trôi xuống thì còn gì. Cây gỗ trên rừng trôi về hết, lấp sạch mọi thứ.”
Ông Phương cho biết thêm là xã Cốc San, huyện Bát Xát cũng bị ảnh hưởng rất nặng, toàn bộ hệ thống ao hồ trong huyện ngập trắng, cá mất, ruộng trắng xóa bùn lầy. Chính quyền địa phương đã di chuyển được 10 gia đình thuộc vùng núi sạt lở ra khu trường học. Trong đó, thôn Luổng Giang thuộc xã Cốc San, có trường hợp thương tâm là ba chị em ruột gồm hai gái, một trai của một gia đình bị nước sạt đất chèn lấp. Các cháu bé không may mắn đã được mai táng.
Công tác cứu trợ
Ông Phương chia sẻ về tình hình cứu trợ đến bà con:
“Chủ yếu bây giờ hỗ trợ về mì tôm, nhu yếu phẩm, bà con cần nồi niêu, bát đũa, tạm thời là vậy. Nhưng về lâu về dài thì phải mua tấm pro ciment về lợp nhà cho bà con sống chứ chẳng còn gì… Hiện tại chỉ có khả năng cứu trợ một ít nhu yếu phẩm để qua ngày. Nhà nước đang có chính sách cấp mỗi người hai bộ quần áo để khỏi bị lạnh thôi.”
Dường như những suất quà ít ỏi hiện tại cũng chỉ làm ấm bụng người khốn khó vài ba bữa là cao chứ không giải quyết lâu dài được, nói cho cùng là giống như hạt muối bỏ bể trong hoàn cảnh này.
Hiện tại chỉ có khả năng cứu trợ một ít nhu yếu phẩm để qua ngày. Nhà nước đang có chính sách cấp mỗi người hai bộ quần áo để khỏi bị lạnh thôi.
- Ông Phương, cán bộ huyện Bát Xát
Một người dân thôn Sùng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai, tên Kính, chia sẻ:
“Đất đá lấp đầy, muốn khôi phục lại chắc mất ít nhất cũng 5 năm. Khó, đời sống sẽ rất khó để mà nói chuyện tồn tại! Vài trăm hecta hoa màu bị mất trắng hoàn toàn. Mưa lũ, nước ở trên rừng đổ xuống…”
Ông Kính vẫn chưa hết kinh hoàng cho biết thêm là có 16 căn nhà trong thôn bị xóa sạch. Ông may mắn hơn những người khác trong thôn do đi buôn hàng chuyến, lẽ ra đêm mùng 4 ông về nhà nhưng lại gặp bạn, ngồi uống mấy chén thì say khướt, phải ngủ lại thành phố Lào Cai. Trong khi đó, chưa bao giờ ông uống vài ba chén rượu mà bị say như hôm tối mùng 4, một đêm mà sau đó vài giờ là nỗi kinh hoàng ập xuống hàng xóm và gia đình ông.
Một cán bộ xã Phìn Ngan cho biết hiện vẫn chưa có thể vào thôn được bởi con nước quá dữ. Nếu vượt được suối đang lũ, lội bộ vào được Sùng Hoảng 2 cũng phải mất ba giờ đồng hồ, bị sạt lở, chẳng biết đâu là đường, đâu là hố sâu. Hiện tại, cả 16 ngôi nhà của người dân đều không còn vết tích.
Ông Chảo Phủ Páo, 60 tuổi, ngậm ngùi cho biết 16 gia đình với 105 người, sau lũ có 3 người mất tích, 102 người còn lại tạm xuôi xuống tá túc nhờ tại thôn Sùng Hoảng 1 - nơi cũng bị cô lập nhưng còn nhà ở. Ông Páo nói rằng suốt mấy mươi năm nay, lần đầu tiên ông thấy một trận lũ lớn đến mức kinh hoàng như vậy!
Ông Páo cho biết thêm là số người dân sống sót sau trận lũ có đến hơn một nửa là trẻ em, hiện tại, mọi người đang đói rét, đói thì chưa đến nỗi quá đói bởi có mì tôm cứu tế. Nhưng rét thì 100% bị rét bởi không có ai mang theo bộ áo quần dự phòng nào khi chạy. Cả thôn rủ nhau chạy sau khi trưởng thôn là con trai ông Páo chạy đi gọi từng nhà dậy để chạy lũ. Khi mọi người chạy đến lưng chừng đồi thì nghe tiếng nước dội vào vách núi như bom nổ chảy xuống thôn. Và sáng hôm sau về thăm thì thấy cả thôn ngập nước, các ngôi nhà trong thôn hoàn toàn bị xóa trắng không còn dấu vết. Có ba người ngủ quên đã bị lũ cuốn mất.
Tình trạng của những người dân vùng lũ ở tỉnh Lào Cai hiện nay có thể nói rằng quá thảm khốc và sự tổn thương, mất mát của người dân nơi đây khó có gì bù đắp nổi. Họ đang mong chờ những bàn tay nhân ái của đồng loại!
No comments:
Post a Comment