Tuesday, August 9, 2016

Hiểm họa hóa chất tràn ra môi trường

RFA- 2016-08-09  
000_APH2001031641421.jpg
Một bé gái ở xã Bản Đôn, huyện Đắk Lắk, tỉnh Tây Nguyên  AFP photo
Vụ đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Dak Nông vỡ hôm cuối tháng 7 vừa qua được giới chuyên gia nhận định là hiểm họa khai thác bô xít tại Tây Nguyên đang lộ rõ và sắp tới sẽ gây hại như cảnh báo được các nhà khoa học đưa ra cách đây gần cả chục năm khi chính phủ Hà Nội quyết định thực hiện dự án bị cho là phiêu lưu đó.
Vụ mới nhất
Đường ống nhà máy Alumin Nhân Cơ tại huyện Dak R’lắp, tỉnh Dak Nông do nhà thầu Chalieco- Trung Quốc phụ trách vào sáng ngày 23 tháng 7 vừa qua bị vỡ khiến hóa chất kiềm tràn ra ngoài.
Lượng kiềm tràn ra ngoài được nói gần 9,6 mét khối.
Truyền thông trong nước loan tin một số kiềm thấm xuống lòng đất trong phạm vi 600 mét vuông, phần còn lại chảy theo đường ống đổ xuống suối Dak Dao.
Vấn đề bauxite đã có đủ các tầng lớp nhân dân có ý kiến, đã dự đoán những nguy hiểm không những cho kinh tế, môi trường, vấn đề bảo vệ tổ quốc...nhưng lãnh đạo họ không để tâm nghe.
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang 
Một người dân tại xã Dak Dao cho tờ Giao Thông biết khi nước từ đường ống bị vỡ tràn xuống suối thì nước trở nên đục, có màu sẫm đen, mặt nước nổi váng loang lổ… Người dân tiếp xúc với nước suối chừng 10 phút thấy chân bị ngứa, da khô cứng, căng ra. Chỗ da non nếu tiếp xúc nước đó bị đau rát và cả nổi rộp lên như bị bỏng nước sôi.
Cá trong suối chết nổi lên. Những người dân thấy cá chết xuống suối vớt lên đã bị những hiện tượng như vừa nêu.
Thông tin từ Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Dak Nong cho biết phía Công ty Nhôm Dak Nông đã tiến hành thu gom lượng hóa chất bị thoát ra bên ngoài; phần đất bị kiềm tràn ra được xúc đổ vào hồ chứa bùn đỏ; ngoài ra còn dùng hóa chất pha loãng trung hòa lượng kiềm…
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên & Môi trường sau khi phân tích mẫu nước lại báo cáo nói độ pH trong nước, đất vẫn nằm trong qui chuẩn của Việt Nam. Đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng cũng nói không ghi nhận thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra cho cây cối, sinh vật trong khu vực khảo sát.
Ban Quản lý dự án Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ – Vinacomin còn cho vụ vỡ đường ống khiến hóa chất kiềm tràn ra ngoài không ảnh hưởng đến môi trường. Dù thế ban này cũng cùng nhà thầu Chalieco khắc phục sự cố.
Vụ vỡ đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ xảy ra trong giai đoạn nhà thấu Chalieco, Trung Quốc đang tiến hành các bước để chạy thử liên động toàn nhà máy.
Thông tin cho hay tính đến ngày 22 tháng 7 vừa qua tổng số kiềm đã nhập về Nhà máy Alumin Nhân Cơ là hơn 22 ngàn 110 tấn.
Cảnh báo của chuyên gia
Ngay từ năm 2007 khi dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được chính quyền Hà Nội chuẩn thuận, nhiều chuyên gia, nhân sĩ- trí thức Việt Nam lên tiếng, ký thỉnh nguyện không thể tiến hành vì nhiều mối nguy về môi trường, xã hội, quốc phòng… tuy nhiên dự án vẫn được tiến hành vì theo những vị điều hành lúc bấy giờ đó là chủ trương lớn của ‘đảng và nhà nước.’
cafeland.jpg-400.jpg
Nhà máy Alumin Nhân Cơ tại huyện Dak R’lắp, tỉnh Dak Nông. Photo courtesy of cafeland
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang vào ngày 5 tháng 8 nhắc lại việc ý kiến phản biện đối với dự án khai thác bauxite Tây Nguyên không được lắng nghe dẫn đến những hậu quả như lâu nay:
“Vấn đề bauxite đã có đủ các tầng lớp nhân dân có ý kiến, đã dự đoán những nguy hiểm không những cho kinh tế, môi trường, vấn đề bảo vệ tổ quốc.
Nhiều tầng lớp nhân dân đã nói, không chỉ trí thức, lão thành cách mạng mà cả những đảng viên, rồi bậc công thần như cụ Võ Nguyên Giáp cũng có ý kiến.
Tất nhiên những người trong lĩnh vực chuyên sâu như chúng tôi cũng đã phát biểu ý kiến, đã tha thiết can ngăn nhưng những người lãnh đạo họ không để tâm nghe.
Bây giờ những tai họa đó đang xuất hiện và sẽ còn xuất hiện ở khắp nơi.”
Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, một trong những trí thức chủ xướng Trang Bauxite Việt Nam nhằm gióng tiếng cảnh báo đối với dự án đó nhắc lại tác hại hóa chất kiềm tràn ra môi trường do đường ống bị vỡ hôm cuối tháng 7 vừa qua ở nhà máy alumin Nhân Cơ cũng như cảnh báo về những tai họa khác mà thế giới thấy trước do một dự án như khai thác bauxite ở Tây Nguyên gây ra:
Các cơ quan thông tấn không được nói cho đầy đủ, đến nay đồng bào tại đó bị tác động vào xương thịt, vào đời sống mới kêu rên, báo chí mới nêu lên. Nếu phản ánh cho hết những cái mà dân đang chịu thì lớn lắm.
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang 
“Chất sud, chất kiềm này rất nguy hiểm ví dụ tiếp xúc với nó có thể bị ‘tuột tay, tuột chân’, làm mệt; chưa nói trong chất bùn đó còn có kim loại nặng, những chất độc khác nữa ở mức độ ít, còn kiềm là nhiều.
Như vậy trên thế giới người ta rất sợ chuyện này. Ví dụ như ở úc những hồ chứa bùn đỏ nằm ở những chỗ sâu nhất, không thể chảy đi đâu hết. Nếu hồ có vỡ thì (bùn đỏ) cũng nằm tại đó; có thấm xuống nước ngầm cũng tại chỗ đó. Còn ở Việt Nam thì nằm chỗ cao nhất là Tây Nguyên nên rất nguy hiểm.
(Vỡ) lần này không phải là lần duy nhất/lần đầu/lần cuối mà trong tương lai qua khai thác bùn tích lũy càng ngày càng nhiều.
Tai họa là do các đường ống không chịu lực đủ vỡ ra, hoặc hồ chứa bùn bị động đất hay do nhân tai là người ta phá khi chiến tranh, khủng bố… Trước đây đã có nói đó là quả bom lơ lửng trên đầu chúng ta.”
Bác sĩ Hồ Hải vào cuối tháng tư vừa qua có một bài viết đưa lên trang blog cá nhân kể rõ ‘Tết âm lịch 2016 vừa rồi, tôi về thăm lại Dak Lak và được biết thị trấn Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nong, nơi mà các khu công nghiệp bauxite Tây Nguyên Tân Rai và Nhân Cơ đã làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Dân Gia Nghĩa bây giờ không dám uống nước từ giếng nước, mà phải mua mước từ Ban Mê Thuột vể để uống. Người dân có khả năng đưa con em mình di cư từ Gia Nghĩa đến thành phố hoặc địa phương khác sinh sống và học tập.’
Phản biện
Đối với những giải thích mà cơ quan chức năng cũng như ban quản lý dự án nhà máy alumin Nhân Cơ đưa ra về vụ vỡ đường ống khiến hóa chất kiềm tràn ra ngoài, giáo sư Nguyễn Thế Hùng có ý kiến:
“Họ nói rằng hồ an toàn là nói với những người không hiểu biết. Có thấm ít chứ không phải không thấm. Cứ tưởng tượng ngày này qua ngày nọ thì sẽ thấm bao nhiêu.
Bây giờ đường ống vỡ ra thì người ta thấy chứ còn thấm xuống thì người ta không thấy. Những nguy hiểm được các nhà khoa học nhìn thấy bằng trí tuệ, còn ‘người trần, mắt thịt’ làm sao thấy được; cho nên họ nói như tự vả vào miệng thôi.”
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang có nhận định về thông tin tác hại do những nhà máy thuộc dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được tiết lộ:
“Các cơ quan thông tấn không được nói cho đầy đủ, đến nay đồng bào tại đó bị tác động vào xương thịt, vào đời sống mới kêu rên, báo chí mới nêu lên. Nếu phản ánh cho hết những cái mà dân đang chịu thì lớn lắm.
Người dân ở đó gánh chịu và cả dân tộc phải chịu về vấn đề kinh tế và phá hoại môi trường thì còn lớn lắm.”
Dự án bị phản đối
phapluatplus.jpg-400.jpg
Nhiều cá tôm chết bất thường tại dòng suối Đắk Dao. Photo courtesy of phapluatplus.vn
Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam thông qua tại đại hội lần thứ 9.
Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt qui hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có tính đến năm 2025.
Truyền thông trong nước vào tháng 3 năm 2015 đưa ra con số lỗ của nhà máy Nhân Cơ trong 6 năm đầu là 3 ngàn tỷ đồng, nhà máy Tân Rai ít hơn là 460 tỷ đồng cho 3 năm đầu.
Dù lỗ lã và gây hại cho môi trường, xã hội và nguy cơ về quốc phòng, thế nhưng dự án vẫn được nhà nước tiến hành. Giáo sư Nguyễn Thế Hùng lý giải sự bất hợp lý đó như sau:
“Trước hết cơ chế ( tại Việt Nam) không phải ‘của dân, do dân và vì dân’ mà là cơ chế của lãnh đạo; họ muốn làm gì thì làm. (Đơn cử một bài toán có nhiều nghiệm), anh là lãnh đạo một công ty nhà nước thì phải xướng việc này, xướng việc kia mới có ăn được chứ! Lỗ là đất nước lỗ còn trong túi cá nhân thì ngày càng đầy.
Hoặc là bị áp lực của một thế lực nào đó chi phối, bắt phải làm. Nếu không làm thì (bị) đánh bài ngửa và sẽ chết; như bị đeo thòng lọng và bảo đi mà không đi là bị giật.
Trên đất nước này biết bao nhiêu dự án lỗ lã chứ đâu phải riêng gì bauxite Tây Nguyên. Như (dự án) Vũng Áng cũng lỗ lã biết bao nhiêu và nguy hiểm là đang giết cả dân tộc Việt Nam.”
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang cũng có ý kiến:
“Theo tôi rất đáng phàn nàn các cấp lãnh đạo vì họ kiêu ngạo cộng sản, họ không không chịu lắng nghe ý kiến của nhân dân. Có những người có trí thức, trí tuệ và tấm lòng đối với đất nước hơn hẳn các nhà lãnh đạo; nhưng những vị lãnh đạo có ‘ghế’ và lo bảo vệ chiếc ghế đó chứ không lo bảo vệ chân lý, quyền lợi của đất nước và nhân dân.
Trên đất nước này biết bao nhiêu dự án lỗ lã chứ đâu phải riêng gì bauxite Tây Nguyên. Như (dự án) Vũng Áng cũng lỗ lã biết bao nhiêu và nguy hiểm là đang giết cả dân tộc Việt Nam.
- Giáo sư Nguyễn Thế Hùng 
Những người ( lãnh đạo) đó đã tạo ra rất nhiều hiểm họa mà gần đây mới phát giác như Formosa.
Trở lại cách đây 10-15 năm, các ý kiến phân tích đã hết sức đầy đủ. Bây giờ buộc các nhà lãnh đạo phải nghiêm chỉnh tổ chức các hội thảo để các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực phân tích, đưa ra kiến nghị thu gọn, thậm chí phá bỏ, dừng thực hiện dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.”
Một vị giáo sư- tiến sĩ khác tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Dân, có bài điểm lại ý kiến của cả hai phía ủng hộ và phản đối dự án bauxite Tây Nguyên. Ông này cũng tổng hợp toàn bộ thông tin được báo chí trong nước loan tải về những diễn tiến suốt thời gian qua tại hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ.
Kết luận của giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Đức Dân là nhân vụ vỡ đường ống nhà máy alumin Nhân Cơ vào cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ Hà Nội cần có những hành động kiên quyết, muộn còn hơn không.
Báo Giao thông trong nước trích phát biểu của phó giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Văn Phổ thuộc Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản, Hội Địa Chất Việt Nam ‘nếu không cẩn trọng trong khai thác bauxite ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường tại Tây Nguyên giống Formosa ở Hà Tĩnh.’

No comments:

Post a Comment