Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-08-05
Một góc cầu Vượt ở Sài Gòn. RFA photo
Khác với nhiều năm trước đây, việc xây dựng các công trình công cộng đã được người dân quan tâm, góp ý và một số trường hợp phản biện nhà nước để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính khoa học cũng như sự hợp lý của nó.
Các công trình xây dựng đường sá ở thành phố Sài Gòn đang được người dân quan tâm chặt chẽ. Bằng kiến thức về pháp luật, sự hiểu biết về kĩ thuật cũng như có một số người có chuyên môn hẳn hoi nằm trong khu dân cư có con đường đi qua đã lên tiếng đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi đến Chủ tịch và Bí thư thành phố với mong mỏi công trình được tốt đẹp hơn, khoa học hơn. Tuy nhiên, tiếng nói của người dân hiện tại vẫn còn lọt thỏm giữa các công trình và mọi chuyện vẫn mù mờ, vô vọng…
Đường, chuồng heo và bẫy…
Một người dân tên Hồng, sống tại đường Nguyễn Oanh, quận Gò vấp, thành phố Sài Gòn bức xúc: “Người dân chúng tôi thấy việc xây dựng sai với quy chuẩn. Vì đường thành phố thì lề đường từ 4 đến 6 mét, nhưng bên sở giao thông vận tải thiết kế thì lề đường có 1 mét, còn taluy nữa là chỉ còn 0,75 mét. Chúng tôi đã có văn bản lên nhà chức trách thành phố vào năm 2015, đến tháng 7 năm 2016 đã có văn bản phúc đáp của sở giao thông vận tải là mở rộng lề đường từ 1 mét lên 2 mét. Nhưng đồng nghĩa với điều đó là lòng đường từ 5m25 giờ chỉ còn 4m25. Công văn phúc đáp bảo là đường này chỉ dành cho những hộ hai bên đường Nguyễn Oanh nên chỉ vậy thôi. Nhưng điều này vô lý, vì người bên quận 12 và Bình Dương muốn vào thành phố thì chỉ có đi qua đường này… Chúng tôi rất bức xúc!”
Sở giao thông vận tải làm sai quy chuẩn...Điều này sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh, rồi nguy hiểm cho người dân, không an toàn.
- Một kỹ sư cầu đường
Ông Hồng cho chúng tôi xem một số văn bản phúc đáp của sở xây dựng thành phố về vấn đề xây cầu thép vượt trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, Sài Gòn. Trong đó, bên phía Sở cho rằng lề đường 2m là phù hợp với tiêu chuẩn đường giới hạn 25km/h trên mục đường dân sinh. Nhưng điều này, theo ông Hồng là trái với thực tế hoàn toàn. Bởi đường dân sinh theo định nghĩa của luật Việt Nam hiện hành là đường nội khu của khu dân cư, dùng trong sinh hoạt đi lại của những khu dân cư, liên phường.
Trong khi đó, trục đường Nguyễn Oanh là trục đường chính, liên quận, người ở các quận đều đổ về trục đường này để vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trục đường này hội tụ lưu thông của sáu con đường khác như Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung…Chính vì vậy, quyết định giữ nguyên lề đường 2m là sai thông số kĩ thuật. Và nói rằng đường này qui định 25km/h thì càng vô lý bởi điều đó sẽ gây ùn tắt giao thông khi mọi con đường đổ về đây bỗng dưng hạ tốc độ hàng loạt.
Đó là chưa muốn nói đến lòng đường quá hẹp, lề đường quá hẹp như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thắt nút cổ chai và nguy cơ xe đâm vào nhà dân, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Bà Phụng, cư dân trên đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp, chia sẻ thêm:“Bà con bức xúc lắm, vì để bảo vệ tính mạng người dân thôi. Lòng đường có 4m và lề đường có 2 mét thì rất nguy hiểm đến tính mạng người dân, chưa kể đến ảnh hưởng kế sinh nhai, giá trị nhà giảm… nhưng dân chấp nhận hy sinh. Tuy nhiên, dân chỉ ủng hộ nhà nước làm cầu nhưng không thể ủng hộ tính mạng được.”
Bà Phụng tỏ ra rất lo ngại khi con đường chỉ rộng chưa đầy 5 mét, lề đường chỉ có 2 mét. Trong khi đó, hầu hết các gia đình hai bên đường yêu cầu chính quyền thành phố mở rộng lề đường và lòng đường. Người dân chấp nhận mất diện tích nhà, xây lùi nhà về phía sau để đảm bảo đường không bị đào lên lấp xuống sau này vì thiếu diện tích lề đường.
Biết sai vẫn làm cho kịp tiến độ
Đã có rất nhiều đơn thư của bà cùng với các gia đình trên đường Nguyễn Oanh gửi đến Sở giao thông, ủy ban nhân dân thành phố và nhiều cơ quan chức năng khác nhưng hầu như mọi việc chỉ đi vào im lặng, người ta vẫn tiếp tục thi công. Người dân yêu cầu tạm dừng thi công để chờ kết quả của cấp trên thì bên thi công trả lời khi nào có kết quả thì tính tiếp, hiện giờ họ phải thi công cho kịp tiến độ.
Một kỹ sư cầu đường, hiện công tác tại Sở Xây dựng thành phố sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Sở giao thông vận tải làm sai quy chuẩn. Tại khu vực đường Nguyễn Oanh, tiếp giáp với siêu thị Văn Lang thì theo quy chuẩn mới nhất 2016: Đường đô thị, đường tiếp xúc với lối vào trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… thì chiều rộng vỉa hè mỗi bên tối thiểu là 4 m. Nhưng theo quyết định mới nhất ngày 4.7.2016, thì tuyến đường này chỉ được duyệt lề có 2m thôi. Điều này sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh, rồi nguy hiểm cho người dân, không an toàn. Vì lề quá hẹp, không an toàn, xe chạy lỡ có sự cố thì rất nguy hiểm.”
Vị này cho rằng vấn đề thi công cầu thép vượt Nguyễn Oanh là hoàn toàn sai về mặt pháp luật cũng như thông số kĩ thuật. Trong đáng, đáng sợ nhất vẫn là vấn đề định nghĩa của cơ quan chức năng. Lẽ ra, nếu định nghĩa theo đúng thông số kĩ thuật để rồi đi đến đền bù giải tỏa theo đúng pháp luật thì đường Nguyễn Oanh không thể định nghĩa là đường dân sinh. Và một khi định nghĩa sai thì sẽ dẫn đến một chuỗi sai có tính hệ thống. Trong trường hợp này, người dân bất mãn là có lý do của họ.
Một người dân ở quận 12, thành phố sài Gòn, tên Diệp, buồn bã chia sẻ: “Như cháy nổ, tai nạn xảy ra rất nguy hiểm. Lòng đường nhỏ rất nguy hiểm, vì cầu chữ Y chia làm 3 nhánh, có 6 làn xe, mà chỗ nào cũng nhỏ như vậy, rất nguy hiểm. Xây dựng như thế quá tốn kém mà lại kém hiệu quả.”
Lòng đường nhỏ rất nguy hiểm, vì cầu chữ Y chia làm 3 nhánh, có 6 làn xe, mà chỗ nào cũng nhỏ như vậy, rất nguy hiểm. Xây dựng như thế quá tốn kém mà lại kém hiệu quả.
- Một người dân ở quận 12
Là một kỹ sư xây dựng được đào tạo từ trường kĩ thuật Phú Thọ, Sài Gòn những năm trước 1975, bây giờ là đại học bách khoa Sài Gòn, ông Diệp cho biết đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo về nguy cơ ngập hệ thống bởi cách cải tạo thành phố đầy tính chất vá víu và thiếu nhân cảm sẽ dẫn đến hậu quả khó lường về lâu về dài.
Nhưng đáp lại những lá đơn đóng góp ý kiến đầy tâm huyết của ông là sự im lặng đáng sợ. Và người ta vẫn xây những ô lô cốt cao gần hai mét so với nền cũ để chống ngập cho đường ,mà quên mất rằng sau khi xây ô như vậy thì tất cả những căn nhà dân hai bên đường sẽ thành chuồng heo, chuồng gà vì thiếu lối đi vào, bị bít gần hết cửa chính và mỗi khi trời mưa thì nhà dân trở thành hố gas của mặt đường.
Ông Diệp cho rằng cách làm việc như đang có của những cơ quan chức năng thành phố Sài Gòn để lộ rất nhiều vấn đề sai trái, từ khía cạnh xã hội cho đến khía cạnh kĩ thuật. Bởi một con đường có khoa học và thành công là con đường sau khi xây dựng làm cho người dân vui mừng, hạnh phú và thoải mái vì nó. Ngược lại, một con đường sau khi xây dựng xong chỉ nghe toàn tiếng oán thanh của người dân thì điều đó sẽ dự cảm về một tương lai chính trị bất ổn cho đất nước.
Rất tiếc là mọi tiếng nói tâm huyết, mọi tiếng kêu khẩn thiết và mọi đóng góp có tính vì cộng đồng trong quá trình xây dựng thành phố Sài Gòn hiện nay đều rơi vào im lặng. Điều này lý giải vì sao Sài Gòn ngày càng trở nên nhếch nhác và phức tạp.
No comments:
Post a Comment