J.B Nguyễn Hữu Vinh
Theo RFA-2016-08-08
Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, ảnh chụp tháng 12 năm 2015. AFP
Thông thường, một nhà đầu tư tiền vốn và thiết bị, dây chuyền công nghệ đến bất cứ nơi nào, họ đều tìm những nơi có môi trường đầu tư tốt nhất về các mặt nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho đồng vốn đầu tư của mình. Nói cách ngắn gọn là những nơi đảm bảo cho họ thu được nhiều lợi nhuận nhất và an tâm nhất khi đầu tư tiền vào đó.
Môi trường đầu tư, ngoài những rủi ro về thị trường, về sản phẩm được sản xuất ra với giá thành thấp, chất lượng bảo đảm yêu cầu nhằm thu lợi nhuận lớn nhất thì còn những yếu tố khác tác động đến quá trình đầu tư như điều kiện địa lý, chính trị xã hội nơi đầu tư... là những yếu tố nhiều khi có tính chất quyết định.
Kể từ khi nhà nước Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhiều công ty, tập đoàn của nước ngoài đã vào đầu tư với đủ mọi loại hình. Trong số đó có thể cơ bản phân định ra hai loại: Những nhà đầu tư nghiêm túc, minh bạch và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đất nước Việt Nam, tạo nên nhiều cơ hội cho hạnh phúc của người dân - Tạm gọi đây là những nhà đầu tư "tử tế". Ngược lại, có những nhà đầu tư chỉ lợi dụng chế độ độc đảng, độc tài để hối lộ, đút lót nhằm bóc lột người dân, cướp tài nguyên, khoáng sản và làm tan nát cơ đồ đất nước Việt Nam, gây thảm họa cho người dân, dân tộc này - Tạm gọi đây là những nhà đầu tư "thiếu tử tế".
Với hai loại nhà đầu tư nói trên, thái độ của nhà nước Cộng sản Việt Nam khác hẳn nhau.
Trên rải thảm, dưới rải đinh
Mới đây, đầu tháng 4/2016, theo tờ Tuổi trẻ, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã chua chát khi nói về môi trường xã hội bị làm xấu xí bởi những người thừa hành công vụ tham lam, gây méo mó chính sách của Đảng và nhà nước. Ông nói:
"Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện cắt nước, dựng rào chắn cổng. Một số người thi hành công vụ đã vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn, đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm cho doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng” và “Chúng ta mời gọi các nhà đầu tư, nhưng trên rải thảm dưới rải đinh. Các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới.”
Có lẽ những nhức nhối mà đại biểu Tiến đã phát biểu ở trên, phản ánh thực trạng về môi trường xã hội Việt Nam hiện tại, nhất là đối với những ngành có yếu tố nước ngoài như du lịch và đầu tư.
Người ta thấy, công ty Tango Candy của Nhật Bản tại khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa (Long An) bị một công ty Việt Nam là công ty Tân Đức đổ đất rào cửa, cắt nước. Ông chủ người Nhật Bản gần 80 tuổi phải ra tự đấu nối đường nước và canh chừng cả đêm đề phòng người của công ty Tân Đức đến phá. Nhưng vẫn phải mua nước tinh khiết về dùng và cả dội vệ sinh.
Vụ việc ầm ĩ và kéo một thời gian dài, các cơ quan hữu quan hầu như bất động trong thời gian đó.
Sở dĩ có tình trạng đó, chỉ vì công ty này làm ăn minh bạch và đàng hoàng. Nguyên nhân chỉ vì “Thà chịu mất 1 tỷ chứ không chịu chi sai 1 đồng khi thấy không minh bạch”, đó là tuyên ngôn của người Nhật trong vụ việc này.
Và sự minh bạch, đàng hoàng hầu như không phù hợp với văn hóa Việt Nam?
Không chỉ có bị làm khó bởi những sự cạnh tranh bẩn, bởi sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu, bởi những quan chức thi hành pháp luật. Nhà đầu tư nước ngoài còn bị điêu đứng bởi những chính sách, hành xử ở tầm mức cao hơn. Bởi những luật, lệ chẳng giống ai được thực hiện ở Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản vào Việt Nam, cứ nơm nớp lo sợ rồi đánh bài chuồn bởi cái Luật đất đai quái quỷ của Việt Nam quy định "Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý và đại diện chủ sở hữu". Vậy là những nhà đầu tư bất động sản sẽ có ngày trắng tay ra về khi bất ngờ nhà nước nổi hứng "thu hồi" đất đai, dù trên đó có bỏ ra cả cơ nghiệp để xây dựng, nếu nhà đầu tư lại muốn thực hành cái bài "minh bạch, công khai, không chấp nhận đi đêm" như những nơi khác.
Không chỉ thế, ở Việt Nam không chỉ có luật, mà còn Nghị định, Nghị quyết, chỉ thị... và muôn vàn thứ mà không phải ai cũng nắm được, nhiều khi là vi hiến nhưng đủ khả năng đưa công dân vào tù rục xương.
Cuối năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài phản ứng với bản Thông tư số 23 của Bộ Khoa học – Công nghệ vì trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại VN, cản trở hoạt động đầu tư, nhập khẩu máy móc công nghệ của doanh nghiệp, thậm chí còn trì hoãn hoặc hạn chế chuyển giao các thiết bị sản xuất công nghệ cao cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, ô tô, xe máy, sản xuất tấm nền màn hình, pin quang học…
Đấy là nạn rải chông dưới tấm thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư.
Thế nhưng, những điều nói trên chỉ đúng ở các trường hợp với những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn nghiêm chỉnh và minh bạch - những nhà đầu tư "tử tế". Còn những nhà đầu tư "thiếu tử tế" thì sao?
Chưa có môi trường đầu tư nào tốt hơn Việt Nam!
Nếu ai nói đến môi trường đầu tư vào Việt Nam có những khó khăn, thì đó là sự không công bằng. Bởi đơn giản là có những doanh nghiệp, công ty đầu tư vào VN được những ưu đãi đến mức bất ngờ mà có lẽ ngay cả những người đến đầu tư cũng phải ngạc nhiên.
Trái hẳn với những khó khăn, những rào cản mà những doanh nghiệp nước ngoài gặp phải như đã kể trên, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) có một quá trình đầu tư vào VN, đặc biệt là tại Khu Công nghiệp Vũng Áng, đầy những ưu đãi không thể không giật mình.
Trước hết, là việc thuê đất đai.
Hà Tĩnh đã cho Formosa thuê lại diện tích lên tới hơn 3.300ha (gồm hơn 2.000ha mặt đất và hơn 1.293ha mặt nước), Hà Tĩnh còn “phá lệ” cho thuê đất tới 70 năm (dù quy định Việt Nam chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm). Tổng tiền thuê đất và mặt nước trong 70 năm Formosa chỉ phải bỏ ra 4,455 triệu USD (tương đương hơn 96,22 tỷ đồng).
Nghĩa là, mỗi năm, mỗi mét vuông đất, Formosa chỉ thuê với giá 41,5 đồng Việt Nam. Cũng nghĩa là mỗi năm với 1 đôla Mỹ, Formosa có thể thuê 536 mét vuông đất Vũng Áng.
Để có 33 triệu mét vuông đất cho thuê với giá biếu không, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải di dời hơn 2.200 hộ dân, 10.000 nhân khẩu cùng 36 nhà thờ, hơn 16.000 ngôi mộ và các công trình khác tại 5 xã ở Kỳ Anh.
Để làm được những việc này, nhà cầm quyền đã thi thố đủ mọi trò man rợ đối với người dân Hà Tĩnh. Từ việc di chuyển, ép buộc người dân bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình, cho đến việc dùng bạo lực, đòn thù với người dân, với tôn giáo nhằm đạt được mục đích cho thuê với giá cho không này.
Những nhóm lợi ích đã nhân đà này để đục nước béo cò kiếm chác từ tiền đền bù và các dự án tại đây. Thậm chí, một xứ đạo Đông Yên hoàn toàn không có dự án cũng đã bị dùng đủ mọi thủ đoạn ép buộc giáo dân đi chỗ khác cho một nhóm lợi ích kiếm chác một cách hoàn toàn bất chấp luật pháp dưới danh nghĩa chính quyền. Tàn bạo nhất, ngoài việc đe dọa, nhà cầm quyền còn ép con cái nghỉ học để buộc người dân chấp nhận di chuyển.
Ngoài ra, Formosa còn được hàng loạt ưu đãi về thuế, như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất; giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại (trong khi các công ty khác phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22%); nếu lỗ, Formosa được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định…
Có vẻ như với FHS, những siêu ưu đãi nhận được vẫn chưa đủ nên năm 2014, doanh nghiệp này đã có kiến nghị gửi lên Chính phủ về việc thành lập Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng.
Đó là những thứ mà Formosa được, thứ họ được ưu đãi một cách "bất ngờ" và khó hiểu.
Tuy nhiên, sự khó hiểu đó đó chưa bằng những thái độ chính trị của nhà cầm quyền Việt Nam đã thể hiện đối với doanh nghiệp này.
Ngay từ khi chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp Tata của Ấn Độ đã buộc phải bỏ cuộc, lý do "chỉ có Trời biết".
Doanh nghiệp FHS được chọn, dù đã có một lịch sử không mấy tốt đẹp về môi trường, bị chính đất nước sinh ra họ tẩy chay, bị những nước nhỏ bé như Campuchia buộc phải bồi thường, nhiều nơi đã không chấp nhận họ. Thậm chí năm 2009, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon đã trao giải "Hành tinh đen" cho Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan. Giải này dùng để bêu tên doanh nghiệp gây ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong năm.
Một mặt khác, về an ninh quốc gia, khu vực Vũng Áng, một địa điểm trọng yếu trong việc bảo đảm an ninh đất nước, dù đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều trí thức cảnh báo, nhà cầm quyền vẫn bỏ ngoài tai.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam hào hứng, hồ hởi và hăng hái trấn áp người dân bằng mọi giá để rước tập đoàn này vào Hà Tĩnh, người ta không thể giải thích nổi lý do, nếu họ không hiểu được thể chế chính trị độc tài và tham nhũng hiện nay ở Việt Nam.
Nếu không có vậy, chẳng có ai điên dại đi rước voi về giày mả tổ, rước của nợ thiên hạ đuổi đi vào nhà mình gây họa.
Thế rồi, điều hiển nhiên là Formosa gây đại họa bằng thảm họa hủy diệt môi trường do xả độc vào biển miền Trung.
Điều hài hước nhất, là khi người ta quan sát thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trước thảm họa này. Ở đó, cả hệ thống chính trị đã thi nhau bào chữa, đổ lỗi, ngậm tăm, nín thinh và chạy tội, cuối cùng là bất chấp mạng sống người dân, sự tồn vong của nòi giống để bảo vệ Formosa.
Ngay khi thảm họa xảy ra, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng đã vào tận Formosa tươi cười, trấn an khen ngợi những tên đồ tể này và phớt lờ người dân đang ngắc ngoải. Điều này như một thông điệp trong thể chế chính trị độc tài, rằng đây là vùng cấm, là đối tượng đặc biệt có "kim bài", chớ có đứa nào dại dột đụng đến đây.
Trò bịp của nhà cầm quyền
Cũng ngay từ khi hiện tượng nhiễm độc, cả hệ thống chính trị địa phương lập tức "tàng hình", dù chính hệ thống này đã đặt ra cho Formosa hàng loạt hợp đồng và những ưu đãi không ai ngờ được nói trên. Sau đó, hệ thống truyền thông bị bưng bít và quan chức cộng sản ra sức xúi người dân vào chỗ chết bất chấp tính mạng của họ nhằm xoa dịu dư luận.
Cho đến nay, chưa ai thấy Phó Chủ tịch Hà Tĩnh tắm biển và ăn cá Vũng Áng như lời kêu gọi của ông ta đối với người dân.
Thế rồi, cái gọi là Bộ Tài Nguyên - Môi trường vào cuộc với những màn hài kịch để đời.
Nội dung chính của những vở hài đó, là sự bưng bít, đổ lỗi cho "thủy triều đỏ" hoặc "tiếng động" đã làm chết cá nhằm che đậy tội ác cho Formosa. Thậm chí thứ trưởng bộ này Võ Tuấn Nhân còn ngang nhiên coi thường tính mạng người dân đến mức nói rằng: "Nói đến nhiễm độc kim loại nặng là tổn hại cho đất nước". Và Bộ này khẳng định "Cá chết, chưa thấy mối liên hệ với Formosa".
Thực tế, nếu ở một đất nước dân chủ, thì tên Thứ trưởng này phải được đứng trước vành móng ngựa từ lâu.
Thế rồi, sự lúng túng, khuất tất, chối tội cũng không thể xong trước những chứng cứ rành rành, nhà cầm quyền VN đã nhanh nhảu nhận ngay số tiền 500 triệu đôla của kẻ thủ ác và "chính phủ đề nghị người dân khoan hồng, độ lượng với Formosa". Quả là sự nhân đạo đáng ngạc nhiên ở chế độ Cộng sản.
Số tiền này, không khác gì số tiền hối lộ, chạy tội của thủ phạm, mà kẻ đứng ra nhận số tiền này, là sự đồng lõa với tội ác.
Bởi chẳng có căn cứ nào để nhận số tiền đó, khi mà cả hàng chục triệu người dân đang ngắc ngoải dở sống dở chết, nòi giống đang bị đe dọa nghiêm trọng chưa tìm được lối ra cũng chưa hề có bất cứ sự điều tra nào về thiệt hại của người dân. Sự vội vàng hơi "lố" của nhà cầm quyền Hà Nội, chỉ nói lên thái độ và bản chất sự việc là gì mà thôi.
Bởi chẳng ai cho phép chính phủ VN đứng trên nỗi đau, cái chết của người dân để nhận tiền mà không làm rõ, minh bạch và đòi công lý cho người dân Việt Nam oan khuất.
Bởi chẳng ai bán rẻ biển, môi trường sống, đất nước và tính mạng, nòi giống người Việt Nam này với giá chỉ 500 triệu đôla, số tiền mà người dân nói rõ: Chưa đủ mua quan tài cho người dân Việt.
Lập tức, người dân lên tiếng phản đối khi "Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền và dân nhận thảm họa" thì bị lực lượng công an trấn áp không thương tiếc.
Việc làm của nhà cầm quyền VN, chỉ là thêm một hành động nữa để chứng minh trước dân tộc này rằng: Có những điều họ muốn giấu diếm trước cộng đồng dân chúng.
Rằng, họ chỉ coi sự tồn tại của nhóm lợi ích mang tên Đảng của họ là quan trọng, còn cơ đồ đất nước, sự tồn vong nòi giống dân Việt và dân tộc Việt Nam, chẳng là gì đối với họ.
Và điều cơ bản là đằng sau những sự ưu ái, những lúng túng che dậy và xử sự của họ khi Formosa nhận lỗi, làm người ta liên tưởng đến việc che giấu những điều uẩn khúc nào đó. Điều uẩn khúc đó, sẽ rất dễ hiểu khi người ta hiểu đươc cơ chế tham nhũng và hối lộ hầu hết mọi ngóc ngách xã hội ở chế độ độc tài.
Với những cách xử sự như với Formosa, ai dám bảo Việt Nam không "trải thảm" và ưu ái với các nhà đầu tư nước ngoài?
Tất nhiên, đó phải là những nhà đầu tư "thiếu tử tế".
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm RFA.
No comments:
Post a Comment