Liêu Thái/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) – Tình trạng màu sắc Hội An thời made in China đang là câu chuyện nhức đầu.
Nếu như năm ngoái, đến Hội An, người ta dễ dàng bắt gặp những bãi biển thơ mộng như An Bàng, Cửa Ðại, Cù Lao Chàm với bãi cát vàng thoai thoải, hàng dừa xanh ngút mắt và những chiếc ghế tắm nắng trên đó là các du khách phương Tây đọc sách, không gian yên tĩnh và sang trọng thì năm nay, mọi chuyện ngược lại.
Bãi biển Cửa Ðại bị sóng cuốn, không còn bãi cát dài thoai thoải, biển An Bàng cũng không còn hiền hòa, những chiếc ghế tắm nắng bị xếp đi, còn lại lèo tèo vài chiếc và bãi biển không còn yên tĩnh, khách Việt thi nhau nhậu, khách Trung Quốc thả sức hò hét, ồn ào và xả rác bừa bãi. Hiếm thấy bóng dáng khách Tây.
Vào trung tâm phố cổ, có khác đôi chút, khách phương Tây cũng còn tương đối nhiều, nhưng họ đi đứng cũng không còn thoải mái như trước đây, có vẻ như Hội An không phải là trạm dừng mà chỉ là trạm trung chuyển đối với họ, đa phần đến rồi đi, ít ai ở lại. Các khách sạn dù muốn hay không thì cũng đầy nghẹt người Trung Quốc. Màu sắc phố phường, đường sá cũng nhuộm màu Trung Quốc.
Ðừng hy vọng gì vào khách Trung Quốc
Tiếp chuyện chúng tôi là người chủ một khách sạn nhiều phòng ở Hội An, tên Ngọ, chia sẻ: “Bây giờ khách Tàu lấn hết, khách Tây chẳng mấy người chịu được ồn ào nên họ đi tránh.”
“Mà khách Trung Quốc thì họ có ba đặc điểm để mình dễ dàng nhận biết rằng nếu kéo dài thời gian lưu trú của họ ở mình thì mình sẽ sạt nghiệp. Ðó là họ rất ồn ào và cẩu thả; Họ xài tiền hợm hĩnh và láu cá; Họ phá hoại bất kỳ thứ gì không phải của họ nếu có thể.”
“Họ tệ vậy sao anh lại chứa họ?” Chúng tôi hỏi ông Ngọ.
“Tôi lỡ ký hợp đồng cung cấp phòng cho công ty lữ hành, ít nhất là trong năm 2016 này tôi phải cung cấp đủ phòng cho phía công ty, nếu tôi để tình trạng cháy phòng thì phía họ bắt đền. Mà phá hợp đồng thì hết chỗ làm ăn. Hết năm nay tôi sẽ sửa chữa lại khách sạn và không chứa khách Trung Quốc nữa. Vì chỉ cần một năm chứa họ thì mình muốn bức cái đầu bởi họ phá vô tội vạ. Phòng của họ ở mình tốn công dọn dẹp gấp đôi. Tiền thì họ cứ đòi trả nhân dân tệ, mình không chấp nhận thì họ cằn nhằn đủ thứ hết. Trả tiền thì miễn bàn, dư 500 lẻ họ cũng đòi, trong khi đó Việt Nam giờ tìm tờ 500 đồng vô cùng khó, tôi phải thường xuyên ra bưu điện và ngân hàng để đổi loại tiền mệnh giá 500 đồng để thối cho họ.”
“Nhưng có vẻ như đáng sợ nhất là chuyện mua đồ ăn, họ trả giá từng xu chứ không phải từng đồng nữa. Người Việt mình không có chuyện đó đâu, cứ đúng giá trên menu mà trả thôi, họ thì xem menu xong gọi nhân viên mình ra trả giá, không trả được thì họ tìm cách mua loại nhỏ hơn, bắt mình phải bán loại nhỏ hơn. Cái này cực lắm!”
“Tôi từng chứng kiến một đoàn khách Trung Quốc vào nhà hàng hải sản ngoài biển An Bàng, lúc mà hải sản chưa chết kia, họ bốc từng con bỏ lên cân rồi coi con nào mập, con nào ốm, sau đó trả giá từng đồng. Cuối cùng, chủ nhà hàng phải giả bộ giật mình và nói rằng nguyên mẻ ghẹ đó đã được đặt hàng, không bán nữa, lúc đó họ tỏ ra bực tức, làm như muốn quậy phá vậy. Họ gây ồn dữ lắm. Cuối cùng bảo vệ phải đến mời họ đi.”
“Chung qui thì tôi thấy rằng khách Trung Quốc sang đây cũng nghèo đói, bủn xỉn lắm, đôi khi tôi tự hỏi không hiểu vì sao nghèo đói, khó khăn như vậy mà họ lại đi du lịch. Hay là có một chiến dịch du lịch nào đó tương đương với chiến dịch du lịch Trường Sa, Trường Sa mà nhà nước Trung Quốc đã thực hiện trong đất liền Việt Nam. Vì con người đầy đủ hay đói rách nhìn vào tác phong, cách ăn uống và chi tiêu cũng đủ biết ít nhiều. Thú thực là nhiều người sang đây du lịch còn hỏi thăm đường để trốn lại làm thuê nữa kia.”
Cùng quan điểm với ông Ngọ, Phúc hiện sống ở phường Cửa Ðại, Hội An, nhân viên bán hàng ngành nước giải khát, chia sẻ: “Em cũng nghĩ là họ sang đây du lịch theo mục tiêu chính trị nào đó chứ không thể bình thường được. Em phát nước khuyến mãi đây em biết. Em đi phát trên bãi biển, gặp cụ già người Việt quét rác, em bưng lại mời, bà rất ái ngại, không nhận nước. Vậy mà một đoàn khách Trung Quốc đi tới, họ uống vèo một phát là hết sạch sáu két nước của em. Em hết tiêu chuẩn khuyến mãi, họ xông vào khui tiếp mấy két còn lại, em không cho thì họ cứ khui, em phải kêu bảo vệ bãi biển lại, bảo vệ cũng lắc đầu, nói rằng họ gặp cảnh này quen rồi, không làm được gì đâu! Kinh khủng lắm! Hết hy vọng gì khi nghe khách Trung Quốc ghé vào chỗ mình.”
Những ổ vi trùng made in China
Ðó là cách gọi của một người dân Hội An tên Thiện, ông Thiện là chủ một cửa hàng trầm tại Hội An, ông nói: “Bây giờ, đáng sợ nhất là những ổ vi trùng tên Trung Quốc đã sinh sôi nảy nở trong lòng phố cổ, tới khi nó phát tác thì khó mà lường.”
“Nó hình thành kiểu gì vậy thưa ông?”
“Thì mấy cái cửa hàng trầm hương có ông chủ Tàu đứng nấp sau lưng, rồi các quán ăn, tiệm ăn đều có các ông chủ Tàu đứng sau lưng, người Việt đứng tên, đặc biệt là mấy khu đất ở những khu phố mới Hội An và phía Nam cầu Cửa Ðại, rộng cả hàng ngàn hecta, dường như họ đã thuê hết rồi, như vậy thì đó không phải là cái ổ vi trùng thì là cái gì.”
“Mai mốt đây, khi mà đường đi lối về đã thuận, ngành du lịch Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài khách Trung Quốc bởi khách phương Tây đã ngán ngẩm sự ồn ào khi du lịch Việt Nam thì chắc chắn các loại dịch vụ phục vụ cho người Tàu trên đất Hội An sẽ được mở rộng, và đó cũng là lúc cái ổ vi trung made in China phát tán, khó mà lường trước được.”
Tạm biệt ông Thiện, chúng tôi đi lòng vòng thành phố Hội An, từ khu phố cổ ra làng rau Trà Quế, bãi biển An Bàng, rồi ngược xuống Cửa Ðại, rồi lại lên bờ Nam sông Hoài, đi qua khu làng nghề Mộc Kim Bồng. Có một điều lạ là chỉ mới đây thôi, chưa đầy sáu tháng kể từ Tết Nguyên Ðán, kể từ lần đầu tiên Hội An bị kẹt xe do khách du lịch Tàu qua nhiều (chữ của người Hội An dùng) từ ngã ba Tin Lành kéo thẳng xuống phố cổ… Ðến nay, từ chiếc lồng đèn cho đến kiểu mua bán và thức ăn ở đây đều mang hơi hướm made in China!
No comments:
Post a Comment