Wednesday, June 29, 2016

Liệu người dân Việt Nam có thờ ơ với chính trị?

Chân Như, phóng viên RFA 2016-06-29  
thumb_660_974f33ec-479a-4581-b460-19a554e9df2c.JPG
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải đáp thắc mắc thông tin về nguyên nhân cá chết trong buổi họp báo, chiều 2-6.  Courtesy of cand.com.vn
Trong thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp có những vấn đề nổi bật liên quan đến chính trị - xã hội như ô nhiễm biển miền Trung gây nên thảm họa cá chết hàng loạt; Trung Quốc gia tăng các hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông; vấn nạn thực phẩm bẩn… Sự quan tâm và việc thực hiện “quyền làm chủ đất nước” của người dân trong các vấn đề đó ra sao, ở mức độ như thế nào - là những điều mà các bạn khách mời hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam muốn chia sẻ.
Chân Như: Các bạn đánh giá thế nào về mức độ quan tâm chính trị trong xã hội Việt Nam? Người dân thường thể hiện sự quan tâm như thế nào?
Quang: Theo riêng cá nhân em, phần đông người dân Việt Nam thời nay vẫn còn rất thờ ơ với vấn đề chính trị xã hội. Ngay cả những người đồng trang lứa với em hiện nay cỡ trạc tuổi 28 – 30, ở trong chỗ làm của em, những đồng nghiệp của em cũng vậy, cũng cỡ tuổi từ 24-35, họ rất thờ ơ với chính trị. Khi em chia sẻ việc những chủ nhật vừa rồi em đi biểu tình thì họ nói “đi biểu tình để làm gì? Rảnh quá”, “tại sao phải đi biểu tình việc đó để nhà nước lo, mắc chi phải đi biểu tình”. Đồng ý cũng có rất nhiều thành phần tiến bộ, chẳng hạn như vào ngày 1 tháng 5 vừa rồi ở Sài Gòn và Hà Nội có đến 4.000 người đi biểu tình ở khắp các độ tuổi. Chúng ta thấy có khoảng 4-5 ngàn người đó dám bước xuống đường, số còn lại vẫn quan tâm nhưng chưa đủ dũng cảm để bước xuống đường, rất ít so với dân số Việt Nam hiện nay gần đến 100 triệu dân.
Cơ hội để tham gia vào hệ thống chính trị để quan tâm vào chính trị thuộc về những người thuộc tầng lớp của đảng: những người thuộc tầng lớp “con ông cháu cha”, những người chắc chắn có một chân trong nhà nước, trong đảng.
-  Bình Minh
Còn chỗ làm của em trong một khuôn khổ như vậy, trong gia đình của em, trong làng xóm của em không thấy ai đi biểu tình ngoại trừ em, họ rất thờ ơ với chính trị xã hội. Còn trong facebook những bạn của em ngoài post hình chồng con, gia đình, ăn uống, khoe body (thân hình) khoe áo, khoe du lịch... chứ không hề thấy đăng một tin về cá chết. Không hề! Em rất ngạc nhiên khi em vào xem vì lúc còn đi học đại học bạn em rất năng nổ nhưng chắc tại bây giờ có gia đình, con cái, hoặc công việc rất đang tốt nên tránh nói những vấn đề nhạy cảm, vì sợ ảnh hưởng đến gia đình của họ; Có lẽ là vậy.
Minh Nhật: Thưa anh, em muốn lấy một thống kê của một trang facebook chuyên về mảng chính trị; trong đó, họ có một thống kê nho nhỏ trên 471 ngàn người. Trong số người đó họ thể hiện ra một xu thế đó là hiện tại có khoảng 18% số người từ 18-35 tuổi quan tâm về các vấn đề chính trị, còn số lớn hơn thì ít. Em cũng đồng quan điểm với anh Quang rằng ở Việt Nam hiện tại người ta đa phần đang né tránh hai từ “chính trị” có lẽ bởi vì 2 từ này đối với họ là một cái gì đó rất nhạy cảm. Họ có thể có một trải nghiệm để rồi gần như trong từ điển của họ, họ cố gắng né tránh cho dù đó chỉ là những vấn đề rất thực tế, chẳng hạn, chuyện biểu tình vừa rồi là những cái liên quan đến cuộc sống của họ nhưng hiện tại họ vẫn rất sợ hãi.
Theo em, đúng là ở Việt Nam mình vẫn còn sự thờ ơ nhất định về chính trị, ngoại trừ những nhà hoạt động và đang có thêm nhiều người tăng lên. Tuy nhiên, con số những người tham gia thể hiện thái độ chính trị của mình thì vẫn còn tương đối ít.
Bình Minh: Qua chia sẻ của hai bạn, chúng ta có thể thấy hai bạn đang đi nghiêng về những thành phần trong xã hội quan tâm tới chính trị ở vai trò là những người đối lập quan tâm đến thể chế chính trị hiện nay. Tuy nhiên quan điểm của em, em thấy đồng ý với việc hiện nay rất đông thành phần trong xã hội kể cả giới trẻ cho đến những người trưởng thành thì họ rất thờ ơ với chính trị, bởi vì có hai lý do mà em thấy. Thứ nhất, người dân hiện nay họ không có nhiều cơ hội, họ không được tham gia nhiều vào các sinh hoạt chính trị thật sự, đấy là cái liên quan đến thể chế hiện nay. Ví dụ như người ta thường nghĩ tới việc tham gia chính trị là tham gia vào hệ thống đảng rồi tham gia hệ thống chính quyền của các cấp. Thế thì, thật sự những người dân bình thường, mà những người bình thường thì chiếm đa số trong xã hội hiện nay, họ không có cơ hội, bởi vì những cơ hội để tham gia vào hệ thống chính trị để quan tâm vào chính trị thì nó thuộc về những người thuộc tầng lớp của đảng: những người thuộc tầng lớp “con ông cháu cha”, những người chắc chắn có một cái chân trong nhà nước, trong đảng.
Và thứ hai, những người quan tâm sâu vào chính trị, họ nhìn thấy được sự bộc lộ yếu kém trong thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay. Do vậy, họ rất e sợ bởi vì khi đã quan tâm rồi thì thường sẽ phải bộc lộ ra ngoài qua những phát biểu, những chính kiến, hành động. Và họ thấy sợ khi hiện nay chính quyền đàn áp khá nhiều những tiếng nói đối lập trong xã hội hiện nay. Từ đó làm cho người ta thờ ơ, bởi vì muốn quan tâm cũng không được, đó là lý do em đánh giá hiện nay họ khá là thờ ơ với chính trị. Và em rất đồng ý và cảm thấy tâm đắc với thống kê vừa rồi một bạn đã chia sẻ. Đó là, hiện nay, giới trẻ họ đang quan tâm đến vấn đề chính trị nhiều hơn, bởi vì họ được tiếp cận với thông tin, với cuộc sống xã hội hiện đại hơn, đấy là tín hiệu đáng mừng, điều đó sẽ làm cho xã hội sẽ thay đổi và em tin vào điều đó.
1264400_3372527488598_1262372129_o.jpg
Cuốn sách Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam giới thiệu về một người yêu nước bị giam cầm và những trăn trở về đất nước, về dân tộc của Trần Huỳnh Duy Thức - người sáng lập Phong Trào CĐVN.
Chân Như: Qua những gì các bạn vừa chia sẻ, thì các bạn nhận thấy vai trò của người dân trong các vấn đề chính trị - xã hội ở mức nào?
Minh Nhật: Để đánh giá vai trò của con người trong vấn đề xã hội hiện tại của Việt Nam mình, theo như em biết, vẫn chưa có một cơ quan thống kê về xã hội cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy trên bình diện về phản biện xã hội ngay trong cơ quan cao nhất đó là quốc hội, trong chính phủ, thì em thấy trong các cuộc họp của họ đa phần gọi là đồng thuận tất cả vấn đề cho dù vấn đề đáng ra phải thảo luận, phản biện nhiều nhất. Ngay cả trong cơ quan lập pháp, thi hành pháp luật, họ vẫn cứ phải ở trên phán gì ở dưới nghe như vậy. Đó là với những người có chức quyền. Còn những người thường dân như chúng ta thì chuyện phản biện còn dễ dàng đến mức nếu nhìn vào thực tại của xã hội Việt Nam hiện nay thì mình nhận thấy gần như đa phần người dân trên nói gì dưới gật đầu và họ không có một tiếng nói. Cụ thể là trong cuộc bầu cử vừa rồi, đó là cơ hội thể hiện chính trị rất rõ ràng; tuy nhiên, đa phần người dân cứ ở trên tuyên truyền “gạch người này hay bầu cho người này” thì họ làm theo như thế hoặc để người thân đi bầu một lần cho tất cả gia đình. Nhìn từ một cơ hội thể hiện chính trị như thế, em thấy rõ rằng tiếng nói của người dân đặc biệt trong lãnh vực chính trị gần như là không có.
Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản có một chiêu thức rất khôn ngoan: họ lập ra những tổ chức ngoại vi, những đoàn thể của họ, đặc biệt là mặt trận tổ quốc Việt Nam. Họ nói đấy là nơi thể hiện ý chí người dân nhưng thực ra nơi đó lại là nơi dập tắt tất cả những ý kiến, bởi vì họ thường lấy đa số, số đông để rồi những tiếng nói đối lập, tiếng nói xây dựng gần như không có.
Chúng ta quay lại chuyện rất sát sườn đó là chuyện về biển đảo, về cá chết miền Trung, ngay cả trong báo chí, trong lãnh vực những người làm luật, hay trong các giới hoạt động về môi trường, thì không có một tiếng nói cụ thể về các vấn đề trong khi nó lại ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ. Thế nhưng người dân đã sợ hãi, gần như đã vô cảm, và như anh Quang vừa nói “người ta không dám thể hiện cái thái độ chính trị” của mình trong những vấn đề cụ thể nữa. Đó là suy nghĩ của em và mình cảm thấy nó nguy hiểm cho tương lai vận mệnh của tổ quốc.
Bình Minh: Với quan điểm của em, vai trò của người dân thể hiện qua mấy góc độ. Thứ nhất, qua quyền bầu cử. Thứ hai, qua quyền phát ngôn và thể hiện trực tiếp qua quyền phát ngôn như báo chí. Và thứ ba thể hiện qua việc họ được quy tụ bằng những hội đoàn để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Ngay cả trong cơ quan lập pháp, thi hành pháp luật, họ vẫn cứ phải ở trên phán gì ở dưới nghe
- Minh Nhật
Vấn đề này trong xã hội hiện nay quả thực như các anh vừa chia sẻ, nó không phát huy được vai trò của người dân và người dân cũng không phát huy được vai trò của mình trong khía cạnh đó. Ví dụ như qua bầu cử như anh Nhật vừa nói, “trên bảo sao thì dưới làm như vậy” và người ta cũng không quá quan trọng vào lá phiếu của người dân bởi vì tất cả đã được dàn xếp rồi. Và sau đó qua tự do ngôn luận, tức là qua báo chí truyền thông thì như anh Chân Như và chúng ta có thể thấy được hiện nay báo chí cũng như những quyền về ngôn luận được bảo quản rất chặt bởi ban tuyên giáo từ trung ương đến địa phương và điều đó làm cho người dân họ không thể nào phát huy được tiếng nói độc lập, không thể nào thể hiện được tiếng nói phản biện của mình được. Như vậy, khi không thể đưa lên chính kiến ý kiến của mình thì chắc chắn không thể phát huy được vai trò của người dân trong những vấn đề của xã hội. Và vấn đề người dân quy tụ qua những hội đoàn, chúng ta thấy được người ta không có cơ hội sinh hoạt ở những hội đoàn thật sự độc lập, thật sự bảo vệ quyền lợi cho họ. Chẳng hạn, những người lao động bản chất vẫn có công đoàn, thế nhưng công đoàn lại không hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, hoặc hội sinh viên hoặc đoàn thanh niên cho những người trẻ. Tóm lại những hội đoàn như vậy được quản lý bởi chính phủ bởi đảng và không thể hiện tiếng nói của nhân dân.
Qua ba khía cạnh đó chúng ta có thể thấy được, hiện nay, vai trò của người dân trong xã hội Việt Nam rất mờ nhạt. Một xã hội với thể chế chính trị như thế này kéo sự phát triển của đất nước chậm đi và nếu cứ như vậy nó làm cho đất nước mỗi lúc một chậm tiến hơn, kém phát triển hơn. Đó là quan điểm của em.
Chân Như: Qua hai chia sẻ của Minh Nhật và Bình Minh, cùng với những trải nghiệm của mình trong cuộc sống, Quang nhận thấy vai trò của người dân trong vấn đề chính trị - xã hội ở mức nào?
Quang: Qua trải nghiệm trong cuộc sống, em cũng biết sơ qua về đời sống chính trị của những bạn nước ngoài, họ rất năng nổ và họ rất dấn thân vào những vấn đề chính trị - xã hội, họ sẵn sàng đi biểu tình đòi cho bằng được quyền lợi của họ về lao động, về lương bổng, về phúc lợi xã hội về bất cứ gì, nhưng đối với người Việt mình vấn đề đó em thấy người Việt chưa quen với việc biểu tình hoặc quan tâm tới vấn đề chính trị xã hội, họ chưa nhận định được vấn đề chính trị xã hội liên quan trực tiếp đến công ăn việc làm, các quyền lợi nghĩa vụ của họ.
Chân Như: Theo các bạn, những điều gì tác động đến việc người dân biểu lộ thái độ, quan điểm chính trị và sự quan tâm đến các vấn đề của đất nước trên thực tế?
Quang: Em nghĩ ngay từ trong bản thân của họ phải có một tình yêu đối với quê hương dân tộc trước đã, phải đủ mạnh thì mới khiến họ có thể bước xuống đường hoặc nêu rõ những chính kiến của họ về các quan điểm chính trị - xã hội. Điển hình, chúng ta có anh Trần Huỳnh Duy Thức, xét về nguồn gốc anh là một doanh nhân, rõ ràng là con đường tương lai của anh đang rất rộng mở, anh có thể làm giàu, nhưng tại sao anh lại sẵn sàng nói lên quan điểm chính kiến của anh, đòi đa đảng, đòi xoá bỏ đường lối chủ nghĩa xã hội này để đến ngày hôm nay, anh bị vướng trong vòng lao lý đã bảy năm. Phải là người có tình yêu dân tộc với tình yêu nòi giống lắm mới có thể làm được điều như vậy.
Minh Nhật: Em cũng có phần đồng ý với quan điểm của anh Quang ở chỗ thường khi người ta đụng đến vấn đề lợi ích của họ thì họ phản kháng. Chúng ta có thể thấy ví dụ này qua những doanh nhân, nhiều người nhìn thấy rằng trong cơ chế hiện tại, làm ăn cho đến phát triển kinh tế cũng không thể. Cụ thể hơn chúng ta có thể nhìn thấy những dân oan, đa phần họ là những người cũng không phải học thức quá cao nhưng khi đẩy họ tới đường cùng thì họ vùng lên để đòi quyền lợi.
Chúng ta có thể nhớ đến trường hợp của chị Cấn Thị Thêu, là một dân oan và từ chỗ mất đất chị đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình và cho cả người khác, nhưng chúng ta cần hơn đến một điều cao hơn: chúng ta phải mong chờ vào những người không bị ảnh hưởng, những người có tương lai, có một tiền đồ, nếu như không tham gia vào chính trị họ sẽ được sung sướng. Điển hình như anh Trần Huỳnh Duy Thức, hay những người đấu tranh về dân chủ, họ tham gia vào và họ nhìn thấy tương lai của dân tộc không thể bị định đoạt bởi thể chế độc tài, không thể bị định đoạt bởi ý chí của những người trong bộ chính trị. Nếu như số lượng người tham gia với tinh thần tự nguyện và nhìn thấy được tương lai lâu dài, chứ không phải do vì những áp lực của lợi ích trước mắt thì những người đó cần thiết hơn.
Tuy nhiên, hiện tại em thấy rằng cơ chế lãnh đạo càng ngày bộc lộ yếu kém, sai sót cả trong các vấn đề dân sinh, văn hoá, chính trị, xã hội. Đặc biệt, họ càng bộc lộ trong khi họ sử dụng cả đến sức mạnh quân đội,  công an trị thì người dân càng ngày càng chất chứa nỗi oán giận, càng cố gắng tìm một phương thế để thể hiện ý kiến của mình. Em tin rằng con số những con người mình có thể gọi là bất đồng chính kiến sẽ càng ngày càng tăng.
Bình Minh: Về cơ bản, em cũng đồng ý với ý kiến của hai anh. Tuy nhiên, theo quan điểm của em, những vấn đề trong xã hội hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của chính họ đúng là tác động để quyết định một người trong xã hội lên tiếng quan tâm đến chính trị. Chính từ đó dẫn tới việc họ quan tâm đến chính trị, muốn thay đổi.  Quan điểm này giống của anh Nhật vừa rồi, em chỉ lấy thêm một ví dụ nữa thôi để khẳng định lại quan điểm đó.  Em có một người bạn học ở một trường đại học rất tốt của Việt Nam ra trường được nhận học bổng nước ngoài đi du học và sau đó quay lại làm việc.
Trong quá trình làm doanh nghiệp anh bị khá nhiều những sự nhũng nhiễu và bộc lộ yếu kém trong hệ thống quản lý của Việt Nam làm cho doanh nghiệp rất khó khăn trong quá trình hoạt động. Từ đó, anh quan tâm sâu hơn tại sao lại như thế. Và khi ảnh hưởng tới quyền lợi của anh, anh mới bắt đầu đi tìm hiểu về nguồn gốc, về chính trị, về dân chủ, về những người đã đi tù vì lên tiếng giống như anh Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều người khác.
Từ một con người rất thờ ơ với chính trị, thờ ơ với vấn đề xã hội, anh đã trở thành người khá nhiệt huyết và muốn tham gia ngay vào những việc để thay đổi đất nước hiện nay. Em thấy tác động lớn nhất trong xã hội hiện nay đó là việc những yếu kém của chính quyền bộc lộ trong thể chế, tác động đến đời sống người dân và từ đó (giúp) họ quan tâm đến chính trị nhiều hơn.
Hậu quả
000_A21PB.jpg
Một người phụ nữ huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thu gom nghêu chết trên bãi biển hôm 27/4/2016. AFP photo
Chân Như: Với mức độ quan tâm các vấn đề chính trị - xã hội như vậy của phần lớn người dân Việt Nam như hiện nay, thì hệ luỵ đã, đang và sẽ như thế nào?
Quang: Như anh thấy hệ lụy đã và đang, chúng ta cũng thấy rồi là thực phẩm bẩn, cá hiện nay vẫn chết oan chưa có lời giải đáp, mắm muối cá, chúng ta sẽ ăn những thực phẩm đó, trước mắt là thế. Nợ công 29 triệu đầu người mà dân chúng rất thờ ơ không biết rằng mình đang gánh một mối nợ công lớn như vậy. Nếu chúng ta không quan tâm đến chính trị thì đường lối sắp tới, những nhà máy, những tượng đài hàng ngàn tỉ đồng sẽ tiếp tục được xây dựng, và viễn cảnh nhân dân Việt Nam phải bươi rác để tìm thức ăn giống như dân Venezula hiện tại, đánh nhau vì một khúc bánh mì, sẽ diễn ra trong vòng khoảng chừng 15-20 năm sắp tới.
Hiện tại, dân miền Trung đang gồng gánh hệ quả từ việc ô nhiễm môi trường cá chết chưa được chính quyền giải quyết.  Tương lai nếu không giải quyết vấn đề này thì sẽ có thất nghiệp, sẽ có nhiều người đổ xô vào Sài Gòn ra Hà Nội để kiếm công ăn việc làm. Thất ngiệp tỉ lệ tăng cao, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh, rất nhiều cái mình có thể thấy được.
Minh Nhật: Trước mắt thì đúng như anh Quang vừa nói. Tuy vậy, em muốn đề cập đến một hệ lụy mà nó đã gần như trở thành một căn nguyên của tất cả sự sụp đổ. Đó là kinh nghiệm của nhà bác học Lê Quý Đôn. Ông từng nói năm nguyên nhân do sự thờ ơ về chính trị mà cũng có thể dẫn đến cả mất nước đó là ‘trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan và sỹ phu ngoảnh mặt”. Hiện nay, nếu nhìn vào thực trạng xã hội Việt Nam thì mình nhìn thấy điều đó.
Hệ thống giáo dục của mình gần như trở thành hệ thống lạc hậu, nơi người ta chỉ truyền thụ chứ không phải là hệ thống giáo dục khai phóng mà chúng ta nhìn thấy từ con cái, cha mẹ, học trò. Cho đến cả vấn đề môi sinh, có một lỗ hổng thật lớn. Trước hết cá chết ở miền Trung chỉ là hiện tượng thôi, tham nhũng cũng chỉ là hiện tượng thôi. Cốt lõi căn bản nếu người ta không quan tâm về chính trị người ta cũng sẽ chết như cá nhưng không quan tâm về chính trị còn làm cho hệ thống chính trị này được tự tung tự tác.
Chính vì thế không lạ gì nếu người dân Việt Nam chúng ta sau mấy chục năm vẫn ở trong một vị trí tụt hậu, không lạ gì nếu như hiện tại hệ thống chính trị vẫn mang tính què quặt, với hệ thống khập khiễng. Như thế thì không thể đi tới tương lai một cách hoàn chỉnh được. Em nghĩ rằng nếu người dân Việt Nam không tận dụng những phương tiện hiện tại, những cơ chế mình đang có hay không tận dụng những sự hiểu biết của mình thì về lâu về dài sự thờ ơ, vô cảm đó sẽ là con dao cắt cổ của những người thờ ơ.
Bình Minh: Với những thờ ơ và thiếu quan tâm của những  người dân về các vấn đề chính trị hiện nay, thì một phần tạo nên những sự dễ dãi trong quá trình điều hành của các cơ quan chính quyền hiện nay. Chính quyền họ không còn sợ vào người dân bởi người dân khôg có cơ chế để thể hiện quan điểm tiếng nói và quyền của mình trong các vấn đề xã hội, bởi người dân họ thờ ơ hoặc ít quan tâm tới những quyền như quyền bầu cử của mình trong thời gian vừa qua. Chúng ta có thể nhìn thấy đại đa số những đại biểu dân cử từ trung ương tới địa phương đều do một sự cơ cấu sắp xếp của đảng.
Tương lai nếu không giải quyết vấn đề này thì sẽ có thất nghiệp, sẽ có nhiều người đổ xô vào Sài Gòn ra Hà Nội để kiếm công ăn việc làm. Thất ngiệp tỉ lệ tăng cao, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh, rất nhiều cái mình có thể thấy được.  
- Quang
Do vậy, hoạt động của quốc hội hay cộng đồng nhân dân các cấp khá mờ nhạt và không đóng vào việc tạo nên sự phát triển trong xã hội. Và đại đa số những người ứng cử hoặc những người đại biểu quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân các cấp thì việc họ vào đó là để hợp thức hoá việc thăng quan tiến chức của họ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới những vấn đề liên quan trong xã hội hiện nay như chính trị, kinh tế, giáo dục. Sau cùng, khi người dân không quan tâm tới các vấn đề chính trị đối lập thì chính quyền không cảm thấy phản tôn trọng tiếng nói của người dân.
Khi người dân không lên tiếng đòi những quyền chính đáng của mình thì chắc chắn đất nước sẽ không bao giờ có được những sự dân chủ, phát triển, vấn đề trong xã hội hiện nay không phải người dân không quan tâm, thờ ơ với vấn đề chính trị xã hội mà họ sợ hãi, lo lắng.  Tóm lại hai lệ hụy em vừa chia sẽ đã và đang ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam ngày nay.
Chân Như: Theo các bạn, cần làm gì để người dân quan tâm hơn tới các vấn đề chính trị - xã hội ?
Bình Minh: Trước tiên cần phải “mở cửa”, cần phải dân chủ trong mọi sinh hoạt chính trị. Những hoạt động chính trị ở phương tây hoặc Mỹ rất dân chủ, người dân được sử dụng những chiếc roi của mình để quật ngã những chính trị gia hoặc đảng phái đi ngược lại với nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Ở Việt Nam hoàn toàn khác, người ta không mấy quan tâm tới chính trị và hơn nữa nếu quan tâm có khi còn bị ảnh hưởng tới chính đời sống, chính tương lai của bản thân họ. Tóm lại, theo quan điểm của em, trước tiên phải tạo ra môi trường chính trị dân chủ đa đảng minh bạch và người dân thật sự làm chủ và mọi hoạt động chính trị đó là quan điểm của em.
Quang: Bây giờ phải nhờ ngược lại những tờ báo không chính thống, giống như tờ báo của mình (RFA) tiếp tục nói lên sự thật những mặt trái của xã hội để người dân họ thấy được. Nói đến báo đài ở Việt Nam thì em không tin nữa tại vì em là nhân chứng cho cuộc biểu tình ngày 1/5 và 8/5, nhưng hơn 700 tờ báo không tờ báo nào nêu tin. Vậy mà đến ngày 16/5 họ lại tung tin Việt Tân kích động mọi người đi biểu tình (anh thấy trớ trêu không). Báo chí trong nước đã hoán triệt tư tưởng hết rồi thì những sứ mệnh của những trang báo, những kênh TV, đài phát thanh ở nước ngoài rất lớn trong tình cảnh hiện nay, để cung cấp nhiều thông tin hơn cho người dân trong nước được biết. Facebook cũng bị chặn, những trang báo tuổi trẻ có đăng một vài tin về cá chết cũng bị bắt tháo gỡ xuống, thì làm sao người dân tiếp nhận thông tin? Nếu họ không có thông tin thì họ không có chính kiến về chính trị xã hội được.
Minh Nhật: Em cũng muốn khái quát những điều anh Quang vừa chia sẻ. Đó là nếu như chúng ta muốn thật sự để người dân quan tâm hơn về các vấn đề chính trị xã hội thì theo em có một vài yếu tố cần chú ý đó là giáo dục, truyền thông và luật pháp. Tại sao phải giáo dục? Dĩ nhiên là theo nhiều cách và nền giáo dục Việt Nam hiện tại tuy là khập khiễng và mang tính một chiều nhưng chúng ta cố gắng phải thay đổi điều đó.
Em mừng hiện tại có trường đại học Fullbright của Mỹ đã đến với phương châm giáo dục mới, nhưng nó còn có những hình thức giáo dục. Đồng thời chuyển qua yếu tố thứ hai đó là về vấn đề truyền thông. Nếu như ở trong nước hiện tại là hệ thống một chiều thì với đà phát triển của công nghệ thông tin hiện tại, các mạng xã hội như facebook, twitter hay các kênh truyền hình tư nhân, nó đang dường như trở thành một “mê hồn trận”, một thế trận mà báo chí chính thống không thể cản lại.
Em lấy một ví dụ đó là MCPhan Anh vừa rồi bị VTV đấu tố trên truyền hình, thì ngay lập tức trên mạng xã hội đã đưa lên dù báo chí nhà nước sau đó gỡ bài nhưng không thể được, chỉ trên một trang facebook cá nhân mà số lượng người xem, một clip đã hơn 3-4 triệu người. Nếu chúng ta muốn tháo gỡ độc quyền về truyền thông và các vấn đề chính trị xã hội, chúng ta đặc biệt phải chú ý đến vấn đề truyền thông, và những kênh chúng ta đang trao đổi đây như RFA hay những đài truyền hình hải ngoại.  Rõ ràng ở trong nước có nhiều người nghe bởi vì qua đó họ biết thêm được nhiều sự thật.
Và thứ ba đó là kiện toàn luật pháp, chúng ta cần có một đội ngũ luật sư thật sự mạnh để dần dần tập cho người dân sử dụng quyền của mình, tập cho người dân ý thức rằng mình là một công dân để tự tin sử dụng quyền lợi, sẵn sàng đối đầu với những thế lực nào muốn kìm hãm quyền lợi của mình.  Em nghĩ ba yếu tố đó là gì đó đáng sợ hãi cho bất kỳ một thể chế độc tài nào, và nếu như được thì đó là một đáng mừng cho xã hội  Việt Nam hiện nay.
Chân Như: Xin cám ơn tất cả ba bạn khách mời đã dành thời gian đến với diễn đàn.

No comments:

Post a Comment