Wednesday, June 29, 2016

Dân sợ hợp tác chống tham nhũng

Theo NLDO-28/06/2016 22:58

Rất nhiều trường hợp người tố cáo không dám hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện, điều tra, xử lý những vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Ngày 28-6, tại Hà Nội, Viện Chính sách công và Pháp luật phối hợp với tổ chức Hướng tới Minh bạch đã tổ chức hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng qua một số lĩnh vực”.
Sợ bị trả thù
Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Thịnh, Cục Pháp chế - Bộ Công an, cho rằng cần khuyến khích quần chúng nhân dân tin tưởng, tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin về các hành vi phạm tội và giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ án. Song, trong thực tế, rất nhiều trường hợp người tố cáo không dám hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) tại phiên tòa xét xử vụ “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” năm 2014
Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) tại phiên tòa xét xử vụ “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế” năm 2014
Dẫn chứng từ Báo cáo số 180/BC-TH tháng 9-2015 của Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, PGS-TS Vũ Công Giao, Viện Chính sách công và Pháp luật, cho biết kể từ khi có Luật Tố cáo năm 2011 đến tháng 3-2015, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận gần 700 yêu cầu bảo vệ người tố cáo, gồm cả 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng. Trong đó, chỉ khoảng 1/3 yêu cầu được tiến hành, gồm cả 21 trường hợp liên quan đến tố cáo tham nhũng.
Trong một khảo sát khác thực hiện năm 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là chẳng thay đổi được gì (51%), sợ gánh chịu hậu quả (28%).
Theo PGS-TS Vũ Công Giao, khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”. Đa số các trường hợp tố cáo trong thực tế được phản ánh trên báo chí cũng cho thấy người bị tố cáo thường là có chức vụ, quyền hạn hay thế lực trong xã hội. Còn người tố cáo ở vị trí yếu thế hơn, dẫn đến nguy cơ dễ bị trù dập, trả thù. Trong khi đó, việc thiếu cơ chế bảo vệ càng khiến người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập.
TS Nguyễn Văn Thịnh đề xuất cần phải có chương trình bảo vệ người tố giác tội phạm. Ở trung ương, chương trình đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an và có sự tham gia của đại diện VKSND Tối cao, TAND Tối cao; ở địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của công an cấp tỉnh và có sự tham gia của đại diện VKSND, TAND cùng cấp.
Chương trình bảo vệ được tiến hành khi có thông tin xác thực về nguy cơ tấn công hoặc xâm hại của tội phạm, đồng bọn hay thân nhân của chúng đối với người tố giác, người làm chứng, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Trường hợp cấp bách cần ngăn chặn ngay sự nguy hiểm của tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ thì ban chỉ đạo phải áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp, cử ngay lực lượng bảo vệ đến nhà ở, nơi làm việc của người đó hoặc tạm thời đưa họ đến nơi an toàn.
Quy định chung chung
Theo đánh giá của TS Nguyễn Văn Thịnh, quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về bảo vệ người tố cáo tham nhũng mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện.
Cụ thể hơn, PGS-TS Vũ Công Giao chỉ rõ Luật Tố cáo năm 2011 quy định UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú. Tuy nhiên, trong trường hợp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo thì luật không quy định trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào, chỉ quy định trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan khác có thẩm quyền.
Theo PGS-TS Vũ Công Giao, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi không quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ (người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác) là cơ quan điều tra của công an và quân đội.Luật Phòng chống tham nhũng tuy là văn bản luật chuyên ngành nhưng chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách chung chung.
Hạn chế, chồng chéo
PGS-TS Vũ Công Giao cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, quá nhiều cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo. Trong khi đó, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế và chồng chéo. Hiện không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo tham nhũng nói riêng.
Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT

No comments:

Post a Comment