Wednesday, June 29, 2016

Chủ quyền Quốc gia và vấn đề ngoại giao với Trung Quốc

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - ...Lần này Dương Khiết Trì đến Hà Nội có thể với mục đích tìm kiếm đồng minh để phủ nhận phán quyết trên của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippine kiện Trung Quốc và cũng có thể ngăn chặn Hà Nội tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc nếu như Philippines thắng cuộc...

*

Hôm thứ hai, ngày 27.06.2016, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Việt Nam với mục đích chính được công bố là đồng chủ trì Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt.

Tình hình Biển Đông hết sức cấp bách trước những động thái của các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một số quốc gia tại Đông Nam như Indonesia hay Philippines đang phòng vệ cứng rắn hơn về vấn đề chủ quyền Quốc gia của mình với người láng giềng Bắc Kinh có tham vọng bành trướng.

Trong bối cảnh tại Biển Đông tưởng chừng như gay gắt đến đụng trần như vậy thì hai nhân vật chính lại có một cuộc gặp gỡ nhau. Chúng ta biết rằng Việt Nam là một trong những nạn nhân chính của sự bành trướng Bắc Kinh tại Biển Đông. Hoàng Sa, Trường Sa đã rơi vào tay Trung Quốc gần hết.

Ở thế đáng ra phải đối đầu và cần phải liên minh với các Quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực để phòng vệ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng Hà Nội đã tiếp đón Bắc Kinh và kết thúc với ba văn kiện; hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển, về khoản tín dụng 129 triệu USD Trung Quốc cấp cho Việt Nam để xây cung văn hóa hữu nghị Việt-Trung tại Hà Nội và văn kiện về mở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng.

Trong các diễn biến có liên quan trong thời điểm căng thẳng vì những tranh chấp trên Biển Đông, giới quan sát cho rằng một trong những chủ đề chính sẽ là phán quyết mà tòa Trọng tài quốc tế sắp đưa ra về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ông Dương Khiết Trì nói rằng có ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của họ về phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Con số này bị nhiều người hoài nghi. Nó được diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tuyên truyền trước phán quyết của tòa án quốc tế.

Lần này Dương Khiết Trì đến Hà Nội có thể với mục đích tìm kiếm đồng minh để phủ nhận phán quyết trên của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippine kiện Trung Quốc và cũng có thể ngăn chặn Hà Nội tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc nếu như Philippines thắng cuộc.

Chưa biết động thái của Hà Nội như thế nào về sự kiện trên nhưng với món quà 129 triệu USD, Hà Nội dễ dàng chấp thuận cho Bắc Kinh mở Lãnh sự quán tại Đà Nẵng và hợp tác lực lượng cảnh sát biển của hai nước trên Biển Đông.

Cuộc chiến vòi rồng của Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014 đối với cảnh sát biển vẫn còn đó. Trung Quốc đâm rách tàu Việt, gây thương tích cho nhân viên kiểm ngư Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đả kích lẫn nhau về vụ đối đầu giữa tàu bè hai bên gần giàn khoan Hải Dương 981.

Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, lãnh đạo Hà Nội cho rằng mối quan hệ Việt Trung trong 6 chữ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ 21 phát triển theo hướng Việt Nam ngày càng có quan hệ sâu rộng với Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị.

Theo báo chí chính thống của Việt Nam nói có quan hệ mật thiết "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc. Hai nước đều do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngày 10/04/2007 trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ Tịch Quốc Hội của CSVN cam kết: Việt Nam luôn luôn cam kết tuân theo"Phương châm 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt" của Trung Quốc và tuyên bố "Quan hệ Trung-Việt chưa lúc nào tốt đẹp như lúc này".

Và từ khi có mối quan hệ Việt Trung như vậy, Việt Nam đã dần dần hội nhập thật sự “về với Trung Quốc” trong mọi chiều kích của quốc gia từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến chủ quyền Quốc gia dưới sự lãnh đạo và ngoại giao tài tình của cộng sản Hà Nội.

30.06.2016


No comments:

Post a Comment