Wednesday, April 6, 2016

Viện trợ chính thức – và mặt trái

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2016-04-06 
000_Hkg10242954
Cầu Nhật Tân nhìn từ bờ Nam sông Hồng tại Hà Nội hôm 6/1/2016, là cây cầu được xây dựng bằng nguồn vốn từ chính phủ Nhật Bản.  AFP photo
Với viễn ảnh không xa là Việt Nam sẽ hết được viện trợ theo thể thức ODA, người ta bắt đầu nói đến những khó khăn sau đó, khi kinh tế vẫn cần huy động vốn mà phải vay theo điều kiện của thị trường kể từ Tháng Bảy năm tới. Chuyện ấy là gì và có hậu quả ra sao, mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, gần đây, giới chức của Bộ Tài Chính Việt Nam có trách nhiệm về quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết là Việt Nam có thể không còn được vay nợ theo điều kiện viện trợ chính thức mà chuyển sang nguồn vay theo điều kiện thị trường. Hai định chế tài trợ quốc tế là Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu cũng xác nhận chiều hướng ấy. Ông nghĩ sao về việc này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ đây là tin vui vì Việt Nam như một đứa trẻ đã lớn, nay sắp đến lúc cai sữa và sẽ được ăn cơm rồi chập chững đi. Tôi chỉ không hiểu là tại sao người ta hốt hoảng vì sự chuyển hóa ấy đã được dự báo từ lâu, khi lợi tức đồng niên của một người lên tới mức trung bình là hơn một nghìn đô la một năm kể từ năm 2009. Tôi cũng xin được nhắc lại là Tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Thế giới và Việt Nam vừa hòan tất công trình nghiên cứu về những gì phải làm để đưa Việt Nam lên trình độ có lợi tức trung bình cao, là trong 20 năm nữa từ lợi tức hai nghìn một người vào năm  2014 phải lên tới bảy nghìn vào năm 2035. Có lẽ người ta hốt hoảng vì đứa trẻ chưa được chuẩn bị cho ngày khôn lớn mà giới hữu trách lại còn vay quá nhiều vốn ngắn hạn trong các năm 2011-2013 rồi nay phải lo trả nợ nhiều và đi vay với điều kiện đắt đỏ hơn.
Nguyên Lam: Thưa ông, người ta hay nói lãnh đạo là tiên liệu thì sự kiện lãnh đạo Việt Nam một mặt nói đến sức tăng trưởng mạnh để lên tới đẳng cấp lợi tức trung bình, rồi lại lo sợ là ở vào trình độ ấy thì sẽ phải huy động vốn theo những điều kiện mới. Vì vậy, xin đề nghị ông trình bày lại toàn bộ tiến trình viện trợ cho Việt Nam từ khi kinh tế xứ này được cải cách để thính giả của chúng ta nhìn thấy chặng đường đã qua và những thử thách sẽ tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi thật sự đổi mới kinh tế vì Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991 thì kể từ 1992 trở về sau, Việt Nam bắt đầu được các nước viện trợ về cả tài chính lẫn kỹ thuật hầu có thể tự túc phát triển trên nền tảng vững mạnh hơn. Về khuôn khổ viện trợ, ta chủ yếu có thể thức viện trợ phát triển chính thức ODA do 28 nước giàu mạnh tiên tiến đảm nhiệm qua các cơ quan viện trợ của họ hay qua các tổ chức tài chính quốc tế.
Ba tiêu chuẩn viện trợ là thứ nhất chính thức, thứ hai nhắm vào mục tiêu phát triển và thứ ba là qua ngả tài chính với sự ưu đãi. Chẳng hạn như hàng năm, Việt Nam vẫn có hội nghị của các nước cung cấp viện trợ, tôi xin gọi tắt là “cấp viện”, và các định chế tài chính quốc tế, đứng đầu là Ngân hàng Thế giới để cứu xét yêu cầu và mục tiêu của các dự án phát triển có lợi cho Việt Nam. Đấy là hình thức nâng đỡ khi Việt Nam còn nghèo và kết quả là kinh tế có tăng trưởng với lợi tức cao hơn xưa.
Nguyên Lam: Ông nói đến viện trợ tài chính với ưu đãi thì thực tế của chuyện ấy là gì? Thế nào là ưu đãi và ưu đãi đến mức thế nào, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Một quốc gia chỉ phát triển khi thực hiện các dự án yểm trợ tăng trưởng sản xuất và các dự án này phải mất nhiều năm thực hiện thì mới có kết quả. Đấy là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất như cầu đường, sông ngòi hay xã hội như trường học, nhà thương và chợ búa.
Viện trợ kỹ thuật là tiến trình nghiên cứu từ bước kế hoạch qua chương trình đến các dự án. Viện trợ tài chính là tài trợ việc thực hiện các dự án có tính cách lâu dài. Vì vậy, người ta cho nước cầu viện vay tiền với các điều kiện dễ dãi là 1/ dài hạn, kỳ hạn di vay có thể ba bốn chục năm; 2/ với thời gian ân hạn dài, là trong năm bảy đầu thì chưa phải trả vốn mà chỉ trả lãi; và 3/ với lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường, có khi chỉ là một phần trăm một năm mà thôi. Căn cứ trên ba tiêu chuẩn ấy, người ta có thể tính ra một con số tổng hợp về mức ưu đãi, gọi là “grant element” hay “yếu tố tặng dữ”.
Về kỹ thuật thì khi đi xin viện trợ, người ta tùy dự án mà thương thuyết tiến trình giải ngân hay tháo khoán theo nhịp độ thực hiện dự án, thương thuyết về kỳ hạn trả nợ dài hay ngắn, về thời gian ân hạn là bao lâu và lãi suất là bao nhiêu so với lãi suất trên thị trường và dự toán về lạm phát, rồi dùng một chiết khấu suất để tính ra hiện giá của cả dự án trong mấy chục năm tới và so với mệnh giá thì có số bách phân gọi là yếu tố tặng dữ hay grant element. Theo thể thức ODA thì mức tặng dữ phải trên 25% mới gọi là viện trợ. Nôm na là vay 100 bạc trong 30-40 năm mà sau cùng thì trả có 75 đồng thôi. Trong thực tế thì mức tặng dữ ấy còn cao hơn nhiều, chứ không chỉ ở khoảng 25%.
Tiêu chuẩn ưu đãi của viện trợ
Nguyên Lam: Nguyên Lam được biết ngày xưa, ông đã từng thương thuyết viện trợ và là cố vấn về ngoại viện cho chính phủ Sàigòn trước năm 1975. nên đã quen với cách tính ấy. Sau này, ông còn là tư vấn kinh tế cho các tổ chức cấp viện đi thực hiện dự án phát triển cho các nước cầu viện cho nên có thể nhìn vấn đề từ hai giác độ khác nhau, ông nhận xét thế nào về tiêu chuẩn ưu đãi của viện trợ?
000_Hkg2245789-400
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Matsuo và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại buổi lễ ký kết ODAcủa Nhật cho Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 31 tháng 3 năm 2009. AFP photo
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin có bốn nhận xét sau đây về chuyện khá phức tạp ấy.
Thứ nhất, các nước chuyển hướng kinh tế từ chế độ cộng sản thường có tư tưởng lệch lạc, là sở dĩ các quốc gia cấp viện, toàn là Tây phương cả, phải viện trợ cho các nước nghèo vì ngày xưa họ là thực dân đế quốc! Vì tư tưởng lệch lạc lại nhuốm mùi đấu tranh lạc hậu ấy, người ta dễ có tinh thần vô trách nhiệm khi nhận viện trợ, coi như ăn của địch để đánh địch, thậm chí để đánh tư bản chủ nghĩa! Vô hình chung đi xin viện trợ mà chả khai thác được gì cho quốc gia chỉ vì lý luận hàm hồ ấy của nhiều người trong đảng.
Thứ hai, nếu thật sự có tầm nhìn xa thì khi nhận viện trợ là phải nghĩ đến ngày hết cần viện trợ, càng sớm càng hay. Không thể nào là quốc gia phú cường khi cứ ngửa tay cầu viện và xin được ưu đãi càng nhiều và càng lâu càng hay. Với tinh thần tự chủ đó thì trong vài chục năm cả nước cần thắt lưng buộc bụng để phát triển hầu ra khỏi thời kỳ phải có ngoại viện. Một số quốc gia đã bước vào trình độ tiên tiến có lợi tức cao, như Nam Hàn hay Đài Loan, là nhờ đã quyết chí chấm dứt sự lệ thuộc vào ngoại viện ngay từ khi khởi phát, cất cánh.
Thứ ba, nếu bộ máy nhà nước lại kém khả năng, là trường hợp Việt Nam, thì mức lợi tức trung bình biểu kiến ở trên vẫn che giấu khác biệt quá lớn ở dưới. Nôm na là bất công xã hội giữa thiểu số giàu có tại thành thị và đa số còn quá nghèo ở thôn quê. Rồi từ nay, kinh tế phải chật vật hơn khi cần huy động vốn cho yêu cầu rất lớn của xã hội, như Ngân hàng Thế giới mới cảnh báo gần đây. Kết cuộc thì người nghèo lại càng khó được ngân sách trợ giúp trong thời gian tới khi nhà nước đến ngày trả nợ.
Thứ tư, việc cung cấp viện trợ chính thức với điều kiện ưu đãi là phải qua cơ chế nhà nước. Nếu bộ máy nhà nước lại thiếu liêm chính thì khoản nợ ấy dẫn đến hiện tượng mà giới kinh tế và luật pháp gọi là “món nợ ghê tởm”. Đó là khi một thiểu số có chức có quyền lại vay nợ cho lợi riêng và chất lên một núi nợ mà người dân hay đời sau phải trả. Việt Nam có gặp hiện tượng ấy với các dự án đi vay mà chẳng nghĩ đến ngày trả, điển hình là vụ Vinashin đã được báo động từ năm 2008, khi Việt Nam bắt đầu có mức lợi tức trung bình.
Nguyên Lam: Với khoản nợ từ các nguồn viện trợ đã lên tới tám tỷ đô la Mỹ, mà đô la nay còn lên giá nên khi trả sẽ đắt hơn xưa, và mai này Việt Nam lại phải đi vay trên thị trường tự do với điều kiện đắt đỏ hơn, thưa ông, rồi tình hình rồi sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, Việt Nam không chỉ nợ có tám tỷ đô la thuộc diện ODA mà còn nợ gấp bội nếu đếm số nợ ưu đãi của Ngân hàng Thế giới theo thể thức IBRD và từ quỹ phát triển IDA, nay đã lên tới 13 tỷ rưỡi, và còn nợ Ngân hàng Phát triển Á châu ADB khỏang bảy tỷ đã giải ngân trong tổng số viện trợ khoảng 14 tỷ đã nhận từ năm 1993 cho tới sau này.
Từ chín năm trước, Hà Nội đã xin định chế Ngân hàng Thế giới cho thêm một giai đoạn chuyển đổi tiệm tiến mà sau đấy vẫn không chuẩn bị gì và tiếp tục đi vay vô tội vạ. Khi ấy, ta phải tự hỏi là những ai đã vay vô tội vạ từ cấp trung ương đến địa phương, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước đến các doanh nghiệp được gọi là quả đấm thép nay chìm trong nợ? Tôi trở lại hình ảnh của đứa trẻ, khi chập chững biết đi thì thể nào cũng có lúc ngã. Lúc đó đã tới và là lúc này, khi Việt Nam sẽ hết được vay Ngân hàng Thế giới theo quy chế viện trợ từ Tháng Bảy năm 2017 rồi hết được Ngân hàng Phát triển Á châu cấp vốn vay ưu đãi từ cuối năm 2018.
Nguyên Lam: Thưa ông, câu hỏi chính mà nhiều người quan tâm là rồi đây tình hình sẽ ra sao khi Việt Nam hết được vay tiền theo điều kiện ưu đãi của 25 năm vừa qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng tất nhiên tình hình sẽ khó khăn hơn trước, nhưng mọi người từ trên chí dưới đều phải ý thức được điều ấy mà tiến hành hai chương trình cải cách.
Thứ nhất, về hành chính công quyền thì phải gia tăng biện pháp kiểm soát để khỏi gây thêm vấn đề. Cụ thể là từ trung ương đến địa phương, phải có chế độ giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn và Nhà nước phải xác nhận trách nhiệm giải trình ngân sách, dùng bao nhiêu cho việc gì. Nhà nước không thể đại diện người dân đi vay tiền cho tay chân của nhà nước  làm việc khuất tất rồi bắt dân trả nợ.
Thứ hai, trong kế hoạch cải cách doanh nghiệp, là cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thì phải đặt ra yêu cầu tư nhân hóa, là bán tài sản của xí nghiệp quốc doanh lấy tiền về trả nợ và đồng thời mở ra không gian sinh hoạt cho tư doanh sớm thoát khỏi cảnh ngộ “chết lâm sàng” như hiện nay.
Lời kết ở đây là nên rút tỉa bài học của 25 năm đi xin ngoại viện: viện trợ là con dao hai lưỡi, nó chẳng giúp gì cho việc xóa đói giảm nghèo nếu nhà nước thiếu năng lực hành chính, bộ máy quản lý lại không liêm chính mà chẳng chịu trách nhiệm gì trước quốc dân. Một trong các dự án viện trợ đâu tiên cho Việt Nam là cải cách hành chính, được đề xướng từ năm 1992 mà chẳng có kết quả xứng đáng chỉ vì vai trò quá lớn của đảng và các đảng viên trong bộ máy nhà nước. Không có pháp quyền nhà nước thì người dân chỉ có quyền đi trả nợ cho tay chân của nhà nước.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.

No comments:

Post a Comment