Saturday, March 5, 2016

Nếu vẫn ‘khinh dân,’ Việt Nam khó mà phát triển

VIỆT NAM - Những khuyến cáo mà EUROCHAM (Phòng Thương Mại Châu Âu) nêu trong bạch thư 2016 cho thấy, vì chính quyền Việt Nam “khinh dân,” tiến trình phát triển có nhiều trục trặc và môi trường kinh doanh kém hấp dẫn.
Bạch thư 2016 của EUROCHAM. 

EUROCHAM đại diện cho khoảng 900 doanh nghiệp của Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Mỗi năm, EUROCHAM công bố một bạch thư. Bạch thư 2016 là cuốn thứ tám. Các bạch thư có tính chất như một thống kê các nhận xét thường niên của doanh giới Châu Âu về kinh tế-xã hội Việt Nam, kèm theo những khuyến nghị đối với chính quyền Việt Nam.

EUROCHAM nhấn mạnh rằng những khuyến nghị đó không chỉ thuần túy vì quyền lợi của doanh giới Châu Âu mà còn là lợi ích lâu dài cho cả chính phủ lẫn dân chúng Việt Nam.

Năm nay, bạch thư 2016 liệt kê bốn nhóm vấn đề kèm những kiến nghị tương ứng liên quan tới: Nâng cao mức sống cho dân chúng, năng lượng và điện lực, xây dựng khung pháp lý, gia tăng sức cạnh tranh của Việt Nam.
Những bất cập và các khuyến nghị dành cho bốn nhóm vấn đề vừa kể của EUROCHAM cho thấy rất rõ rằng, dân chúng Việt Nam vẫn nằm bên ngoài sự quan tâm của chính quyền Việt Nam.

Chẳng hạn đối với việc nâng cao mức sống dân chúng, EUROCHAM đề cập đến nhiều vấn nạn mà chính quyền Việt Nam đã để chúng trở thành trầm kha. Ví dụ khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, an toàn dược phẩm, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ con.

Do hệ thống y tế bất cập, EUROCHAM ước đoán, chỉ riêng năm ngoái đã có khoảng 40,000 người Việt ra ngoại quốc khám bệnh, chữa bệnh và họ đã phải chi chừng một tỷ Mỹ kim.

Trong tiến trình cải tổ những bất cập của hệ thống y tế, EUROCHAM dự trù, Việt Nam sẽ phải chi chừng 1.4 tỷ Mỹ kim nhập cảng thiết bị y tế. Để tất cả các bên, trong đó bao gồm cả dân chúng cùng có lợi, EUROCHAM khuyến nghị, việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế phải công khai, công bằng. Có như thế, việc sử dụng ngân sách mới hiệu quả. Mặt khác, theo EUROCHAM, chính quyền Việt Nam cần ban hành những qui định rõ ràng về lưu thông thiết bị y tế.

Những qui định rõ ràng về thương mại hay khi tái cơ cấu nông nghiệp,... sẽ giúp giải quyết việc lạm dụng thuốc trừ sâu, kháng sinh, giải quyết thành công những vấn nạn liên quan đến an toàn thực phẩm.

EUROCHAM nhận xét, ngay cả khi mức tiêu thụ điện tăng khoảng 15%/năm, nếu chính quyền Việt Nam có một chính sách rõ ràng thì vẫn có thể huy động được vốn đầu tư để phát triển nguồn điện từ sức gió thay vì phải xuất công quỹ hoặc đi vay.

Phòng Thương Mại Châu Âu tiếp tục bày tỏ sự thất vọng về việc có quá nhiều sắc thuế. Về việc Việt Nam vẫn duy trì các hàng rào khiến sức cạnh tranh của chính Việt Nam suy giảm như không thay đổi các qui định về thị thực nhập cảnh, các thủ tục hiện hành vẫn tạo cơ hội cho hải quan nhũng nhiễu. Về việc hệ thống tư pháp, Việt Nam hoạt động kém hữu hiệu và không theo luật chơi chung. Chẳng hạn, hệ thống tòa án Việt Nam tiếp tục gây khó khăn trong việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế. Về việc thiếu nghiêm túc thực thi các qui định liên quan đến sở hữu trí tuệ khiến các ngành công nghệ cao khó có thể phát triển.

Bạch thư 2016 cũng nhắc đến Hiệp Định Tự Do Thương Mại giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). EUROCHAM tin rằng, đó là cơ hội của cả hai bên. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có thể đạt được những lợi ích mà Việt Nam mong muốn khi nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam sửa đổi chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển hạ tầng-vận tải-hậu cần, chính sách thuế, đầu tư thỏa đáng cho công nghệ thông tin. (G.Đ)

03-05- 2016 1:41:14 PM 

No comments:

Post a Comment