Thursday, March 3, 2016

Âm thầm giúp đời bằng việc mọn có thể

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-03-03 
unnamed[1].jpg
Buổi cơm trưa đầu năm cho những cô bác bán vé số và buôn ve chai ở Đà Nẵng.  RFA PHOTO
Tại Việt Nam ngày nay, khi những tổ chức từ thiện mọc lên như nấm sau mưa với những công việc giúp người ý nghĩa và thiết thực, thì cũng có những người lặng lẽ, âm thầm và quyết tâm gắn bó với người nghèo bằng chính tiền bạc và công sức của mình chứ không kêu gọi sự tương trợ từ bất cứ nhóm nào khác.
Những việc họ đang làm chỉ đơn  giản là đến với bà con nghèo thôi chứ không có gì gọi là to tát hết.
Lê Ngọc Hoàng Lan: Tất cả đều là do tiền của tụi em  tự đóng góp vô chứ không  phải từi một tổ chức nào hết.
Đọc báo thấy nhiều hoàn cảnh ngoài đời cần nhiều sự giúp đỡ quá, tụi em mới họp lại và một tháng đóng góp bao nhiêu đó để làm cơm trưa cho mấy chú bác trong quê ra Đà Nẵng bán vé số, bán ve chai, làm thợ hồ.
- Lê Ngọc Hoàng Lan
Nguyễn Hữu Phước: Tụi em bây giờ đang ở trong tình trạng quá đầy đủ rồi, xe hơi nhà lầu cái gì cũng có hết trơn rồi. Trời Phật cho mình ngày hôm nay nên mình cũng gieo duyên giúp đỡ người ta. Tuổi trẻ mà, tụi em vẫn đi chơi, shopping, ăn uống nhậu nhẹt nhưng mà nó chừng mực thôi chứ không quá nhiều sa đọa như các thông tin đại chúng về những người trẻ bây giờ. Tụi em đang thông qua Facebook và thông qua bạn bè, truyền  đạt ý tưởng đó cho  bạn trẻ nào thấy hay thì làm theo.
Lê Đăng Khoa: Bọn em làm từ tiền của mình hết, đương nhiên mình cũng có nguồn thu. Nói chung cuộc đời mình thì cái mình có được là cái may mắn cộng với sự cố gắng của mình. Khi so với quá nhiều người ngoài kia mà mình có cái may mắn lớn như vậy thì mình nên chia sẻ. Em chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi.
Đó là 3 bạn trẻ, Lê Ngọc Hoàng Lan ở Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Phước ở Đà Nẵng, Lê Đăng Khoa ở Sài Gòn.
Ba năm qua, khởi sự từ năm 2012, bạn trẻ Lê Ngọc Hoàng Lan thuộc một nhóm không tên ở Đà Nẵng, bắt đầu một tháng 2 lần dọn cơm trưa cho những người từ quê ra Đà Nẵng bán vé số, buôn ve chai hoặc làm thợ nề, thợ hồ...
“Đọc báo thấy nhiều hoàn cảnh ngoài đời cần nhiều sự giúp đỡ quá, tụi em mới họp lại và một tháng đóng góp bao nhiêu đó để làm cơm trưa cho mấy chú bác trong quê ra Đà Nẵng bán vé số, bán ve chai, làm thợ hồ. Phần cơm tuy là nhỏ nhưng mấy chú bác tiết kiệm được mấy chục ngàn họ cũng vui.”
Công việc đòi hỏi sự gọn gàng, nhanh chóng, thân thiện, bảo đảm người dùng buổi trưa được no bụng và cảm thấy vui:
“Tụi em đa số đi làm rồi nhưng mà những em sinh viên rảnh thì ngày đó qua giúp  tụi em nấu cơm. Không có một địa điểm nào chính xác hết,  chỉ mượn cái chỗ gần khu chợ, mượn bàn ghế của mấy cô bán hàng ăn  mà buổi trưa người ta nghỉ, nấu cũng ở ngoài đường luôn chứ không có bếp núc hay cái gì cố định hết.
Nếu đầy đủ nhân lực thì tụi em nấu cơm, còn ngày nào bận thì làm những món đơn giản hơn như là mì quảng hay là bún chay. Ngày 15 với ngày mùng Một thường là ngày chay của người dân ở Đà Nẵng mình, một buổi khoảng gần 100 suất. Chỉ có buổi trưa thôi, tụi em muốn làm nhiều hơn nhưng chắc chuyện đó ngoài tầm tay. Thời gian đầu thì tụi em đi phát phiếu ăn, gặp ở ngoài đường thì mình phát, rồi lần sau người ta tự biết người ta tới. Mọi người tới đông đủ cũng vui lắm, dọn ra 11 giờ thì khoảng 12 giờ đã xong rồi, ai cũng bận đi làm, mọi người họ tranh thủ ăn cho lẹ để mà đi thôi.”
Nếu một tháng chỉ hai lần dọn cơm cho người lao động như thế thì cũng chẳng có gì đáng nói bởi ở Việt Nam giờ không thiếu những quán cơm 2000 cho người nghèo khó. Xin hãy nghe cô Hoàng Lan kể tiếp:
“Ngoài chuyện nấu cơm thiện nguyện cố định hàng tháng, ngày Tết hay Trung Thu tụi em còn vô mấy trung tâm hay mấy chùa nhận nuôi trẻ mồ côi ở Đà Nẵng, tiêu biểu như chùa Quang Châu, rồi những nhà trẻ mà nhiều người không biết thì tụi em quan tâm nhiều hơn một chút.
Ngoài những buổi đó ra thì tụi em nấu cháo, đưa vô mấy bệnh viện cho bệnh nhân ăn miễn phí. Rồi đi bệnh viện ung thư, những người khó khăn người ta mới ở lâu dài trong đó thôi. Có những trường hợp bị phỏng hay bệnh nặng rất thương tâm thì có bao nhiêu đóng góp vô phong bì cho người ta. Có nhiều lúc tụi em đi vô miền quê phát gạo, vô chùa cũng làm những chương trình như vậy. Bà con chỗ nào khó khăn quá thì tụi em để ý tới nhiều hơn.”
000_Hkg10199306.jpg
Những người từ quê ra Đà Nẵng buôn ve chai. (minh họa)

Chia sẻ cho người nghèo khó là một trong những tâm nguyện của bạn trẻ Nguyễn Hữu Phước, cư dân Đà Nẵng, mạnh thường quân của nhóm không tên do Hoàng Lan phụ trách. Khi Thanh Trúc hỏi thăm mới hay Nguyễn Hữu Phước cụng là người đã và đang giúp trang trải những ca giải phẫu miễn phí cho trẻ bệnh tim bẩm sinh, xây mái ấm cho người không nhà, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ được cơ hội đi học. Anh bắt đầu làm những việc này ngày sau khi lời cầu nguyện cho mẹ khỏi bệnh đạt kết quả tốt đẹp.
Năm 2010, Nguyễn Hữu Phước lập Quỹ Từ Thiện PK với phần lớn chi phí do anh trang trải:
“Em làm tới ngày hôm nay là hơn 5 năm rồi, xây hơn 50 căn nhà tình thương ở Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng, mổ tim thì tài trợ được 8 trẻ em.
Những ca mổ tim thì cũng tùy, ở miền Trung là em, còn ở miền Nam là bạn em. Vì tụi em hay đi bệnh viện thì người ta có xin số mình lại, khi thấy những trường hợp gia đình khó khăn hoặc thiếu kinh phí, đặc biệt mấy anh em dân tộc không có kinh phí để mổ ca tim đó thì người ta cho mình biết. Thường mổ tim là gần 60 triệu, bảo hiểm trả hết 15 triệu, còn thiếu gần 45 triệu thì mình trực tiếp đưa cho bệnh viện, trực tiếp nộp vào viện phí rồi bệnh viện mổ tim cho bé thôi.
Năm vừa qua em làm được 8 ca rồi, 8 ca thì cũng có 2 ca không thành công, em không qua khỏi vì quá nhỏ, sinh ra cỡ ba bốn tháng mà bị hở van tim hoặc tâm thất tâm nhĩ máu không bơm lên được. Thành công cũng có mà không thành công cũng có.”
Ba chục triệu, tương đương 1.400 đô la xây một căn nhà cấp 4, 45 triệu đồng cho một ca mổ tim tại bệnh viện là phí tổn do Quỹ Từ Thiện PK tài trợ từ đầu đến cuối mà không hề xin xỏ hay kêu gọi sự đóng góp của bất cứ người nào hay tổ chức nào khác.
Tự bỏ tiền kinh doanh để làm thiện nguyện, tự đi tiền trạm để tiếp xúc, tìm hiểu trước khi quyết định giúp đỡ cũng là tôn chỉ làm việc của Lê Đăng Khoa, thành viên chủ chốt thứ nhì trong Quỹ Từ Thiện PK, chuyên trách khu vực miền Nam mà Nguyễn Hữu Phước đã nhắc tới.
Theo như Lê Đăng Khoa cho biết, lý do xây được nhiều nhà tình thương cho người nghèo ở Long An là nhờ sự kết hợp giữa Quỹ Từ Thiện PK với chương trình Mái Ấm Ước Mơ của đài truyền hình Long An, thế nhưng nhiệm vụ tiền trạm và lựa chọn vẫn do nhóm của anh Khoa phụ trách:
“Em kết hợp với đài truyền hình Long An để thành lập chương trình Mái Ấm Ước Mơ, một tháng mình giao 2 căn nhà, em là người trực tiếp đi khảo sát và trực tiếp đi trao, đội ngũ xây dựng do mình giám sát luôn. Đối với người nghèo, để có một căn nhà như vậy là cả một ước mơ trong đời của họ, một niềm vui rất lớn. Bọn em tự dùng tiền của mình để xây nhà, đăng lên Facebook để cho mọi người thấy được có những cảnh đời khó khăn như thế nào và được giúp như thế nào vậy thôi.
Đầu tiên là cứu mạng người, thứ hai là đi xây chùa, thứ ba là đi phát sách, đó là việc mà tụi em đang làm.
- Nguyễn Hữu Phước
Lâu lâu cũng có một vài bạn muốn quyên góp ví dụ bàn ghế hay gì đấy thì em hỗ trợ cho họ, cho địa chỉ để họ tới đó họ tự tặng.”
Làm những việc thiện nguyện đối với một doanh gia trẻ tương đối thành công như Lê Đăng Khoa là một trách nhiệm mà cũng là một hạnh phúc lớn lao. Anh chia sẻ:
“Cũng như mình vay của đời những cái mình đang có thì mình trả lại cho đời mà trả trong lúc mình còn có thể làm được. Tụi em quan niệm là khi mình đi kêu gọi thì rất nhạy cảm, nói chung tụi em tự dùng tiền của mình để làm và hạn chế tối đa những vấn đề nhạy cảm.”
Vậy bạn có mong đợi gì không từ những việc đã làm được cho người khác, Lê Đăng Khoa quả quyết:
“Thực ra thì không mong đợi gì cả, chỉ cảm thấy đó là niềm vui rất lớn trong đời mình, nó làm mình cảm thấy đang sống cuộc đời rất ý nghĩa.”
Nguyễn Hữu Phước nói với Thanh Trúc là anh ước mơ được làm những việc tốt đẹp như thế này mãi mãi:
“Đầu tiên là cứu mạng người, thứ hai là đi xây chùa, thứ ba là đi phát sách, đó là việc mà tụi em đang làm.”
Với Lê Ngọc Hoàng Lan, món quà quý giá cô nhận được chính là sự thông cảm, thân thiện và chia sẻ từ những cô những chị bán hàng khi cô đi chợ mua sắm vật liệu về nấu buổi cơm trưa cho những người lao động vào thành phố hoặc những suất cháo buổi sáng đến cho những bệnh nhân và người thăm nuôi trong bệnh viện:
“Khi em mua rau quả thường là mấy cô mấy chị bớt giá cho em hoặc có khi cho không, rồi lại còn hỏi han về những chuyện tụi em đang làm. Điều đó làm chúng em cảm thấy thật ấm lòng.”
Các bạn trẻ này luôn nhắc đi nhắc lại là họ chỉ làm những việc nhỏ mọn và khiêm tốn mà thôi, nhưng thiết tưởng với nhiều người có lòng thì đó là những công việc xuất phát từ trái tim nhân hậu và tấm lòng mẫn cảm mà không phải ai cũng có được và làm được.

No comments:

Post a Comment