Sunday, February 21, 2016

Nữ sinh Huế và nạn bạo lực học đường

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-02-21  
VTT.jpg
Bài viết trên báo Dân Việt trích lời cô Phạm Thị Ngọc Tâm, hiệu trưởng trường Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân: “Không đánh nhau sẽ không năng động”.  Screenshot of danviet.vn
Tại thành phố Huế hôm thứ Năm 18 tháng 2, một nữ sinh Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân bị năm sáu bạn gái cùng trường xúm vào đánh đấm tới tấp trong lúc những học sinh khác chỉ đứng nhìn chứ không can thiệp.
Đây là lần thứ hai khi mà âm vang vụ nữ sinh đánh nhau lần trước ở Trung Học Cơ Sở Trần Phú, thành phố Huế, chưa kịp lắng xuống trong lòng mọi người.
Tin tức vừa nêu được các báo trong nước như tờ Thanh Niên hay tờ Dân Việt đăng lên với hình ảnh, thậm chí cả video clip cận cảnh năm sáu cô gái vừa chửi vừa đánh vừa đá vào mặt làm nạn nhân ngã bệt xuống đất, trong lúc bao nhiêu học sinh khác vây quanh chỉ đứng nhìn.
Đến khi giám thị của trường hay tin và chạy ra thì nhóm nữ sinh hung hăng kia đã tháo chạy sau khi có người la to là công an tới.
“Trường Bùi Thị Xuân là một trường vừa nam vừa nữ chứ không phải chỉ riêng là trường nữ. Hiện tượng nữ sinh đánh nhau không phải là trường hợp phổ biến ở Huế đâu. Nề nếp của người Huế mình thì đa số vẫn còn giữ được gia phong, tính cách của phụ nữ là dịu dàng và nhẹ nhàng , thấy như vậy thì thật sự cũng đau lòng.”
Thế giới bây giờ của bọn trẻ, không biết vì mạng xã hội nó mạnh quá, rồi an sinh xã hội, giáo dục không được tốt. Bây giờ thấy hắn hư hỏng quá mà không biết nguyên nhân do đâu nữa.
- bà Tuyết
Bà Thanh Nhã, cư dân Huế, đang trông coi Quán Cơm Xã Hội dành cho sinh viên học sinh nghèo trong thành phố:
“Có lẽ là do hiện trạng xã hội, có những cái nó làm biến đổi đi tính cách của nữ sinh Huế. Mình nghĩ cũng nên nhìn lại sự giáo dục của học đường cũng như là tác động của xã hội, tác động của gia đình đối với những con em của mình, mình phải nhìn lại.”
Theo một phụ huynh là bà Tuyết, chủ nhân nhà sách Hồng Đức, mọi người gần như bị sốc vì chuyện hai lần nữ sinh Huế sinh sự đánh nhau không nể nang ngay trước cổng trường. Nguyên nhân được báo chí nêu ra là do chuyện yêu đương cũng như xuất phát từ mâu thuẫn đã có trước đó. Tình trạng nữ sinh ngang nhiên thượng cẳng chân hạ cẳng tay trước mặt bạn bè, bà Tuyết nói tiếp, là tiếng chuông cảnh báo đối với những ai lơ là trong việc chăm sóc dạy dỗ con cái:
“Đây là nỗi đau của thế hệ bọn mình nhìn về thế hệ sau. Nhưng mà khi mình hỏi ra thì ba mẹ của em gái đó đi làm ở Lào, giao em lại cho ông bà ở đây, thì họ không có trách nhiệm chi hết trơn.
Mà cái thế giới bây giờ không còn thơ mộng, lãng mạn, nhẹ nhàng và dễ thương như hồi xưa của bọn mình. Thế giới bây giờ của bọn trẻ, không biết vì mạng xã hội nó mạnh quá, rồi an sinh xã hội, giáo dục không được tốt. Bây giờ thấy hắn hư hỏng quá mà không biết nguyên nhân do đâu nữa. Nếu con mình bị lôi kéo vô những trường hợp như rứa thì mình rất là đau lòng.”
Cùng với sự bàng hoàng thì dư luận Huế còn phát hoảng khi báo Dân Việt đi một bài tựa đề “Nữ Sinh Không Đánh Nhau Sẽ Không Năng Động”.
Được biết ngay buổi chiều 18 là ngày xảy ra vụ năm sáu nữ sinh đánh hội đồng một nữ sinh trước cổng Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân, phóng viên báo Dân Việt đã đến gặp hiệu trưởng trường là cô Phạm Thị Ngọc Tâm để tìm hiểu vụ việc.
vtt-2.jpg
Nữ sinh thành phố Huế đánh nhau trong trường.
Sau đó, bài báo của phóng viên tờ Dân Việt tường thuật lời cô hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Tâm: vì gia đình em nữ sinh bị hành hung không muốn làm lớn chuyện nên nhà trường không truy tìm thủ phạm đã đánh đập em.
Báo Dân Việt còn trích nguyên văn lời cô hiệu trưởng là “Đây là tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được.”
Cô hiệu trưởng Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân còn giải thích sở dĩ khi đó có đông học sinh đứng xem mà không ai dám can ngăn vì chính các em cũng sợ mình bị đánh.
Một phụ huynh tên Tuyết nói rằng bà đã rất sốc khi nghe lời phát biểu của cô hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Tâm:
“Phát biểu như vậy cho nên con em hư, giáo dục hư, bị xuống cấp. Cô giáo mà nói như vậy thì còn chi là giáo dục nữa. Phải nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng chứ cô giáo nói như vậy là cô giáo vô trách nhiệm.”
Chị Châu, có em gái đang học trung học, nói rằng chuyện xảy ra trước cổng trường thì trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ban giám hiệu:
“Cái này phụ thuộc bên trường học và bên phía các giáo viên, phải quan tâm và phải định hướng lại. Thực sự phải là người trong ngành và thứ hai là những người chịu trách nhiêm bên giáo dục hiểu rõ vấn đề mới giải quyết được, còn nếu chỉ bề ngoài thì em nghĩ không hiệu quả đâu.”
Hình ảnh mà báo chí trong nước đưa lên cho thấy nhóm nữ sinh lớp Mười của Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân đã túm tóc, đánh vào mặt rồi đạp nạn nhân ngã xuống đất. Phải đến khi một người dân đưa máy lên chụp và hô to là công an đây thì nhóm học sinh nọ mới bỏ chạy. Bà phụ huynh tên Tuyết bày tỏ cảm tưởng:
“Nếu như phụ huynh, nếu như các trường ráp lại phong cách cho các em thì các trường nên cho các em mặt áo dài. Khi mặc áo dài là phong cách theo đó mà nền nã nhẹ nhàng hơn. Đây hắn ăn mặc lung tung, vô trật tự... Ít ra mỗi một tuần thì mỗi sáng thứ Hai mặc áo dài, để cho các em thấy được cái đẹp thùy mị đoan trang của con gái nói chung và gái Huế nói riêng.”
Nhà trường không giáo dục cách nào đấy để biết cách đối thoại, biết cách giàn xếp những xích mích. Không giáo dục thanh niên theo hướng đấy mà lại giáo dục theo hướng dùng vũ lực thì kết quả là giáo dục của nhà trường và của gia đình cuối cùng nó ra một sản phẩm như thế thôi.
- tiến sĩ xã hội Phạm Quỳnh Hương
Chuyện học trò đánh nhau trong trường xưa nay lúc nào cũng có, nhưng nếu chuyện nữ sinh trong độ tuổi sắp  làm người lớn mà đánh nhau hoặc cả  nhóm hành hung một em một cách dã man là hiện tượng xã hội đáng lưu ý và không thể coi nhẹ.
Tiến sĩ Pham Quỳnh Hương, Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, Viện Xã Hội Học ở Hà Nội khẳng định:
“Chuyện con gái đánh nhau bây giờ người ta nói nhiều đến, người ta lên báo chí rồi quay phim lên các thứ gây một sự chú ý. Quan niệm của Việt Nam mình vốn là con gái phải thùy mị nết na hiền dịu này nọ. Đấy là  cách suy nghĩ tạm gọi là phân biệt giới nam và giới nữ. Chỉ có cái khi người ta giật tít đưa lên báo thì người ta theo để người ta phản đối này nọ.
Nói vậy  không có nghĩa rằng việc đấy là điều bình thường, là nên làm. Đã là học sinh trung học, chuẩn bị  đến tuổi thành niên mà có hành vi như thế đúng là điều đáng phê phán. Vì chuyện gì mà đưa nhau ra và xử lý nhau bằng vũ lực cũng một phần là do phim ảnh sách báo nhiều bạo lực ảnh hưởng  đến thanh niên.”
Mặt khác, tiến sĩ xã hội Phạm Quỳnh Hương nói tiếp, hành vi bạo động của nữ sinh bị phê phán thì ít mà phát biểu của hiệu trưởng rằng “không xích mích không đánh nhau thì các em không năng động được” mới là  điều vô cùng bất ngờ và đáng tiếc:
“Là hiệu trưởng chắc phải suy nghĩ và phát ngôn có chừng có mực, nếu đúng là bà ấy nói thế thì đúng là không có gì để nói nữa, cứ cho rằng thiếu suy nghĩ là đơn giản nhất.
Giáo dục cho thanh niên năng động là phải đánh nhau thì họ chả hiểu thế nào là năng động cả. Hơn nữa nhà trường không giáo dục cho thanh niên trong trường hợp có xích mích thì giải quyết bất đồng bằng cách gì. Nhà trường không giáo dục cách nào đấy để biết cách đối thoại, biết cách giàn xếp những xích mích. Không giáo dục thanh niên theo hướng đấy mà lại giáo dục theo hướng dùng vũ lực thì kết quả là giáo dục của nhà trường và của gia đình cuối cùng nó ra một sản phẩm như thế thôi.”
Đường dây viễn liên cũng đã nhiều lần được nối về số máy của cô hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Tâm để hỏi cho ra lẽ về lời phát biểu của cô nhưng rất tiếc không có ai bắt máy.

No comments:

Post a Comment